Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN |
Báo cáo với đoàn kiểm tra, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn cho biết, ngay sau khi nghị quyết được ban hành, Thành ủy Hà Nội đã khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai việc học tập, quán triệt và xây dựng chương trình hành động. Công tác dân vận được các cấp chính quyền thành phố chú trọng, chăm lo giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, góp phần củng cố mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Với tinh thần “Việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”, cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở đã tập trung chỉ đạo, giải quyết hiệu quả những vấn đề thiết thực đến đời sống của nhân dân; quan tâm lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp xây dựng của nhân dân; kịp thời điều chỉnh những chủ trương, cách làm không phù hợp; quan tâm thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, người nghèo, người khuyết tật. Các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ngày càng phát triển cả bề rộng và chiều sâu, góp phần tích cực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Thủ đô.
Minh chứng từ năm 2013 đến nay, tốc độc tăng trưởng trung bình của Hà Nội luôn đạt trên 1,5% mức tăng trung bình chung của cả nước. Các tầng lớp nhân dân Thủ đô tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và nhà nước. Đơn thư khiếu nại, tố cáo giảm từ trên 1.600 vụ năm 2013, đến năm 2017 giảm còn trên 900 vụ. Có được kết quả đó là do thành phố Hà Nội đổi mới công tác dân vận, thực hiện công tác dân vận gắn với các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, gắn liền với việc giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo của người dân. Việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được mở rộng và chỉ đạo quyết liệt. Đặc biệt là công tác cải cách hành chính và công tác tiếp dân được đẩy mạnh, kịp thời tháo gỡ những bức xúc của người dân.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cũng cho rằng, Đảng đánh giá công tác dân vận có vị trí quan trọng, quyết định thành bại của cách mạng. Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương thể hiện vai trò và quyết tâm rất lớn của Đảng về công tác dân vận. Bác Hồ đã nêu vấn đề này rất rõ, Bác coi dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận tốt thì việc gì cũng thành công. Thấm nhuần tư tưởng ấy và chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết 25 -NQ/TW trong cả hệ thống chính trị. Kết quả là hệ thống chính trị được giữ vững, kinh tế tiếp tục ổn định và phát triển, thể chế văn hoá, chăm sóc người có công, dịch vụ công... tiếp tục được thành phố quan tâm, coi trọng, lòng tin của người dân với đảng và chính quyền thành phố được nâng cao.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng lưu ý, công tác dân vận trong thời kinh tế thị trường sẽ khó khăn hơn, đòi hỏi công tác dân vận cao hơn rất nhiều. Công tác dân vận cần căn cơ hơn, đặc biệt là đội ngũ cán bộ dân vận. Những giải pháp của Nghị quyết 25 -NQ/TW chính là đáp ứng yêu cầu công tác dân vận trong thời kinh tế thị trường. Thành phố sẽ phải khắc phục tốt hơn những tồn tại, hạn chế, song song với đó là đồng bộ triển khai các giải pháp phù hợp với thực tiễn của địa phương, qua đó góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác dân vận.
Kết luận buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đánh giá, Hà Nội đã chuẩn bị báo cáo nghiêm túc, nội dung gắn với Nghị quyết 25 - NQ/TW và yêu cầu của đoàn kiểm tra, đồng thời giải đáp các thắc mắc của đoàn rất cụ thể. Đặc biệt, Hà Nội đã xây dựng được chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết 25 - NQ/TW phù hợp với điều kiện thực tiễn, phổ biến nâng cao nhận thức từ cán bộ trong hệ thống chính trị đến người dân. Công tác dân vận không chỉ chú trọng vào chủ trương, chính sách mà còn quan tâm đến đạo đức, lối sống, văn hoá ví dụ như việc xây dựng nông thôn mới, việc cưới văn minh, việc tang, giải phóng mặt bằng...
Để công tác dân vận đi vào thực tâm, thực chất, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị công tác dân vận ở Hà Nội cần phải được lồng ghép tất cả vào quá trình thực hiện chức năng, nhiệm của các cơ quan, đơn vị tạo sự đồng bộ trong thực hiện. Toàn hệ thống chính trị của thành phố cần tiếp tục thúc đẩy làm tốt hơn các nhiệm vụ phù hợp với chức năng nhiệm vụ, làm tốt những việc đang có trong quan hệ với dân để có kết quả thực chất về công tác dân vận. Công tác dân vận phải gắn với công tác xây dựng Đảng, nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu, trong đó công tác dân vận chính quyền phải là trọng điểm.
Đặc biệt, Hà Nội nên dành sự quan tâm lớn hơn đối với các nhóm người yếu thế, khắc phục chênh lệch, tạo sự công bằng lớn hơn, nhất là những người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn, vừa vận động, vừa giải thích, nâng cao nhận thức của nhân dân. Trong quá trình phát triển vận động của xã hội, công tác dân vận sẽ ngày càng khó khăn. Tính công khai, minh bạch, dân chủ rất quan trọng. Việc nóng, khiếu kiện đông người giải quyết càng nhanh, càng giảm phức tạp, dân càng đồng thuận, qua đó sẽ góp phần giúp nhân dân tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, thực hiện nghiêm túc các quy định của chính quyền.