Công nghiệp Vĩnh Phúc - sự bứt phá ngoạn mục

Đến với Vĩnh Phúc hôm nay, mọi người đều có cảm nhận sự thay đổi nhanh chóng. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị đua nhau mọc lên nằm xen kẽ các trục đường nhựa, đường bê tông. Con đường QL 2A từ thành phố Vĩnh Yên đi thị xã Phúc Yên dài khoảng 16 km hay các trục đường chính khác hướng về các tỉnh, thành lân cận lúc nào cũng tấp nập công nhân lao động đến nhà xưởng làm việc; các xe tải hạng nặng đến đây mua xe ô tô, xe máy, linh kiện và phụ kiện các loại xe, ống thép, gạch ốp lát, sản phẩm dệt may... để mang về đại lý ở các tỉnh tiêu thụ, mang đi xuất khẩu khiến cho các đô thị luôn nhộn nhịp. Sự phát triển đã tạo đà cho hàng loạt các ngành nghề, dịch vụ, việc làm... chuyển biến tích cực.

Công ty TNHH Exedy Việt Nam, tại Khu công nghiệp Khai Quang (Vĩnh Phúc), là doanh nghiệp 100% vốn Nhật Bản, tổng vốn đầu tư 8 triệu USD, chuyên sản xuất bộ ly hợp và các phụ kiện xe máy, ô tô. ảnh : Dây chuyền sản xuất, lắp ráp bộ ly hợp. Ảnh : Danh Lam – TTXVN



Sau 15 năm tái lập, quê hương của "khoán 10", "khoán hộ" trong sản xuất nông nghiệp một thời từng được cả nước biết đến tưởng như chỉ có hạt thóc, củ khoai... giờ đây lại có một sức bật trong phát triển công nghiệp với những sản phẩm công nghiệp có giá trị lớn, chứa đựng đầy chất xám và sức cạnh tranh. Tỉnh đã thu hút hàng loạt doanh nghiệp lớn, dự án lớn về đứng chân ở địa phương sản xuất kinh doanh ổn định trong nhiều năm, như Toyota, Honda, Daewoo Bus, Piaggio, Prime Group... đã tạo các nguồn thu "ra tấm, ra món" sớm đưa Vĩnh Phúc vào câu lạc bộ ngàn tỷ đồng, rồi hơn mười ngàn tỷ trong vài năm vừa qua. Tỉnh phấn đấu thu ngân sách đạt ngưỡng hai mươi ngàn tỷ đồng trong một vài năm tới.

Đồng chí Phùng Quang Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc tự hào: Nhớ lại thời điểm 15 năm trước, Vĩnh Phúc còn là một tỉnh nghèo, cơ sở hạ tầng yếu kém lại chưa được đầu tư. Ở hầu hết các huyện, đường liên xã nhỏ hẹp, mặt đường là đất, sỏi bụi bẩn và mưa thì lầy lội, do đó người dân không có nhiều cơ hội để giao lưu, buôn bán, phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung và sản phẩm nông nghiệp gắn với nhu cầu của thị trường. Mặt khác, đất canh tác ở Vĩnh Phúc khá nhỏ hẹp, chỉ trên dưới 400 m2/người, hầu hết nông dân bám đồng ruộng chỉ đủ sinh sống. Năm 1997 cơ cấu kinh tế là nông nghiệp của tỉnh 52%, dịch vụ 36%, công nghiệp 12%, thu ngân sách đạt gần 100 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt gần 140 USD. Cùng năm, toàn tỉnh chỉ có 136 doanh nghiệp, đóng góp 9,8% tổng thu ngân sách của tỉnh.

Nhìn vào những vấn đề khó khăn trên, Đảng bộ tỉnh đã xác định phải nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tập trung xóa đói, giảm nghèo cho người dân, từng bước xây dựng Vĩnh Phúc trở thành tỉnh giàu mạnh. Thông qua các kỳ Ðại hội Ðảng bộ tỉnh, Vĩnh Phúc đưa ra nhiệm vụ trọng tâm là phải tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đồng thời phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân... Điều đáng quan tâm là Vĩnh Phúc nhanh chóng tập trung quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tạo mọi điều kiện thuận lợi và đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực về tài chính, khoa học công nghệ hiện đại và làm ra những sản phẩm có chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước.

Nhờ các chính sách thông thoáng, ngày càng có nhiều nhà đầu tư về với tỉnh, từ 136 doanh nghiệp năm 1997, đến nay Vĩnh Phúc có 4.900 doanh nghiệp đang đầu tư sản xuất, kinh doanh, thu hút xấp xỉ 100.000 lao động. Vĩnh Phúc đã có ngành công nghiệp chủ lực, lợi thế như: ô tô, xe máy, gạch ốp lát, linh kiện các loại xe và điện tử... có sức cạnh tranh cao và ngày càng chiếm thị phần lớn trong nước, khu vực và thế giới. Các ngành công nghiệp phụ trợ bước đầu phát triển. Tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề truyền thống được quan tâm quy hoạch, đầu tư, khôi phục. Công nghiệp phát triển góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ngày càng hiện đại, chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp theo hướng giảm lao động ngành nông nghiệp. Ðến nay, Vĩnh Phúc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch 20 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 6.000 ha; trong đó, có 9 khu công nghiệp được thành lập, đã và đang trong quá trình đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, khai thác hoạt động có hiệu quả.

Bên cạnh việc phát triển công nghiệp thì các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân cũng được tỉnh thực hiện tốt và đi sớm hơn một bước so với các tỉnh, thành khác trong nước. Giai đoạn 2006 - 2010, tỉnh đã đầu tư khoảng 3.800 tỷ đồng cho lĩnh vực “tam nông”, trước mắt để xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, tu bổ và nâng cấp các công trình hồ chứa nước, kiên cố hóa hệ thống kênh mương, hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi chất lượng cao cho nông dân, miễn và giảm thủy lợi phí cho nông dân ở tất cả các địa phương trong tỉnh...

Nhờ tập trung mọi nguồn lực mà Vĩnh Phúc đã gặt hái được nhiều thành công với các chỉ tiêu kinh tế đầy ấn tượng. Điển hình trong nhiệm kỳ XIV (2005 - 2010), tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Vĩnh Phúc đạt 17,4%/năm, trong khi mục tiêu Đại hội đề ra là 14 - 14,5%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông - lâm nghiệp - thủy sản, năm 2010 giá trị công nghiệp - xây dựng chiếm 56,03%; dịch vụ: 30,23%; nông, lâm nghiệp, thủy sản: 13,74%. GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 31 triệu đồng, tương đương 1.630 USD. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 31,8%, trong đó thu nội địa chiếm tỷ trọng trên 80% tổng thu. Năm 2008, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt hơn 9.229 tỷ đồng, năm 2009 đạt gần 10.200 tỷ đồng và dự kiến năm 2011 thu ngân sách của Vĩnh Phúc đạt tới 15.400 tỷ đồng.

Đến nay có gần 100% tuyến giao thông tỉnh lộ, trên 70% tuyến giao thông nông thôn được cứng hóa. Toàn tỉnh đã kiên cố được trên 538,3 km kênh mương đảm bảo việc dẫn nước tưới và giảm 2/3 về thời gian, tiết kiệm trên 50% nước so với kênh mương đất trước đây; xây dựng xong bản đồ tưới, có 4.500/5.300 ha khó khăn nguồn nước đã được tưới tiêu chủ động; 40.888/43.301 ha cây hàng năm được phục vụ tưới tiêu, đạt 94,4%. Từ năm 2007 đến 2010, ngân sách tỉnh hỗ trợ miễn thủy lợi phí 216 tỷ đồng; đầu tư xây dựng công trình thủy lợi vùng khó khăn về nguồn nước để đảm bảo công bằng trong thực hiện miễn thủy lợi phí 140 tỷ đồng.

Từ chính sách miễn thủy lợi phí đã khuyến khích các hộ nông dân dồn điền đổi thửa, hình thành các vùng tập trung sản xuất hàng hóa với gần 14.000 ha, góp phần làm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, bước đầu tạo được tư duy sản xuất hàng hóa, gắn thị trường với sản phẩm đặc trưng của địa phương. Vĩnh Phúc đã đầu tư mạng lưới xe buýt và cơ chế hỗ trợ vận chuyển hành khách công cộng bằng xe loại này đến các huyện, thị trong tỉnh. Các công trình trạm y tế xã, trường, lớp học bậc học mầm non, xây dựng nhà văn hóa... đến nay được xây khá khang trang hơn các tỉnh lân cận và có mặt ở hầu hết các địa phương trên địa bàn.

Ngoài các sản phẩm công nghiệp đã có, Vĩnh Phúc đã và đang đầu tư xây dựng nhằm khai thác hiệu quả ngành "công nghiệp không khói", trước mắt tỉnh đã tập trung đầu tư vào khu nghỉ mát thị trấn Tam Đảo, danh thắng Tây Thiên, Đầm Vạc, hồ Đại Lải, hệ thống di tích, các công trình văn hóa tín ngưỡng... phấn đấu xây dựng Tam Đảo thành huyện trọng điểm về du lịch trong vài năm tới.

Tháng 10/2011, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc.

Vĩnh Phúc đang tập trung chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện việc sử dụng các nguồn vốn đầu tư có hiệu quả, làm tốt công tác quy hoạch và hướng tới xây dựng đô thị Vĩnh Phúc phát triển toàn diện, văn minh.

Nguyễn Trọng Lịch
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN