32 năm đi qua, sóng biển có thể đã xóa nhòa mọi dấu vết nhưng không thể xóa được ký ức bi tráng của người dân Việt Nam về những con người quả cảm mà sự hy sinh của họ được dựng thành những tượng đài bất tử về tình yêu Tổ quốc. Tinh thần chiến đấu của các anh là một nốt son trong lịch sử dân tộc mà thế hệ hôm nay và mai sau phải khắc cốt ghi tâm.
Quyết đem cả tính mạng để bảo vệ từng tấc đất, sải sóng thiêng liêng của Tổ quốc
Chủ quyền quốc gia là tối thượng, bất khả xâm phạm. Các thế hệ người Việt Nam đã đổ biết bao công sức, máu xương để xác lập chủ quyền, giữ gìn lãnh thổ, các vùng biển và hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Cách đây hàng trăm năm, những người con ưu tú của nước Việt Nam đã vượt muôn vàn khó khăn, gian khổ, xả thân giữa biển khơi mênh mông vì chủ quyền đất nước. Những câu ca lưu truyền trong dân gian tới hôm nay, như: "Hoàng Sa đi có về không - Lệnh vua sai phái quyết lòng ra đi" là minh chứng cụ thể nhất cho sự quả cảm, các kỳ tích mà họ đã lập nên. Cảm động biết bao khi được biết trước khi thuyền nhổ neo, mỗi người chuẩn bị một đôi chiếu, bảy sợi dây mây, bảy đòn tre để nếu hy sinh thì đồng đội bó lại, gắn tấm thẻ tre ghi tên tuổi, quê quán rồi thả xuống biển, cầu mong nếu thân xác may mắn dạt được vào bờ, người trong đất liền biết đó là ai! Chính vì "Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn - Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây" mà trong nhiều thế kỷ trước, triều đình đã có sắc truy phong một số cai đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa là "Thượng đẳng thần" và những người lính Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa là "Hùng binh Hoàng Sa".
Để rồi, tinh thần quả cảm, quyết tâm vô hạn, dũng cảm phi thường lại được thế hệ sau nối tiếp. Ngày 14-3-1988, 64 người lính bảo vệ Gạc Ma, trong cuộc chiến không cân sức, một bên chỉ có cuốc xẻng, súng AK giữa mênh mông biển khơi, một bên là tàu lớn, súng to, đã vĩnh viễn nằm xuống dưới làn mưa đạn. 64 người lính đã tỏ rõ lòng trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân. Trong giờ phút sinh tử, giữa họng súng quân thù, các chiến sĩ đã nắm chặt tay nhau tạo thành vòng tròn bảo vệ lá cờ Tổ quốc. Họ dặn nhau “Không được lùi bước. Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng” (câu nói của Anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương). Câu nói ấy không chỉ thể hiện khí phách anh hùng, mà còn là tư thế của người làm chủ thực sự biển đảo dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đó là một tuyên ngôn bất tử về Trường Sa - tuyên ngôn của thế hệ trẻ hôm nay không sợ hy sinh, gian khổ, quyết đem cả tính mạng của mình bảo vệ từng tấc đất, sải sóng thiêng liêng của Tổ quốc.
Hơn 30 năm qua, Biển Đông chưa bao giờ ngơi bão tố. Bởi vậy, nhắc lại lịch sử không chỉ có tưởng niệm, có tri ân. Sự hy sinh của các anh, máu xương của các anh vì biển đảo thiêng liêng, vì sức mạnh của cả dân tộc, là căn cốt đảm bảo cho chủ quyền Tổ quốc mãi mãi là bất khả xâm phạm.
Thời gian có dài bao nhiêu, lịch sử có đổi thay thế nào, thì cuộc chiến đấu tự vệ và bảo vệ Trường Sa của Hải quân nhân dân Việt Nam năm 1988 vẫn thức tỉnh trái tim người Việt về nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
Tri ân “Những người nằm lại phía chân trời”
64 người lính bảo vệ Gạc Ma đã gác lại bao ước mơ hoài bão và dâng hiến tuổi thanh xuân của mình để bảo vệ những cột mốc tiền tiêu. Máu của các anh lẫn vào biển xanh, xương của các anh đã thấm vào lòng đảo, tên các anh được đời đời thế hệ hôm nay và mai sau ghi nhớ.
Giờ đây, mỗi tàu ra Trường Sa đều thực hiện nghi thức thả hoa để tưởng niệm những liệt sỹ đã ngã xuống trong trận chiến ngày 14-3-1988. Từ mái tóc bạc phơ đến mái đầu xanh; từ những người vào sinh ra tử qua hai cuộc kháng chiến đến các bạn trẻ chưa một lần mặc áo lính; từ những người lăn lộn với biển, đảo sống sót trở về đến những người lần đầu tiên đến nghĩa trang xanh này đều không cầm được nước mắt, khi thắp hương tưởng nhớ các liệt sỹ. Nghi thức tưởng niệm ấy có cả bi thương xen lẫn tự hào; có cả niềm đau xen lẫn giọt nước mắt. Nhưng cuộn gói tất cả trong đó là nghĩa cử tri ân, là lời khẳng định không ai quên khúc bi tráng Gạc Ma, không ai quên những người lính đã kiên cường bảo vệ một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc trên Biển Đông.
Năm 2017, có một sự kiện quan trọng trong hành trình tri ân 64 liệt sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh tại Gạc Ma ngày 14-3-1988. Đó là khánh thành Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma với tên gọi: “Những người nằm lại phía chân trời” tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa.
Khu tưởng niệm được xây dựng trên khu đất rộng hơn 45.000 m2, với 5 hạng mục chính thể hiện “Hành trình khát vọng” yêu hòa bình và tôn trọng chân lý của dân tộc Việt Nam. Phần tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” được xem là trái tim của khu tưởng niệm. Trong đó, cụm tượng giữa “Vòng tròn bất tử” gồm 9 hình tượng cách điệu các chiến sĩ Gạc Ma, giữa biển cả mênh mông đầy sóng gió, quyết một lòng bảo vệ lá cờ Tổ quốc, bảo vệ lãnh thổ. Bao quanh hình ảnh các chiến sỹ là “Vòng tròn bất tử’, biểu tượng của mặt trời chân lý và sự đồng tâm hiệp lực của các thế hệ người Việt Nam quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Bảo tàng ngầm hình tròn quanh hồ nước với 64 bông hoa muống biển bao quanh lá cờ Tổ quốc, biểu tượng cho 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, là nơi trưng bày các bằng chứng pháp lý và lịch sử về chủ quyền của các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Gạc Ma nói riêng. Tại đây còn bảo quản, lưu giữ những hiện vật liên quan đến cuộc đời và gia đình các liệt sĩ Gạc Ma.
Quảng trường Hòa Bình hướng về phía Biển Đông cùng với khu “mộ gió” của 64 liệt sỹ Gạc Ma với đầy đủ họ, tên, địa chỉ…
Những ngày tháng 3 này, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma lại đón hàng nghìn người đến viếng thăm. Từ đây nhìn về phía biển, những người con đất Việt hôm nay lại thầm nhắn gửi lời tri ân tới những con người quả cảm, những con người đã anh dũng hy sinh cả tuổi trẻ và tính mạng của mình vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
“Không một ai bị lãng quên và không ai được phép quên lãng”
Đó chính là lời mà những người cựu binh Gạc Ma luôn tự nhắc nhở mình và đồng đội suốt nhiều năm qua kể từ sau cuộc chiến đấu tự vệ và bảo vệ Trường Sa của Hải quân nhân dân Việt Nam ngày 14-3-1988.
Trong hơn 30 năm qua, bằng những hành động tri ân khác nhau các cựu binh Gạc Ma cùng người thân, bạn bè luôn nhớ đến sự hy sinh đến các anh. Theo cựu binh Lê Hữu Thảo, Trưởng ban liên lạc cựu binh Gạc Ma, dù hiện tại mỗi người ở một nơi và hầu hết đều khá khó khăn nhưng những người lính trong trận đánh bảo vệ Gạc Ma năm xưa vẫn thường xuyên giữ liên lạc, quan tâm, hỏi thăm lẫn nhau. Mỗi năm ít nhất một lần, trong những ngày tháng 3 họ lại tìm về bên nhau cùng ôn lại chuyện cũ và tri ân tưởng nhớ đồng đội của mình.
Hay sau khi xuất ngũ, cựu binh Gạc Ma Trần Quang Dũng (Gio Linh, Quảng Trị) trở về quê hương miền biển của mình, đóng một con tàu nhỏ ra khơi đánh bắt, vừa gìn giữ nghề truyền thống vừa làm bạn với biển, nơi có quá nhiều kỷ niệm. Người dân thôn Xuân Lộc nơi ông sinh sống vẫn thường nói rằng ông Dũng là thuyền trưởng của con tàu mang tên “tàu bộ đội”, bởi các thuyền viên trên tàu đều là cựu binh Trường Sa.
Và kể từ cuộc chiến đấu tự vệ và bảo vệ Trường Sa ngày 14-3-1988, hằng năm cứ đến ngày 27-1 âm lịch, dù đang đánh bắt hay ở nhà, ông Dũng cùng bạn thuyền cũng làm một mâm cơm nhỏ, thắp nén hương hướng về Biển Đông nơi các đồng đội ông nằm lại. Trường Sa tuy xa lắm, xa như tên gọi của vùng biển trời thiêng liêng của dân tộc nhưng trong tiềm thức của người cựu binh này, mọi thứ thật gần gũi, gần như những tháng ngày ông cùng đồng đội đi xây dựng và bảo vệ chủ quyền của dân tộc. “Nén hương lòng tuy nhỏ, nhưng để ấm lòng các anh em đã nằm xuống cho chúng tôi được sống đến hôm nay. Không một ai bị lãng quên, bởi chúng tôi luôn nhớ về những người đồng đội của mình”…