Sáng 31/1 (tức mồng 10 tháng 3 Âm lịch), mặc dù trời mưa nhưng tại thành phố Việt Trì (Phú Thọ) hàng vạn con dân nước Việt đã hành hương về núi Nghĩa Lĩnh thành kính dâng nén hương thơm tỏ lòng tôn kính tổ tiên nhân ngày Giỗ Tổ.
Trên các đường phố Việt Trì, Đại lộ Hùng Vương từ cầu Việt Trì đến Đền Hùng dài hơn 15 km được trang hoàng đẹp mắt bằng cờ Tổ quốc, cờ hội, cờ hồng, cờ phướn, băng rôn, khẩu hiệu... đón chào du khách thập phương, tạo cho thành phố Lễ hội một diện mạo khang trang, rực rỡ.
Chưa đến 7 giờ sáng (trước giờ dâng hương), dưới mưa, hàng vạn người dân đứng chật khu vực sân hành lễ, đường lên cổng đền chứng kiến đoàn rước lễ dâng hương với sự tham gia của Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng; Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, tỉnh, thành phố.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng làm lễ dâng hương tại đền Hùng. |
Sân trung tâm lễ hội, nơi tập kết đoàn dâng hương, các đại biểu, đội rước cờ, rước kiệu, lễ vật... đứng trang nghiêm, thành kính trước khi lên Đền Thượng thực hiện nghi lễ dâng hương các Vua Hùng. Trên khán đài, cờ Tổ quốc, cờ hội, cờ hồng tung bay trong niềm hân hoan của những người dự lễ.
Đoàn dâng hương lên đền Hùng sáng 31/3/2012. |
Đúng 7 giờ sáng, đoàn đại biểu dự lễ dâng hương xuất phát từ sân hành lễ lên đền Thượng trong tiếng nhạc lễ trầm hùng. Đi đầu đoàn rước là tiêu binh mang cờ Tổ quốc và cờ hội, vòng hoa mang dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước”. Tiếp theo là 14 thiếu nữ trong trang phục truyền thống mang hương hoa và lễ vật, 100 thanh niên trai tráng rước cờ hội, tiếp đến là kiệu rước lễ vật dâng lên bàn thờ Tổ. Trước anh linh các Vua Hùng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành, đông đảo nhân dân trong nước, kiều bào ở nước ngoài về dự lễ đã thắp nén hương thơm tỏ lòng tri ân công đức tổ tiên, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc; cầu cho quốc thái dân an, bách gia trăm họ, vạn đại trường tồn, nguyện cùng nhân dân cả nước xây dựng nước Việt Nam ngày càng thịnh vượng. Tiếp đó, các đại biểu đã dâng hương, đặt vòng hoa và thắp hương tại Lăng Hùng Vương; đặt lẵng hoa tại bức phù điêu ở Ngã năm Đền Giếng, nơi Bác Hồ nói chuyện với cán bộ chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên Phong với câu nói bất hủ của Người: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Trong giờ phút thiêng liêng trên đỉnh Nghĩa Lĩnh ngút ngàn linh khí, ông Hoàng Dân Mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Chủ lễ đã đọc chúc văn, trong đó có đoạn: "Chúng con nay
Sáu mươi ba tỉnh thành: nhớ lại tổ tông
Năm mươi tư dân tộc: tìm về cội rễ
Trăm con một bọc,
yêu thương nhau như ruột thịt chan hòa
Một gốc trăm nhành,
gắn bó mãi như keo sơn chặt chẽ
Dựng cơ đồ, chị ngã em nâng
Cơn hoạn nạn bầu thương lấy bí
Bốn phương: nam, bắc, tây, đông
Trăm họ: gái, trai, già, trẻ
Hân hoan muôn dặm trung phùng
Kính cẩn một chầu đại lễ
Xin Tổ Vương vạn thế linh thiêng
Giúp con cháu trăm điều chỉ vẽ".
Cất bước theo các bậc đá lên điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, cụ Hoàng Văn Hòa ở Nghệ An cho biết, vào dịp 10/3 âm lịch hàng năm, cả nhà cụ lại khăn gói hành hương về đất Tổ, thắp hương các Vua Hùng để con cháu chứng kiến và hiểu thêm nhiều di sản vùng đất Tổ như “hát Xoan Phú Thọ”, di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”... Ông hòa nói thêm, công tác tổ chức năm nay tốt, giao thông được phân luồng, đảm bảo chỗ gửi xe và môi trường phong quang ở Khu di tích.
Đoàn dâng hương lên các Vua Hùng. |
Du khách về trẩy hội Đền Hùng năm nay chứng kiến sự đổi thay rõ nét trong quần thể Khu di tích lịch sử Đền Hùng được đầu tư tôn tạo trang nghiêm, khang trang bề thế. Quy mô hoạt động của lễ hội được trải dài từ cầu Việt Trì; khu di tích lịch sử Đền Hùng và các xã vùng lân cận. Đặc biệt, Lễ hội năm nay có 6 đoàn rước kiệu, gồm: Xã Hy Cương, Hùng Lô, Chu Hóa, Kim Đức, phường Vân Phú (Tp Việt Trì) và xã Tiên Kiên (Lâm Thao) về Đền Hùng.
Đông đảo người dân đội mưa để được vào viếng các tổ tông. |
Du khách thập phương về đền Hùng với mong muốn tạ ơn tổ tiên. |
Đây là năm đầu tiên tỉnh Phú Thọ mở rộng quy mô rước kiệu ở các xã vùng ven, đặc biệt là có sự tham dự của các đoàn Ngoại giao, đại diện Tổ chức UNESCO tại Việt Nam, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.
Đây cũng là dịp để các tổ chức nước ngoài nhìn nhận và đánh giá văn hóa “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” xuất phát từ thời Hùng Vương dựng nước cần được bảo tồn và phát huy giá trị như một hình thức văn hóa phi vật thể. Dịp lễ cũng góp phần vào việc hoàn thiện hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại trong thời gian tới.
Đoàn thiếu nữ dâng hoa lên các Vua Hùng. |
Ngoài ra, tại Lễ hội đền Hùng năm nay, điểm nhấn “hát Xoan Phú Thọ” một lần nữa giới thiệu đến hàng triệu du khách trong và ngoài nước những làn điệu Xoan mượt mà phát tích từ thời đại Hùng Vương dựng nước. Qua đó, tiếp tục tôn vinh hát Xoan Phú Thọ - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp- vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Về với Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, mỗi người dân Việt Nam, dù ở vùng núi, đồng bằng hay miền duyên hải đều cùng chung dòng máu Lạc Hồng lấy đoàn kết yêu thương, đùm bọc làm sức mạnh tinh thần trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước. Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng là dịp để khẳng định truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", thắt chặt tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên toàn dân tích cực học tập, lao động sản xuất, cống hiến công sức, trí tuệ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN ngày càng giàu mạnh, phồn vinh.
Cũng trong ngày Giỗ Tổ 10/3 Âm lịch, nhiều nơi đã tổ chức các hoạt động nhớ về cội nguồn.
Tại khuôn viên Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc, Khu Tưởng niệm các Vua Hùng, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh, đông đảo đồng bào thành phố đã đến dâng hương, tưởng nhớ đến công ơn to lớn của các Vua Hùng, tổ tiên xưa đã có công dựng nước và giữ nước. Đến dự có các đồng chí: Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư thành ủy thành phố; Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố, cùng các lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương tại Khu tưởng niệm các Vua Hùng ở Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 31/3/2012. |
Đồng chí Võ Thị Dung, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trậm Tổ quốc Việt Nam thành phố đã ôn lại lịch sử và kêu gọi các cấp, các ngành và đồng bào chiến sĩ thành phố cùng nhau đoàn kết, nỗ lực thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2012 của thành phố. Đồng bào thành phố cùng đồng bào cả nước tiếp tục vượt qua mọi khó khăn thử thách, ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Các cấp, ngành huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, tập trung cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí. Bên cạnh đó, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; thực hiện đạt hiệu quả cao “Năm An toàn giao thông 2012”, nâng cao trách nhiệm điều hành, hiệu lực quản lý nhà nước, hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Tự hào về cội nguồn thiêng liêng và đất nước ngàn năm văn hiến, đồng bào thành phố nguyện sống xứng đáng với công ơn dựng nước của các Vua Hùng, tổ tiên và các bậc tiền hiền; tiếp tục giữ gìn và vun bồi truyền thống yêu nước và các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, nêu cao ý thức tự lực, tự cường, tiếp tục công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, khai thác mọi nguồn lực, cần kiệm trong sản xuất và tiêu dùng, hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, biến lý tưởng và mục tiêu cao cả của Đảng và nhân dân thành hiện thực trên đất nước của các Vua Hùng hôm nay.
Tin: Tạ Văn Toàn - Gia Thuận. Ảnh: Nhan Sáng - Thanh Tùng -