Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng, Bộ Công an đã tích cực xây dựng các văn bản có liên quan để triển khai thực hiện. Đến nay, đã cơ bản ban hành các nghị định, các quy định theo yêu cầu của Luật An ninh mạng.
Cụ thể, Bộ đang tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 04 ngày 27/12/2019 quy định về trình tự, thủ tục áp dụng một số biện pháp bảo đảm an ninh mật thì hiện nay luật và nghị định này đã, đang đi vào cuộc sống.
Về danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, Bộ Công an đã hoàn tất dự thảo và cũng đã báo cáo Thủ tướng. Hiện nay còn 1 nghị định quy định chi tiết về một số điều của Luật An ninh mạng đã hoàn thiện dự thảo và đã báo cáo với Thủ tướng nhưng chưa ban hành là do một số các yêu cầu về đối ngoại, đặc biệt là sự cân đối, xem xét phù hợp với một số quy định quốc tế, trong đó phù hợp với luật pháp Việt Nam. Chưa ký ban hành nghị định này thì chưa có căn cứ để để thực hiện, để ban hành danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
Về việc tạo điều kiện cho luật sư tham gia trong quá trình tố tụng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, các cơ quan điều tra luôn tạo điều kiện cho luật sư tham gia tố tụng trong giai đoạn điều tra theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ Công an cũng đã ban hành Thông tư số 46 quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa cho người bị tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã người bị tạm giữ, bị can và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.
Trong đó, đã quy định rất cụ thể các biện pháp để thực hiện các quyền nêu trên và tạo điều kiện cho luật sư tham gia vào thực hiện. Cụ thể trong năm 2020 thì cơ quan điều tra các cấp 3.765 giấy chứng nhận bào chữa theo yêu cầu của bị can, tăng so với trước là 2,42 % và 7.156 giấy chứng nhận bào chữa cấp theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự cũng tăng 17,08 %.
Về tiêu cực của một số công an cơ sở, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết nếu có thì chỉ là trường hợp hết sức cá biệt. Hiện nay, Bộ Công an đã triển khai một lượng lớn công an xuống cơ sở, từ cấp phường, thị trấn và cấp xã thì được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Quan điểm của Bộ Công an là kiên quyết trong xử lý các sai phạm, tiêu cực và đã thực hiện nhiều biện pháp để phòng ngừa, chấn chỉnh, xử lý các sai phạm, tiêu cực của cán bộ, chiến sĩ, không bao che bất kể trường hợp nào.
Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, một số biện pháp cụ thể để chống nhũng nhiễu, tiêu cực trong lực lượng Công an cũng như công an các cấp cơ sở là: Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng trong toàn lực lượng Công an nhân dân với quan điểm danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất như phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại nhiều buổi làm việc với Đảng ủy Công an Trung ương.
Gắn trách nhiệm thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm quản lý cán bộ theo từng đơn vị được phân công phụ trách, nếu cán bộ có vi phạm thì xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị đó. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật Đảng trong công an nhân dân, kiên quyết xử lý các vi phạm không bao che, né tránh, đồng thời công khai, minh bạch kết quả xử lý.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ, Bộ sẵn sàng tiếp nhận những thông tin của các đại biểu Quốc hội khác và cử tri, Nhân dân nếu phát hiện ra những trường hợp công an có tiêu cực như vi phạm để xác minh, đánh giá và xử lý kịp thời, có thông báo rộng rãi.