Cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tạo động lực cho các địa phương phát triển

Việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tạo động lực huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương.

Chú thích ảnh
Ngày 22/10/2021, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội thảo luận ở tổ về cơ chế đặc thù đối với Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, ngoài việc áp dụng cơ chế đặc thù cho 4 tỉnh, thành phố là Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế, Quốc hội cần nghiên cứu xem xét chính sách đặc thù cho các tỉnh khác về lâu dài, đảm bảo công bằng cho các tỉnh chưa được hưởng cơ chế đặc thù. Phân tích các tiêu chí đặc thù được đề xuất trong dự thảo, các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với Ban soạn thảo và cho rằng đây là nhóm các tỉnh có một số những đặc trưng nhất định.

Việc tạo các cơ chế đặc thù sẽ thể chế hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm tạo cơ chế huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương này. Quốc hội cần tính toán phù hợp tỉnh nào được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp; việc quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng phải thực hiện công khai, lấy ý kiến người dân, đối tượng chịu sự tác động của việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Đại biểu Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng, cách đặt vấn đề về cơ chế đặc thù đối với 4 địa phương là phù hợp, nhưng một số nội dung phải cân nhắc rất kỹ. Ví dụ như phần trăm để lại của số tăng thu ngân sách của địa phương, thì số tăng thu này phải dựa trên sự phân tích tình hình phát triển kinh tế - xã hội và dự đoán mức tăng ngân sách hàng năm của các địa phương như thế nào, mới xác định điều tiết giữa Trung ương với địa phương.

Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng, việc xây dựng các nghị quyết cần quán triệt quan điểm tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền của địa phương; đồng thời đảm bảo nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân các cấp của các địa phương.

Các đại biểu cơ bản nhất trí với quy định về hiệu lực thi hành áp dụng từ ngày 1/1/2022 và có thời hạn 5 năm. Tuy nhiên, phần lớn các ý kiến đề nghị quy định thời hạn thực hiện thí điểm các cơ chế đặc thù này nên tổng kết sớm trước thời điểm thí điểm để đảm bảo khi kết thúc thí điểm có thể triển khai áp dụng rộng rãi ngay, tạo đà phát triển cho các tỉnh và những địa phương có đặc trưng tương tự.

Các đại biểu cũng phân tích sâu về các cơ chế được áp dụng thí điểm trong nhóm 7 chính sách chung như: Chính sách dư nợ vay; ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu từ tăng thu trên địa bàn các tỉnh, thành phố; thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn; công tác quản lý đất đai; quản lý quy hoạch… Từ đó, các đại biểu cũng nêu lên một số mặt trái khi thực hiện các cơ chế đặc thù.

Theo đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố, nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong việc thể chế hóa các chủ trương của Bộ Chính trị đối với các tỉnh, thành phố này. Đồng thời, xét về ý nghĩa lịch sử, văn hóa, chính trị, cũng như kinh tế, có thể khẳng định các địa phương chiếm một vị trí đặc biệt của nước ta nói riêng và mối quan hệ khu vực, quốc tế nói chung.

Tuy nhiên hiện nay, trong 4 địa phương thì chỉ có Hải Phòng tự cân đối được thu chi ngân sách và có điều tiết về Trung ương. Vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ cao hơn cho 3 địa phương còn lại, mới đáp ứng được yêu cầu mục tiêu phát triển. Đặc biệt, theo dự kiến, TP Thừa Thiên - Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, nhưng thực tế, tỉnh còn rất nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội.

Đối với việc thành lập Quỹ Bảo tồn di sản của tỉnh Thừa Thiên Huế, các đại biểu đánh giá đây một Quỹ hợp lý để bảo tồn, phát triển di sản. Tuy nhiên, chỉ nên sử dụng kinh phí ngoài ngân sách, kinh phí xã hội hóa, không sử dụng kinh phí ngân sách.

Các đại biểu đồng tình với Quốc hội và Chính phủ về việc ban hành Nghị quyết tạo cơ chế để địa phương tiếp cận các nguồn vốn đầu tư tại chỗ, triển khai quy hoạch hiệu quả nhất. Các đại biểu cũng đề xuất cần có sự điều tiết hợp lý từ Trung ương để tránh sự mất cân đối và áp dụng quá chênh lệch giữa các cơ chế đặc thù (dư nợ vay, chi thường xuyên, quản lý đất đai, quản lý rừng...).

Trong phiên họp buổi sáng ngày 27/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các TP: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế.

Viết Tôn/Báo Tin tức
Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là chính sách ưu việt
Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là chính sách ưu việt

Ngày 27/10, Quốc hội sẽ thảo luận trực tuyến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN