Đánh giá về quan hệ Việt - Pháp, nhà báo, nhà sử học Gerhard Feldbauer cho biết Pháp và Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao từ trước năm 1975. Trong suốt những thập kỷ qua, quan hệ giữa hai nước không ngừng phát triển. Nhiều chuyến thăm lẫn nhau của các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước như chuyến thăm Việt Nam của các Tổng thống Pháp Jacque Chirac (năm 2004), Francois Hollande (năm 2016), hay chuyến thăm Paris của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (năm 2015) đã minh chứng cho điều này.
Năm 2013, hai bên đã cùng nhau ký tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược song phương. Pháp trở thành một trong những đối tác châu Âu hàng đầu của Việt Nam. Về kinh tế, tổng kim ngạch thương mại giữa hai bên đạt gần 6,35 tỷ Euro (7,3 tỷ USD) trong năm 2020, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Pháp lượng hàng hóa trị giá 5,38 tỷ Euro và nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá 965 triệu Euro.
Trong 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp đạt hơn 2,21 tỷ Euro, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi Pháp xuất sang Việt Nam lượng hàng hóa trị giá 507,2 triệu Euro, tăng 33,3%. Các mặt hàng chính Pháp nhập khẩu từ Việt Nam là giày dép, hàng dệt may, thủy hải sản và các mặt hàng tiêu dùng khác.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu máy móc công nghiệp, thiết bị hàng không, dược phẩm và hóa chất. Về đầu tư, Pháp là nhà đầu tư châu Âu lớn thứ hai tại Việt Nam với hơn 375 dự án trị giá 3,7 tỷ USD. Hơn 2.500 bác sĩ Việt Nam đã hoàn thành chương trình tu nghiệp tại Pháp và hiện có hơn 7.000 học sinh, sinh viên Việt Nam học tập tại Pháp.
Nhà báo, nhà sử học Gerhard Feldbauer cho rằng trong chuyến thăm này của Thủ tướng Phạm Minh Chính, hai bên sẽ thảo luận về việc tăng cường hợp tác, củng cố hơn nữa quan hệ chiến lược song phương. Việt Nam mong muốn tiếp tục mở rộng hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Pháp, trong khi Pháp muốn đảm bảo vị thế của mình và mong Việt Nam mở cửa hơn nữa cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp Pháp. Ngoài cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo cấp cao Pháp như Tổng thống Emmanuel Macron, Thủ tướng Jean Castex, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp Pháp.
Chuyến thăm tới Anh và Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp nối chuyến thăm gần đây của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Nghị viện châu Âu và một số nước châu Âu. Theo đánh giá của nhà báo, nhà sử học Gerhard Feldbauer, những hoạt động quốc tế quan trọng này cho thấy Việt Nam là một điển hình trong việc đóng góp tích cực cho hòa bình, hợp tác quốc tế đa dạng, đa phương trên nhiều lĩnh vực trên cơ sở độc lập, tự chủ, bình đẳng.
Về ý nghĩa của chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Anh và Pháp, nhà báo, nhà sử học Gerhard Feldbauer cho rằng các sự kiện này có ý nghĩa rất tích cực đối với quan hệ song phương giữa hai bên nói riêng, quan hệ ASEAN- Liên minh châu Âu (EU) nói chung. Những năm qua, vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á và trên trường quốc tế ngày càng tăng.
Năm 2017, Hà Nội đăng cai tổ chức Hội nghị Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Năm 2020, Việt Nam giữ chức Chủ tịch ASEAN; đảm nhận cương vị ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, được bầu với sự tín nhiệm rất cao (nhận được192/193 số phiếu ủng hộ). Với sự năng động, tích cực, những đóng góp và ảnh hưởng của mình, Việt Nam được coi là một cường quốc tầm trung trong khu vực, trở thành một đối tác hấp dẫn không chỉ trong khu vực mà còn trên bình diện quốc tế, nhất là đối với Anh và Pháp.
Pháp sẽ đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng châu Âu trong 6 tháng đầu năm 2022. Do đó chuyến thăm này của Thủ tướng Phạm Minh Chính không chỉ củng cố quan hệ hợp tác song phương Việt - Pháp mà còn thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa EU và ASEAN.
Đánh giá về triển vọng quan hệ Đức - Việt trong bối cảnh Đức sẽ có chính phủ mới trong thời gian tới, nhà báo, nhà sử học Gerhard Feldbauer nhận định quan hệ song phương Đức - Việt sẽ tiếp tục phát triển dưới thời chính quyền mới của Đức. Thời gian qua, Thủ tướng Angela Merkel rất tôn trọng mối quan hệ với Việt Nam. Phó Thủ tướng Olaf Scholz sẽ tiếp nối quan điểm đó với tư cách là người đứng đầu Chính phủ Đức. Trong EU, Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt 13,3 tỷ Euro năm 2020. Việt Nam xuất sang Đức các sản phẩm chính như điện thoại di động, giày dép, hàng dệt may và đồ điện tử; nhập khẩu các loại máy móc, phương tiện, dược phẩm và các sản phẩm hóa chất từ Đức.
Nhà báo, nhà sử học Gerhard Feldbauer cho biết các tổ chức quốc tế đánh giá cao Việt Nam trong việc tạo ra môi trường hợp tác kinh tế, đầu tư thuận lợi. Cơ quan Ngoại thương Đức (GTAI) nhận định bất chấp đại dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam vẫn có tốc độ phát triển nhanh nhất Đông Nam Á trong năm 2020 và có triển vọng tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng nhu cầu trong nước đối với các sản phẩm công nghiệp chế biến và chế tạo của Việt Nam, nơi chủ yếu dựa vào các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài, là rất cao. Nhiều doanh nghiệp Đức mong muốn mở rộng thị trường tiêu thụ tại Việt Nam. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, khoảng 290 doanh nghiệp Đức đã thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp Đức để phối hợp hoạt động.
Nhà báo, nhà sử học Gerhard Feldbauer sinh năm 1933, nguyên là phóng viên của hãng thông tấn ADN của CHDC Đức. Ông đã cùng vợ - phóng viên ảnh Irene - làm việc tại Hà Nội từ năm 1967 đến 1970 với tư cách là phóng viên thường trú nước ngoài của hãng thông tấn ADN. Sau đó, ông làm việc cho ADN ở Rome (Italy) từ năm 1973-1979. Ông đã nhận bằng Tiến sỹ về lịch sử Việt Nam. Năm 1980, ông chuyển sang ngành ngoại giao và từng làm Đại sứ tại Zaire (nay thuộc CHDC Congo). Từ năm 1987 đến năm 1990, ông giảng dạy tại Học viện Quan hệ quốc tế của CHDC Đức. Ông đã viết 15 cuốn sách (trong đó có 4 tác phẩm về Việt Nam) và nhiều tài liệu khác. Hiện ông tiếp tục cộng tác, viết bài cho nhiều tờ báo ở Đức.