Kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9:

Chuyện ở vùng quê cách mạng có loài hoa mang tên Bác

Hơn 60 năm đã trôi qua, nhưng người dân ở xã Trung Trực, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang không thể nào quên những câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người sống và làm việc ở Trung Trực, từ ngày 19/12/1948 đến ngày 10/1/1949.

 Cây hoa Bác Hồ


Là một trong những người cao tuổi nhất ở Trung Trực, ông Đàm Văn Xuyên, thôn Đồng Quảng, xã Trung Trực năm nay đã ngoài 90 tuổi. Dù mắt đã mờ, chân đã chậm, nhưng ông vẫn nhớ như in những kỷ niệm về Bác.

Ông Xuyên kể lại, năm xưa khi Bác và bộ đội chuyển về khu vực Lũng Trò (thung lũng có nhiều cây Trò), thôn Đồng Hon, xã Trung Trực làm nơi ở và làm việc người dân không ai biết đó là Bác Hồ. Sau này khi Bác và bộ đội đã chuyển đi mọi người mới biết cụ già thường mặc áo chàm của dân tộc Tày, đi đôi dép cao su, đội chiếc nón lá, phong cách giản dị là lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Cây hoa Bác Hồ ở Lũng Trò. Ảnh: baotuyenquang.com.vn


Lúc ấy, người dân chỉ biết cán bộ Việt Minh chọn Lũng Trò làm căn cứ cách mạng, nên cùng nhau góp gạo, góp muối, góp rau để nuôi cán bộ; góp lá cọ cho bộ đội làm lán ở... Ban ngày, các chiến sỹ bộ đội làm việc trong Lũng Trò, buổi tối ra ngoài để nói chuyện, giao lưu văn nghệ và dạy chữ quốc ngữ cho người dân địa phương; hướng dẫn mọi người cách ăn ở hợp vệ sinh, cho thuốc chữa bệnh... Ông Xuyên cho biết thêm: Trước khi Bác chuyển đến ở và làm việc tại thung lũng Lũng Trò, Ban Việt Minh đã dựng lán cho bộ đội bảo vệ chuyển đến trước. Sau khi đơn vị bộ đội chuyển đến chính quyền địa phương đã vận động nhân dân ủng hộ gỗ, tre, nứa, lá cọ để bộ đội dựng lán ở và làm việc cho Bác và các đồng chí bảo vệ, phục vụ.

Lán của Bác làm theo kiểu nhà sàn của đồng bào dân tộc, tầng trên để Bác ngủ và làm việc vào ban đêm, tầng dưới dành cho Bác làm việc ban ngày, phía trước lán Bác trồng một khóm hoa, vừa để ngụy trang vừa có hoa đẹp để ngắm. Căn lán đơn sơ năm xưa Bác Hồ ở nay đã không còn dấu tích nhưng cây hoa Bác trồng vẫn còn xanh tốt và hiện nằm trong khu vườn gia đình ông Nguyễn Thanh Hùng, dân tộc Tày ở Lũng Trò. Đưa chúng tôi ra thăm khóm hoa Bác Hồ trồng năm xưa, ông Hùng kể lại: "Ngay từ khi còn nhỏ, đám trẻ chăn trâu chúng tôi đã biết đây là khóm hoa Bác trồng nên không ai dám thả trâu gần đó vì sợ lũ trâu sẽ làm hỏng cây hoa. Do không ai biết cây hoa Bác Hồ trồng là loài hoa gì nên từ trước cho tới nay, người dân nơi đây vẫn gọi đó là “cây hoa Bác Hồ". Chúng tôi ở đây chưa bao giờ thấy loài hoa nào có sức sống kỳ lạ như loài hoa này, bởi sau khi Bác Hồ rời Lũng Trò về Tân Trào, nơi này trở nên hoang vu, ít người lui tới. Sau này khi có những người từ nơi khác về đây khai hoang, vỡ đất để trồng ngô, sắn, khóm hoa đã bị cày, xới nhiều lần nhưng chỉ sau một thời gian khóm hoa lại vươn lên xanh tốt, đến mùa xuân lại ra hoa đỏ thắm như màu cờ Tổ quốc vậy".

Ông Hùng chia sẻ: Biết đây là hoa Bác trồng nên người dân Lũng Trò ai cũng coi khóm hoa là vật quý, là kỷ vật thiêng liêng mà Bác Hồ để lại. Nhiều người đã đến lấy giống hoa về trồng ở nhà và ở nơi làm việc như một niềm tự hào Bác đã ở Trung Trực. Mỗi khi “trông cây lại nhớ tới Người”, vừa để răn dạy bản thân, vừa giáo dục các thế hệ con cháu phải học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người.

Theo lời Bác dạy

Trung Trực là xã vùng sâu của huyện Yên Sơn, 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm gần đây, nhờ nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình 135 với các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giúp ổn định đời sống, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đến nay tỷ lệ hộ nghèo ở Trung trực còn 21,3%; công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho người dân được thực hiện đầy đủ; tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...

Ông Nguyễn Văn Sáu, Bí thư Đảng ủy xã Trung Trực cho biết: Chính quyền và người dân xã Trung Trực rất tự hào vì năm xưa Bác Hồ đã sống và làm việc tại đây. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Đảng bộ và người dân xã Trung Trực đang nỗ lực thực hiện phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Với tinh thần tự lực tự cường, không trông chờ ỷ lại, nhiều hộ dân ở Trung Trực đã tìm hướng đi mới phát triển kinh tế cho gia đình.

Cùng với cây lúa, cây dong giềng, trồng rừng, vài năm trở lại đây người dân còn kết hợp trồng chuối làm hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với thu nhập khoảng 100 triệu đồng/ha, cây chuối đang trở thành cây trồng chủ lực giúp xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu cho nhiều hộ dân trong xã.

Thời gian tới, xã Trung Trực tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đến toàn thể cán bộ và người dân, trong đó cán bộ, đảng viên gương mẫu, đi đầu. Đồng thời, tập trung tuyên truyền và thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới; bê tông hóa đường giao thông nông thôn, đầu tư xây dựng, chỉnh trang các công trình kết cấu hạ tầng, phục vụ sản xuất như đường điện, trạm bơm, bê tông hóa hệ thống kênh mương nội đồng, chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp...

Với tinh thần đoàn kết và nỗ lực vươn lên của người dân nơi đây, trong tương lai không xa Trung Trực sẽ có diện mạo mới, tươi đẹp hơn như loài mang tên Bác, kỷ vật thiêng liêng Bác để lại cho người dân Trung Trực.

Quang Cường – Phạm Yến

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN