Chuyện những người con miền Nam gặp Bác - Bài cuối: Lời Bác vang vọng suốt đời làm nghệ thuật

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời rất quý và gần gũi giới văn nghệ sỹ. Người luôn xem nghệ sỹ là những “chiến sỹ trên mặt trận văn hóa”.

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ ưu tú - Đạo diễn Ca Lê Hồng với người bạn đời là cán bộ cách mạng Nguyễn Long Trảo. 

Hàng chục năm qua, các thế hệ văn nghệ sỹ vẫn luôn xem Bác là tấm gương, là niềm cảm hứng vô tận cho những tác phẩm thi ca, cũng như những bài học quý cho mỗi người. Với Nghệ sỹ Ưu tú - Đạo diễn Ca Lê Hồng, người may mắn được gặp Bác, những lời căn dặn, tấm gương của Người luôn đi suốt cuộc đời làm nghệ thuật của mình.

Những bài học sâu sắc

Nghệ sỹ Ưu tú - Đạo diễn Ca Lê Hồng (sinh năm 1939, ở tỉnh Bến Tre) có hơn 60 năm hoạt động, làm nghệ sỹ biểu diễn, đạo diễn, quản lý đào tạo và giảng dạy trên khắp mọi miền đất nước. Bà luôn nhớ mãi lời Người trong học tập, rèn luyện tu dưỡng phẩm chất, đạo đức cách mạng của người đảng viên, người chiến sỹ trên mặt trận văn hóa tư tưởng và luôn hết mình vì hoạt động nghệ thuật nước nhà. Với Nghệ sỹ Ưu tú - Đạo diễn Ca Lê Hồng, nhận thức đó được kết tinh từ những lần may mắn gặp Bác, học ở Người từ cách sống gần gũi, giản dị, sẻ chia, luôn quan tâm đến mọi người cũng như về lý tưởng, đạo đức và sự quyết tâm, bền lòng đấu tranh vì sự nghiệp độc lập, tự do của dân tộc.

Kể về lần đầu tiên gặp Bác, nghệ sỹ Ca Lê Hồng vẫn không giấu được bồi hồi, xúc động bởi điều bất ngờ đó xảy ra khi vừa tập kết ra Bắc năm 1956. Cả Đoàn tuyển văn công Nam bộ (gồm đoàn kịch nói và đoàn cải lương miền Nam) được Bác mời vào biểu diễn ở Phủ Chủ tịch.

Trong tiết mục múa biểu diễn lần đó, ai cũng háo hức bởi lâu nay chỉ nghe, giờ được thấy và ở khoảng cách rất gần nên mọi người cứ chăm chăm nhìn Bác mà quên nhịp, múa chệch choạc, không đều. Nghệ sỹ Ca Lê Hồng nhớ lại: “Cũng may, chúng tôi kịp lấy lại bình tĩnh và tập trung múa cho đến khi kết thúc. Niềm vui xen lẫn áy náy, băn khoăn vì múa chưa tốt. Tuy nhiên, Bác vẫn tươi cười, động viên chúng tôi nên chuyện buồn mau qua, chỉ còn lại trong lòng niềm vui mãi lâng lâng, xúc động, tự hào”.

“Đó là buổi biểu diễn đầu đời của những người con quê hương Nam Bộ. Được nhìn thấy Bác - Một lãnh tụ vĩ đại, kiệt xuất nhưng thật sự bình dị, gần gũi, ấm áp, tràn đầy tình thương. Với tôi, đó còn là bài học về sự bao dung, giản dị, hồn hậu, nhân ái và trở thành hành trang trong suốt cuộc đời làm nghệ thuật của mình”, Nghệ sỹ Ưu tú Ca Lê Hồng chia sẻ.

Lần thứ hai được gặp Bác Hồ khi Đoàn cải lương Nam Bộ biểu diễn vở Võ Thị Sáu. Bác thật sự xúc động, chạm khăn lau nước mắt khi Võ Thị Sáu bị xử bắn tại pháp trường Côn Đảo. Sau buổi biểu diễn, Người vào tận hậu trường thăm Đoàn. Chúng tôi có dịp ngồi quây quần, nghe Bác trò chuyện, dặn dò thật ấm áp, chân tình. 

Nhớ lại buổi trò chuyện hôm đó, Nghệ sỹ Ca Lê Hồng chia sẻ: “Bác nhắc nhở chúng tôi phải đoàn kết, yêu thương, vì miền Nam mà cố gắng học tập, vì miền Nam mà làm chuyên môn thật tốt…”. Những lần sau đó được gặp Bác vào năm 1960, 1962, 1963, chúng tôi đều nhận ra những bài học sâu sắc khi được lắng nghe Bác ân cần, căn dặn, để từ đó mỗi người trong tâm khảm của mỗi người phải luôn nỗ lực, hết mình trong học tập và hoạt động chuyên môn, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất và xây dựng đất nước...

Luôn xứng đáng là người chiến sỹ trên mặt trận văn hóa

Sinh thời, Bác Hồ luôn dành tình cảm thương yêu cho anh chị em nghệ sỹ, nhất là các nghệ sỹ, diễn viên miền Nam ra Bắc học tập, sinh hoạt khiến cho mọi người đều cảm động. Chuyện trò với văn nghệ sỹ thuộc các bộ môn nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, Bác thường nhắc phải chú ý giữ gìn tinh hoa, bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời phải phát triển ngày càng hay hơn.

“Trong những năm ở Hà Nội, tôi ấn tượng, nhớ mãi lần được đến thăm Bác tại nhà sàn nơi Bác ở. Tôi và một bạn vừa thấy Bác đã chạy vội vàng chạy đến chân cầu thang nắm tay Người, rồi ngồi vào bàn trò chuyện. Trong bộ quần áo màu nâu giản dị, bên ngoài khoác chiếc áo kaki, Bác nhìn chúng tôi cười nói thật vui và chia cho chúng tôi từng viên kẹo nhỏ”, Đạo diễn Ca Lê Hồng bộc bạch.

Nghệ sỹ Ưu tú Ca Lê Hồng nhớ lại: Bác hỏi chúng tôi về cuộc sống, về chuyên môn, nghiệp vụ. Tôi thật tình kể, do chiến tranh nên việc học chưa đến nơi đến chốn, nhưng khi ra đây (miền Bắc - pv) được các cô chú vừa cho học chuyên môn, vừa cho đi học tại chức văn hóa. Nghe xong, Bác dặn dò: “Cháu cố gắng học văn hóa, đó là cơ sở để mình hiểu biết, giúp mở rộng tri thức và rèn luyện nghệ thuật ngày một giỏi hơn – nghệ sỹ cũng là người chiến sỹ trên mặt trận văn hóa tư tưởng”.

Sau đó, tôi cùng Bác và đồng chí Vũ Kỳ vừa đi dạo trong khuôn viên vừa trò chuyện. Khi Bác hỏi chuyện về chuyến đi ra miền Bắc, tôi kể đi tàu mấy ngày liền do chưa quen nên bị say sóng, ói. Thấy nhiều người ngẩn ngơ chưa hiểu kịp, Bác cười giải thích: Đấy là cách nói của Nam Bộ, miền Bắc gọi là “nôn” khiến mọi người vỡ lẽ cùng cười.

Có lần, Bác đột xuất đến thăm Khu Văn công Cầu Giấy là nơi ăn, tập luyện của các Đoàn Văn công miền Nam nhưng không ai biết trước. Bác đến xem từng gian bếp, thăm nơi ăn, ngủ, khu sinh hoạt tập thể… Rồi khi quây quần bên nhau, Bác căn dặn từng người, khiến ai cũng xúc động bởi sự quan tâm của một người vì dân, vì nước, vì tinh hoa văn hóa dân tộc.

Học tập Bác qua những lần gặp Người, từ lời kể của cha mình (nhà trí thức yêu nước nổi tiếng Ca Văn Thỉnh) về Người, nghệ sỹ Ca Lê Hồng càng thấu hiểu thêm về đức độ, cốt cách của Bác Hồ. “Mọi người phải chú ý học tiếng nước bạn bởi điều đó sẽ tạo sự thuận lợi cho việc giao tiếp, có điều kiện sâu sát tiếp xúc và nắm được tình hình. Học Bác là luôn quan tâm đến những người quanh mình; bất cứ chuyện gì có thể làm được, hãy cố gắng tự mình làm, hạn chế làm phiền những người khác…”,  bà Hồng kể.

Hơn 60 năm qua, nghệ sỹ Ca Lê Hồng không chỉ khắc cốt ghi tâm lời Bác là người chiến sỹ trên mặt trận văn hóa tư tưởng, mà còn nỗ lực học ở Người với cách sống giản dị, gần gũi, mộc mạc từ lời ăn, tiếng nói. Bà Hồng chia sẻ “Mỗi từ, mỗi câu luôn giản dị, trong sáng, dễ hiểu, nghe là nhớ, không lý luận cao xa nhưng rất sâu sắc. Càng suy ngẫm, tôi càng trân quý. Đến bây giờ, điều đó vẫn nhắc nhở tôi luôn phải chú ý khi giảng dạy và cả trong công tác đạo diễn dàn dựng, xử lý tốt các lời thoại, câu chữ trong các vở, sao cho người xem dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ”.

Những năm sau đó, nghệ sỹ Ca Lê Hồng được Đảng, Bác Hồ đưa đi học tại Liên Xô (nước Nga ngày nay). Học tập Bác, thấm nhuần lời cha, nghệ sỹ Ca Lê Hồng đã vận dụng thành công trong suốt thời gian học tập tại đây. Khi về nước, tham gia vào công tác giảng dạy, quản lý cho đến lúc về hưu, bà luôn trăn trở và tâm huyết thực hiện lời Người dạy bằng những hành động nhỏ hàng ngày, thường xuyên tự soi mình trong sinh hoạt, lối sống, lời nói, ứng xử...

Nghệ sỹ Ưu tú Ca Lê Hồng cho rằng, việc học tập và làm theo lời Bác là học suốt đời, hãy bắt đầu từ việc nhỏ, từ hành động ứng xử văn hóa, văn minh, đặc biệt là đạo đức, lối sống. Trong lao động, rất cần nỗ lực học tập, tìm tòi, phát huy sáng kiến, làm được nhiều điều có ích cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội và cho đất nước.

Thanh Vũ (TTXVN)
Chuyện những người con miền Nam gặp Bác - Bài 2: Trọn đời học Bác phục vụ nhân dân
Chuyện những người con miền Nam gặp Bác - Bài 2: Trọn đời học Bác phục vụ nhân dân

Đã hơn 50 năm đã trôi qua, kỷ niệm về hai lần vinh dự được gặp Bác Hồ vẫn vẹn nguyên trong tâm trí Trung tướng Lê Thành Tâm, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân khu 7, Chủ tịch Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cựu chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN