Đây còn là mồ hôi, công sức trí tuệ, sự hy sinh thầm lặng, cống hiến với tinh thần sáng tạo, năng động, linh hoạt để giữ gìn nguyên vẹn tài liệu di sản an toàn, trường tồn với thời gian và phát huy những giá trị tài nguyên quốc gia của lịch sử do cha ông trao truyền lại cho các thế hệ muôn đời sau; qua đó thiết thực đóng góp vào xây dựng và phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, hùng cường và thịnh vượng.
Nhấn mạnh trên được Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu lên tại Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (4/9/1962-4/9/2022), diễn ra sáng 31/8.
Cách đây 60 năm, Hội đồng Chính phủ đã ban hành quyết định thành lập Cục Lưu trữ Phủ Thủ tướng, đây là một dấu mốc lịch sử đánh dấu sự phát triển của hệ thống tổ chức lưu trữ nhà nước; là cơ quan đầu ngành giúp Chính phủ quản lý tập trung thống nhất công tác lưu trữ và tài liệu lưu trữ quốc gia trong phạm vi cả nước. Thời gian đầu khi mới thành lập, Cục Lưu trữ gặp muôn vàn khó khăn cả về cơ sở vật chất, con người, cũng như điều kiện làm việc. Trong những năm chiến tranh phá hoại miền Bắc, Cục Lưu trữ được tổ chức sơ tán ở Việt Bắc, bảo đảm an toàn một khối lượng tài liệu lưu trữ lớn và quan trọng của quốc gia. Sau khi đất nước độc lập, hòa bình, thống nhất và đến năm 1992, Cục chuyển về Bộ Nội vụ, là đơn vị trực thuộc tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ quản lý nhà nước về văn thư và lưu trữ.
Nhìn lại chặng đường xây dựng, phát triển và trưởng thành 6 thập kỷ qua, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng có quyền tự hào về những thành tựu to lớn và truyền thống vẻ vang của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước: Từ một cơ sở lưu trữ đơn sơ ban đầu với vài chục người thực hiện nhiệm vụ chưa được đào tạo một cách bài bản; đến nay, đã xây dựng và phát triển được 4 trung tâm lưu trữ quốc gia lớn với thế hệ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngày càng chuyên nghiệp, trực tiếp bảo quản, lưu giữ một khối lượng tài liệu rất lớn và vô cùng giá trị về mọi mặt chính trị, lịch sử, văn hóa, khoa học, xã hội, quốc phòng, an ninh.
Tài liệu lưu trữ này là di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam. Nhiều tài liệu được coi là bảo bối quốc gia; có những tài liệu quý đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới như: Châu bản triều Nguyễn và Mộc bản triều Nguyễn… Bên cạnh việc lưu giữ, bảo quản, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ngành văn thư, lưu trữ đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, hoạt động bằng nhiều phương thức, trong đó Cục đã ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để phát huy giá trị quý báu của khối di sản tư liệu quốc gia, góp phần nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của di sản tư liệu, thiết thực phục vụ cuộc sống cho nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước giai đoạn hiện nay; đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Tài liệu có giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết quốc gia”.
Theo Bộ trưởng Nội vụ, trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, xã hội số, đòi hỏi Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước càng nhạy bén, linh hoạt, đổi mới, sáng tạo đi đầu trong công tác văn thư và bảo quản, phát huy cao độ giá trị tài liệu lưu trữ nhằm phục vụ rộng rãi, hiệu quả cho công chúng, xã hội và đáp ứng yêu cầu của kiến thiết quốc gia hưng thịnh trên mọi phương diện.
Bộ trưởng lưu ý, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tập trung tham mưu lãnh đạo Bộ xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách đủ mạnh và chặt chẽ trên cơ sở tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, trong đó trọng tâm là Luật Lưu trữ sửa đổi và các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tài liệu điện tử, lưu trữ tư nhân và hoạt động dịch vụ lưu trữ. Đây là nhiệm vụ quan trọng, căn cứ pháp lý để triển khai thực hiện hiệu quả công tác văn thư lưu trữ trong tình hình mới.
Đồng thời, Cục xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, thực hiện chuyển đổi số và bảo quản an toàn tuyệt đối tài liệu lưu trữ quốc gia. Trong đó hình thành mô hình Kho lưu trữ tài liệu điện tử để bảo đảm được chức năng tập trung nguồn tài liệu điện tử của các cơ quan nhà nước; quản lý chặt chẽ tài liệu lưu trữ điện tử của Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam. Việc xây dựng Kho lưu trữ tài liệu điện tử cần được tổ chức với quy mô phát triển rộng dần, qua nhiều giai đoạn với nguồn đầu tư phù hợp để bổ sung thường xuyên. Gắn công tác lưu trữ với công nghệ thông tin, tăng cường phát huy giá trị tài liệu lưu trữ quốc gia, đưa tài liệu lưu trữ thiết thực phục vụ quản lý xã hội và mọi nhu cầu của cuộc sống xã hội, góp phần xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyền đất nước.
Bộ trưởng cũng lưu ý Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước coi trọng và tích cực triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học, mở rộng hơn nữa hợp tác quốc tế, cập nhật các thông tin khoa học nghiệp vụ để vận dụng vào công tác lưu trữ ở Việt Nam, đồng thời khẳng định vai trò, vị thế của Lưu trữ Việt Nam trên trường quốc tế.
Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng nêu rõ, dù ở bất cứ giai đoạn nào, Cục vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và Bộ Nội vụ giao, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành Nội vụ cũng như đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đây là minh chứng cho quá trình phát triển đúng hướng của công tác văn thư, lưu trữ Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh,
Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã quản lý, tổ chức thực hiện nhiều hoạt động nghiệp vụ nhằm bảo quản và phát huy hiệu quả khối di sản tư liệu quý giá của quốc gia, bao gồm hơn 33.000 mét giá tài liệu trên nhiều vật mang tin khác nhau, phản ánh đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX đến nay; trong đó có 02 Di sản tư liệu thế giới “Mộc bản triều Nguyễn”, “Châu bản triều Nguyễn” và 02 Bảo vật quốc gia “Tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1945-1946”, “Sưu tập Phác thảo các mẫu Quốc huy Việt Nam của Họa sĩ Bùi Trang Chước”. Các Trung tâm Lưu trữ quốc gia được đầu tư xây dựng kho lưu trữ chuyên dụng với hệ thống trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ và bảo quản an toàn tài liệu trên các vật mang tin khác nhau.
Mỗi năm, các Trung tâm Lưu trữ quốc gia phục vụ hơn 5.000 lượt độc giả trong và ngoài nước, cấp bản sao, chứng thực hơn 100.000 trang tài liệu lưu trữ, đón trên 30.000 lượt khách đến tham quan khu trưng bày tài liệu lưu trữ. Các Trung tâm Lưu trữ quốc gia đã tổ chức hơn 100 cuộc triển lãm, trưng bày tài liệu lưu trữ, trong đó có nhiều triển lãm quốc tế với quy mô lớn, thu hút số lượng lớn khách trong và ngoài nước đến tham quan, các phóng viên đến tham dự, đưa tin.
Với tư cách là thành viên của các tổ chức lưu trữ quốc tế, Lưu trữ Việt Nam đã tích cực tham gia và thiết lập quan hệ hợp tác và ký kết các biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác với các cơ quan lưu trữ của 10 nước trong khu vực và trên thế giới như Lào, Campuchia, Cuba, Liên bang Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Đức, Pháp và Mỹ. Điều này không những khẳng định vai trò, vị thế của Lưu trữ Việt Nam trên trường quốc tế, mà còn nhấn mạnh vai trò của ngành Lưu trữ Việt Nam trong bảo tồn lịch sử chung của dân tộc Việt Nam và toàn nhân loại.
Tại buổi Lễ, lãnh đạo Bộ Nội vụ đã trao Bằng khen của Bộ trưởng cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, lưu trữ các cơ quan, các tỉnh, thành phố.