Sau 5 năm thực hiện đã tạo được những chuyển biến mạnh mẽ trong thực tiễn tại địa phương, đồng thời còn đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện 4 bài về những kết quả quan trọng trong thực hiện Nghị quyết tại Phú Thọ và những giải pháp đưa ra trong thời gian tới.
Bài 1: Đẩy lùi căn bệnh suy thoái
Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII được triển khai trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong việc ngăn chặn, đẩy lùi căn bệnh suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Đặc biệt, Nghị quyết được thực hiện cũng đã giúp thanh lọc những cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái và chỉnh đốn lại tổ chức, cơ sở đảng và đảng viên.
Làm rõ trường hợp suy thoái
Vụ án “Đánh bạc nghìn tỷ qua mạng Internet” là vụ án có quy mô lớn trên cả nước với tính chất nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Vụ án được triệt phá thành công là công lao rất lớn của lực lượng Công an tỉnh Phú Thọ, Tuy nhiên, mới đây Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Thọ đã phải quyết định thi hành kỷ luật đối với 4 cán bộ lãnh đạo Cơ quan An ninh điều tra và Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ do liên quan vụ án Phan Sào Nam. Trong đó có 2 cán bộ bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng và 2 cán bộ kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo. Bốn cán bộ này đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc của Đảng ủy Công an tỉnh, quy chế làm việc của Phòng An ninh điều tra và các quy định của Đảng.
Trước đó, cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ cũng đã điều ra làm rõ việc 5 cán bộ Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ, trong đó có người là đảng viên, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 700 triệu đồng. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Vi Ngọc Khang, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ; cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Nguyễn Quốc Trụ, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ.
Dư luận cho rằng, những vi phạm của các cán bộ, đảng viên này là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống nên đã có những hành động vi phạm pháp luật, vi phạm những điều đảng viên không được làm. Việc chẩn đoán đúng “căn bệnh” suy thoái, đồng thời xử lý đến tận cùng những sai phạm đối với những cán bộ, đảng viên vi phạm đã được dư luận hết sức hoan nghênh. Đây là minh chứng sinh động cho tính đúng đắn, kịp thời từ những chủ trương, giải pháp quyết liệt mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã vạch định.
Theo đảng viên Nguyễn Văn Sâm, khu Thông Đậu, phường Minh Nông, thành phố Việt Trì, muốn Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh thì trước hết, mỗi đảng viên phải gương mẫu, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Bên cạnh đó, các tổ chức Đảng cần tăng cường hơn nữa công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên để sớm phát hiện, ngăn chặn kịp thời dấu hiệu vi phạm trong công tác Đảng cũng như vi phạm pháp luật. Đối với công tác thi hành kỷ luật Đảng phải đảm bảo tính nghiêm minh, để tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng, qua đó giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phú Thọ, từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đến nay, các cấp ủy, tổ chức Đảng trong Đảng bộ tỉnh Phú Thọ đã xem xét, xử lý, kỷ luật 1.750 đảng viên có biểu hiện suy thoái. Trong đó biểu hiện suy thoát về tư tưởng chính trị 1.114 trường hợp; biểu hiện về suy thoát đạo đức, lối sống 636 trường hợp do vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống, những điều đảng viên không được làm, tham nhũng có ý làm trái, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, mất đoàn kết nội bộ. Với những biểu hiện suy thoái này đã có 1.342 trường hợp bị khiển trách, 207 trường hợp bị cảnh cáo, cách chức 27 trường hợp, khai trừ 174 trường hợp.
Việc đã xem xét, xử lý, kỷ luật nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm đã phần nào xóa đi những hoài nghi về “một bộ phận không nhỏ” nằm ở đâu và làm thế nào để “chỉ mặt điểm tên” bộ phận ấy, mà dư luận đang quan tâm và đặt câu hỏi.
Cách làm sáng tạo nhận diện suy thoái
Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã thẳng thắn chỉ ra một cách hệ thống 27 biểu hiện cụ thể của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đây là căn cứ quan trọng để Đảng tiến hành một cuộc tầm soát, chẩn đoán những yếu kém, khuyết tật, làm cơ sở đánh giá đúng cán bộ, giúp thanh lọc đội ngũ cán bộ, đảng viên và chỉnh đốn lại tổ chức Đảng ở quy mô lớn, từ Trung ương tới cơ sở.
Tại Phú Thọ việc nhận diện các biểu hiện tiêu cực, suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” không còn là vấn đề hóc búa như trước, mà cơ bản đã rõ hình hài cả về mặt định dạng, định hình, định lượng, cả diện mạo lẫn bản chất của “giặc nội xâm” đặc biệt nguy hại này. Nhiều cấp ủy, tổ chức Đảng đã những có những cách làm sáng tạo giúp nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Đảng ủy Công an tỉnh Phú Thọ đã biên soạn, in, cấp phát 192 bích chương, 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, để cán bộ, đảng viên nghiên cứu, đối chiếu, tránh các biểu hiện suy thoái. Việc cụ thể hóa 27 biểu hiện suy thoái đã giúp chấn chỉnh tư thế, lễ tiết, tác phong, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong lực lượng Công an; đồng thời giúp cán bộ, đảng viên trong ngành thực hiện “tự soi”, “tự sửa”, tự nhận diện, phòng ngừa suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Thực hiện nêu gương, nhất là lãnh đạo, chỉ huy đơn vị trong tu dưỡng, rèn luyện, trong quan hệ công tác và thực hiện nhiệm vụ được giao.
Ban Thường vụ Huyện ủy Tam Nông cũng đã xây dựng phiếu tự đánh giá theo thang điểm, mức độ suy thoái trong việc thực hiện Nghị quyết với bốn cấp độ, từ nhẹ đến nặng, cùng với đó là các hình thức xử lý kỷ luật. Theo đó, trong trường hợp có biểu hiện suy thoái ở cấp độ 1 thì Ban Thường vụ cấp ủy hoặc Chi ủy phân công cấp ủy viên theo dõi, giúp đỡ khắc phục khuyết điểm. Nếu cá nhân suy thoái ở cấp độ 2 thì cấp ủy gợi ý kiểm điểm và có kết luận về việc kiểm điểm để cán bộ, đảng viên tự nhận thức khuyết điểm và tự giác sửa chữa, khắc phục. Khi đảng viên có biểu hiện suy thoái ở cấp độ 3, cấp độ 4 nghiêm trọng thì ngoài hai biện pháp nêu trên, cá nhân vi phạm còn phải bị xem xét hình thức kỷ luật. Cách làm này chính là "chìa khóa" để mỗi cá nhân tự giác nhận thiếu sót, nghiêm túc tự kiểm điểm, dũng cảm tự nhận hình thức kỷ luật. Cá nhân, tập thể có biểu hiện suy thoái được góp ý, phê bình kịp thời để tự giác nhận diện khuyết điểm, tự đấu tranh, tự nhận hình thức kỷ luật, nỗ lực tự sửa chữa, khắc phục.
Ông Bùi Đình Thi, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết, để sát với tình tình hình thực tế tại địa phương, Ban Thường vụ Phú Thọ đã cụ thể hóa 27 biểu hiện mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã thẳng thắn chỉ ra thành 65 biểu hiệu dễ nhận biết theo 3 nhóm đối tượng. Trong đó nhóm biểu hiện nhận diện chung đối với tất cả các đảng viên là 41 biểu hiển; nhóm đảng viên hưu trí có 41 biểu hiện và 1 biểu hiện riêng; nhóm đối tượng đảng viên đang công tác và đảng viên đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có 64 biểu hiện. Việc cụ thể hóa các dấu hiệu này đã giúp các tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên dễ nhận diện và đấu tranh , ngăn chặn với những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Bên cạnh đó, việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình cũng được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo nghiêm túc theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4. Trong quá trình kiểm điểm đã đi sâu vào đánh giá, nhận diện và xác định những hiểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Hàng năm Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã gợi ý kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân có những biểu hiện vi phạm, suy thoái. Sau 5 năm triển khải thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, toàn tỉnh đã gợi ý kiểm điểm 406 tập thể, 431 cá nhân. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã gợi ý kiểm điểm sâu 32 tập thể, 39 cá nhân; cấp huyện, tương đương gợi ý kiểm điểm 244 tập thể, 322 cá nhân và cấp ủy cơ sở gợi ý kiểm điểm 130 tập thể, 70 cá nhân.
Những đơn vị, cơ quan, địa phương được Ban Thường vụ gợi ý kiểm điểm đã nghiêm túc tiếp thu và có báo cáo giải trình, kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với nội dụng được gợi ý, chưa có trường hợp nào sau kiểm điểm phát hiện đến mức phải kỷ luật.
Bài 2: Lựu chọn cán bộ tốt để tạo nguồn và sử dụng