Theo ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, bước sang năm mới 2022, dự báo tình hình trong nước và tỉnh có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, đại dịch COVID-19 dần được kiểm soát nhưng vẫn diễn biến phức tạp, cùng với những khó khăn nội tại của tỉnh sẽ tác động không nhỏ đến sản xuất và đời sống nhân dân.
Hậu Giang tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, đột phá, quyết tâm, khát vọng, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh chung sức, đồng lòng trong công tác phòng, chống dịch bệnh theo phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Đồng thời tỉnh xác định nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của năm.
Cùng với đó, Hậu Giang tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy những thành tựu đã đạt được thời gian qua, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Cũng như tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, xây dựng Hậu Giang trở thành nơi hội tụ của những trái tim ấm áp, đầy nhiệt huyết, những nhà đầu tư tiềm năng, có tầm nhìn, là nơi của những đổi thay nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội và đời sống ấm no, hạnh phúc cho mỗi người dân.
Cũng theo ông Đồng Văn Thanh, những kết quả đạt được năm 2021 là nền tảng quan trọng và là niềm tin vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hậu Giang tiếp tục đoàn kết, phấn đấu và nỗ lực hơn nữa trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Năm 2021, trước tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, GRDP năm 2021 của Hậu Giang vẫn tăng trưởng dương, đạt 3,08%, đứng thứ hai trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ngành nông nghiệp của tỉnh có tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 4,04%, đây là mức tăng cao nhất từ khi thành lập tỉnh đến nay.
Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình OCOP “mỗi xã 01 sản phẩm” của Hậu Giang đều đạt và vượt kế hoạch, góp phần tăng giá trị nông sản và tăng thu nhập cho người nông dân. Số dự án thu hút đầu tư trong nước tăng 35% so với cùng kỳ. Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đạt được nhiều kết quả nổi bật thể hiện qua các chỉ số PCI, PARINDEX; PAPI và SIPAS đều tăng so với cùng kỳ. Tỉnh Hậu Giang xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố về thực hiện chuyển đổi số; chỉ số Vietnam Ict Index tăng 15 bậc, xếp thứ 32/63 tỉnh, thành phố.
* Tối 31/12, tại Nhà hát Cao Văn Lầu (Nhà hát Ba Nón Lá), UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Chương trình Nghệ thuật kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Bạc Liêu (01/01/1997 - 01/01/2022) và Chào năm mới 2022 chủ đề “Khát vọng Bạc Liêu”.
Mở đầu Chương trình nghệ thuật là hành trình 25 năm hình thành và phát triển tỉnh Bạc Liêu với nhiều tác phẩm âm nhạc đầy màu sắc thông qua những tiết mục với nhiều ý tưởng độc đáo mang âm thanh và hình ảnh của thiên nhiên, truyền cảm hứng tới khán giả. Đây là những thông điệp đầy ý nghĩa tích cực và lạc quan, cổ vũ tỉnh thần vượt lên những khốc liệt của trận chiến chưa có hồi kết với cơn đại dịch: Hát từ nguồn cội, Bạc Liêu ta đó, Làng chiếu quê em, Tiếng đờn kìm, Đồng muối trắng, Âm sắc Bạc Liêu, Hạt gạo se duyên, Khát vọng Bạc Liêu, Bạc Liêu dấu ấn 25 năm.
Ngoài các tiết mục âm nhạc tái hiện quá trình 25 năm hình thành và phát triển được dàn dựng công phu, điểm nhấn của chương trình “Chào năm mới - Khát vọng Bạc Liêu” đưa khán giả đến không gian hân hoan, phơi phới của đầu năm mới với biết bao nhiêu niềm tin mới, hy vọng mới, thành tựu mới: Xuân đẹp làm sao, Trăng Bạc Liêu, Về quê ăn tết, Niềm vui ngày hội, Bac Liêu khúc tình ca, Trăm năm gấm hoa với sự thể hiện của các nghệ sĩ: NSUT Ngọc Đợi, NSƯT Giang Tuấn, NSƯT Mỹ Hạnh, NSUT Thạch Mô Ly…
Qua 25 năm hình thành và phát triển (01/01/1997 - 01/01/2022) với điểm xuất phát thấp, lạc hậu trên nhiều lĩnh vực, để vượt qua khó khăn, thách thức, Bạc Liêu đã tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp, trong đó xác định nuôi trồng thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn. Nhờ đó, các chỉ số trong sản xuất nông nghiệp so với năm 1997 tăng cao; sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản tăng gấp 8,3 lần; diện tích lúa, dù có thu hẹp nhưng sản lượng vẫn đạt trên 1,15 triệu tấn/năm, tăng gấp 2,2 lần.
Song song với phát triển nông nghiệp, tỉnh Bạc Liêu tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển khu vực nông thôn. Đặc biệt, sau 12 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Bạc Liêu có 100% xã chuẩn nông thôn mới, 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 78 ấp đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ có sự phát triển vượt bậc. Tỉnh triển khai nhiều chính sách thu hút đầu tư, qua đó nhiều dự án công nghiệp mang tính động lực được hình thành và phát huy hiệu quả. Điển hình là hệ thống 8 dự án điện gió ven biển và trên biển với tổng công suất gần 470MW đang vận hành rất hiệu quả, đưa Bạc Liêu trở thành địa phương tiên phong cả nước trong phát triển điện gió, nhất là điện gió trên biển.
Đặc biệt, Bạc Liêu đã kêu gọi thành công và được Thủ tướng Chính phủ đưa vào quy hoạch Điện lực quốc gia đối với dự án Nhà máy Nhiệt điện khí LNG 3.200 MW, là dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với đó là hệ thống các nhà máy chế biến nông, thủy sản hoạt động khá hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động và giúp cho kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng 13,5 lần so với năm 1997.
Nhờ những chính sách mang tính đột phá, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bạc Liêu luôn ở mức cao, quy mô và tiềm lực nền kinh tế có sự phát triển vượt bậc. Đến nay, tổng sản phẩm trong tỉnh GRDP của tỉnh đạt 54.000 tỷ đồng, tăng 27 lần so với năm 1997; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 58,67 triệu đồng/người/năm, tăng 21 lần; tổng thu ngân sách đạt 3.450 tỷ đồng;...