Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn cho biết, vào 5 giờ 30 sáng 1/7, tất cả các điểm cháy rừng ở 7 huyện của Hà Tĩnh đã tắt lửa sau các nỗ lực không mệt mỏi của hơn 15.000 cán bộ, chiến sĩ, kiểm lâm viên và dân quân tự vệ.
Tuy nhiên, lửa vẫn âm ỉ dưới tán cây rừng và tiếp tục bùng lên vào giữa sáng 1/7 ở các huyện Đức Thọ, Kỳ Anh và Cẩm Xuyên vì gió phơn Tây Nam thổi mạnh. Tới 12 giờ 30 cùng ngày, các điểm cháy rừng bùng phát ở huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên đã được dập.
Riêng xã Trường Sơn (huyện Đức Thọ) - điểm cháy rừng cuối cùng, cho tới đầu giờ chiều cùng ngày vẫn được gần 400 người tham gia dập lửa, bao gồm lực lượng quân đội, công an, kiểm lâm, dân quân tự vệ.
“Điểm cháy này ở trên triền núi cao, không thể dùng máy bơm và vận chuyển nước lên dập được nên phương thức dập lửa vẫn là dùng cành cây để dập và máy thổi để khoanh vùng cháy”, ông Sơn cho biết.
Theo ông Đặng Ngọc Sơn, Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia vừa có thông báo về áp thấp nhiệt đới sẽ gây mưa to ở miền Trung từ ngày 2/7 nên có thể sẽ chấm dứt hoàn toàn cháy rừng. Tuy nhiên, Hà Tĩnh và một số tỉnh ven biển miền Trung khác sẽ phải tiếp tục đối mặt với diễn biến thời tiết mới, tình hình biển động và lũ quét, lũ ống ngay sau khi huy động lực lượng dập cháy rừng.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho rằng, khi trời mưa to vào ngày 2/7, tình trạng cháy rừng ở các tỉnh Bắc Trung Bộ sẽ chấm dứt, nhưng phải tính toán ngay việc phục hồi rừng bị cháy và coi đây cũng là một nhiệm vụ cấp bách. Theo ông Tuấn, đối với khu vực rừng bị cháy mà khó phục hồi, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ bà con trồng rừng trở lại.
Quan sát điểm cháy cuối cùng ở xã Trường Sơn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo các lực lượng chữa cháy tiếp tục dập lửa dứt điểm các điểm còn âm ỉ, không để lửa bùng phát trở lại và lan sang khu vực rừng có đường dây 500KV (cách các điểm cháy khoảng 500m).
Trong khi bàn phương án với các lực lượng chữa cháy tại hiện trường, trả lời ý kiến của phóng viên về việc sử dụng trực thăng chữa cháy rừng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ đã nhận được ý kiến này nhưng thấy rằng chữa cháy bằng trực thăng cần sử dụng liên tiếp từ 3 - 5 trực thăng dội nước liên tục chữa cháy cho một điểm cháy. Trong khi đó, tình trạng cháy rừng phủ rộng trên nhiều huyện của nhiều tỉnh, việc huy động trực thăng là khó khăn.
Không chỉ vậy, tình hình gió phơn Tây Nam thổi mạnh trong suốt thời gian qua cũng ảnh hưởng tới khả năng tháo nước trúng điểm cháy, đặc biệt là ảnh hưởng tới an toàn bay nên Chính phủ chưa điều động trực thăng của Binh đoàn 18, Tổng công ty bay Bộ Quốc phòng.
“Với tình hình cháy ở các điểm diện rộng như vậy, huy động các lực lượng tại chỗ và dập lửa bằng các thiết bị máy thổi, cưa xăng là hiệu quả hơn cả. Trong tháng 7 này, thời tiết tiếp tục nắng nóng gay gắt, các tỉnh không được chủ quan. Cần tính toán nhu cầu sử dụng thiết bị chữa cháy để báo cáo Chính phủ duyệt chi đột xuất”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến của Thứ trưởng Hà Công Tuấn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị tỉnh Hà Tĩnh và các tỉnh có rừng bị cháy rà soát, xác định và phân loại các loại rừng đã bị cháy để tính toán phương án hỗ trợ cho bà con trồng rừng. Bên cạnh đó, dự báo áp thấp nhiệt đới trong những ngày tới đây, lực lượng cứu hộ, cứu nạn giữ vững tinh thần sẵn sàng để ứng phó với mưa lũ, biển động.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng lưu ý Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cần tăng cường tuyên truyền tới nhân dân việc không đốt rơm rạ trên đồng ruộng trong thời tiết nắng nóng, bởi việc này dễ gây hỏa hoạn, lây lan lửa tới rừng và khu dân cư.