Chưa thấy dấu hiệu ô nhiễm phóng xạ tại Việt Nam

Các số liệu quan trắc của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu bất thường nào về chất phóng xạ ảnh hưởng tới Việt Nam. Giám đốc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, ông Vương Hữu Tấn hôm qua đã khẳng định như vậy với báo giới sau khi có những tin đồn gây hoang mang, lan truyền chủ yếu qua tin nhắn và điện thoại, trong đó khuyến cáo mọi người không nên ra đường vì ô nhiễm phóng xạ từ các sự cố ở các lò phản ứng hạt nhân tại các vùng bị động đất và sóng thần ở Nhật Bản.

Mô hình lò phản ứng hạt nhân nhà máy điện nguyên tử (ảnh:vaecgov.gov.vn)

Ông Vương Hữu Tấn cho rằng, với vị trí địa lý cách rất xa Việt Nam, nếu chất phóng xạ có phát tán từ vụ nổ lò phản ứng tại các nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản thì cũng không thể đến Việt Nam bởi bản chất của vụ nổ này khác hẳn với vụ nổ Nhà máy điện nguyên tử Trécnôbưn (Ucraina) năm 1986.

Theo ông Tấn, vụ Trécnôbưn là sự cố nổ tung cả lò phản ứng, theo đó, chất phóng xạ phát tán nhiều và bung lên trời nên bán kính phát tán mới rộng. Còn vụ nổ tại lò phản ứng của Nhật Bản là hiện tượng thoát nhiệt do khí hyđrô khi gặp không khí đã gây ra nổ trên mái lò. Do đó, chất phóng xạ từ những vụ nổ ở Nhật Bản ít hơn rất nhiều vì toàn bộ chất phóng xạ vẫn nằm trong lòng lò. Tất cả chất phóng xạ này đang lưu trú trong tòa nhà rất kiên cố, bảo vệ bằng 2 vách: Vách thứ nhất là vỏ ngoài của lò phản ứng bằng bê tông cốt thép dày khoảng 1,5 m và vách bên trong là thùng lò vỏ thép dày khoảng 20 cm. Nghĩa là toàn bộ chất phóng xạ vẫn được lưu giữ, bảo vệ trong 2 lớp vách này.

Ông Tấn cũng cho biết, các lò phản ứng bị nổ ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 2 của Nhật Bản được xây dựng từ năm 1968, thuộc thế hệ cổ điển. Công nghệ xây dựng lò thời điểm đó còn hạn chế về công nghệ đảm bảo an toàn, công nghệ giảm nhiệt cho lò trong trường hợp sự cố. Lò phản ứng số 2 ở Fukushima Nhật Bản vận hành theo nguyên lý chủ động, tức là các hệ thống giảm nhiệt hoạt động phải có sự can thiệp. Khi động đất, lò phản ứng đã dừng làm việc, các hệ thống giảm nhiệt (làm mát vẫn hoạt động). Tuy nhiên, sóng thần ập tới làm mất điện cấp cho hệ thống làm mát. Mất chức năng làm mát dẫn đến nhiệt trong lò phản ứng tăng lên; khi phải xả, áp lực nhiệt và khí hyđrô tụ trên nóc lò đến mức độ nhất định gặp ôxy sẽ gây nổ làm phát tán phóng xạ ra ngoài.

Xuân Hương
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN