Đăng đàn trả lời chất vấn sau Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã trả lời nhiều câu hỏi của đại biểu xoay quanh vấn đề tổ chức, biên chế, chất lượng công chức, đi theo đó là tuyển công chức theo tinh thần đảm bảo nâng cao chất lượng công chức.
Dẫn chứng về việc chậm ban hành chính sách đối với cán bộ người dân tộc thiểu số, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) nêu câu hỏi: “Nghị quyết số 05 ngày 4/1/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc, tại Khoản 4, Điều 11 do Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành nhưng đến nay đã hai năm rồi chưa ban hành chính sách cán bộ người dân tộc thiểu số. Xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân vì sao chậm ban hành, trách nhiệm của Bộ Nội vụ đến đâu và đến chừng nào mới ban hành chính sách nói trên?”
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trả lời chất vấn. Nhan Sáng-TTXVN |
Câu trả lời của Bộ trưởng dài dòng nhưng không rõ ý, trả lời thiếu, không làm hài lòng đại biểu, nên đại biểu Danh Út đã đặt lại câu hỏi tới hai lần để chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình khẳng định: “Đây là một thiếu sót của Bộ Nội vụ, chúng tôi thấy ý kiến của đại biểu rất xác đáng, chúng tôi cũng cố gắng và sẽ bắt tay ngay và có thể ban hành sớm trong năm 2014”.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), Hà Minh Huệ (Bình Thuận) chất vấn về việc có thông tin nêu đến nay có 30% cán bộ, công chức không làm được việc, con số này thực hư ra làm sao? Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết trong cuộc họp tổng kết ngành Nội vụ năm 2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói có ý kiến cho rằng có 30% công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, ngành xem như thế nào. “Đây không phải là ý kiến của Phó Thủ tướng mà Phó Thủ tướng chỉ dẫn ý kiến dư luận” -Bộ trưởng Nội vụ khẳng định. Tuy nhiên, theo đánh giá của đại biểu ông Nguyễn Thái Bình cũng không làm rõ được “dư luận ở đâu” và “thực hư con số 30” như thế nào.
Cùng quan điểm này, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nêu ví dụ, số cán bộ, công chức nghỉ chế độ chính sách trong ba năm từ 2010 đến năm 2012 là 28.132 người, so với số tuyển mới là 69.851 người, như vậy tăng 41.719 người bằng 148% so với số người nghỉ và 10,5% so với số cán bộ, công chức. Vậy trách nhiệm của Bộ Nội vụ trước tình trạng số lượng cán bộ, công chức, viên chức không những không giảm mà thậm chí còn tăng hơn 20% sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 132 về tinh giản biên chế. Trong thời gian tới Bộ có kế hoạch và giải pháp cụ thể nào để tiếp tục thực hiện tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hay không?
Về nguyên nhân biên chế “tăng đều” hằng năm, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết chính sách tinh giảm biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, nâng cao chất lượng đội ngũ là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Bộ trưởng dẫn số liệu biên chế công chức năm 2007 là 238.668 người, năm 2012 là 274.694 người, tăng 15,09%; đối với viên chức, năm 2007 là 1.490.544 người, năm 2012 là 1.872.044 người, tăng 25,59%. Năm 2013 và năm 2014 không tăng cán bộ công chức; đối với viên chức, Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đang xem xét để cân đối. Nguyên nhân tăng do bổ sung các đơn vị mới được thành lập; các đơn vị cũ nhưng được bổ sung chức năng, nhiệm vụ…
Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) đặt câu hỏi có hay không việc chạy chức, chạy quyền, tham nhũng trong đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ? Như đồng chí Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói rằng chạy dự án là có nhưng đến bây giờ chúng tôi chưa phát hiện được, chưa xử lý được, phải dũng cảm như thế. Chúng tôi nghĩ thời gian tới giải pháp khắc phục cho việc này như thế nào?
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho rằng, do đây là lĩnh vực nhạy cảm, tế nhị: “Chúng tôi đọc rất kỹ các văn kiện của Đại hội XI, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 của khóa XI. Tại Điểm 6, Mục d, phần I đánh giá về hạn chế, khuyết điểm trong báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI có nêu, đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, tình trạng chạy chức, chạy quyền chưa được khắc phục. Nhưng chúng tôi đã nói tương đối, đây là một tài liệu gối đầu nằm để chúng tôi nghiên cứu đề ra các biện pháp, các giải pháp để khắc phục”.
Bên lề Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, mặc dù đã tiếp thu, giải trình các câu hỏi của các đại biểu, tuy nhiên do nội dung trả lời chưa sâu, chưa đúng trọng tâm của vấn đề nên phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình không làm hài lòng một số đại biểu. Một số đại biểu nhận xét Bộ trưởng chưa hiểu hết những nội dung chất vấn của đại biểu. Phần giải đáp chưa đi sâu và chưa sát với thực tế. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình chưa trả lời trực tiếp vào những nội dung đại biểu bức xúc, thắc mắc mà mới chỉ giải đáp chung chung về các kế hoạch, dự kiện trong thời gian tới. Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đánh giá, cách trả lời chất vấn của Bộ trưởng chưa đi thẳng vào vấn đề đại biểu nêu.
Nguyễn Viết Tôn