Chú trọng phòng, chống rửa tiền với giao dịch tiền ảo, tài sản ảo

Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 1/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Chia sẻ quan điểm về lĩnh vực này, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) đã kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tế, tuy nhiên, cần bổ sung thêm quy định khung pháp lý để kiểm soát tất cả các hình thức chuyển đổi, đặc biệt chú trọng phòng, chống rửa tiền với giao dịch tiền ảo, tài sản ảo…

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh Trương Trọng Nghĩa phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Nhiều đại biểu thống nhất với dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) và cho rằng, Ban soạn thảo chuẩn bị hồ sơ dự án Luật công phu, nghiêm túc, đáp ứng đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp này. Nhiều ý kiến ủng hộ sự cần thiết sửa đổi Luật, đồng thời nhấn mạnh, để triển khai các biện pháp hiệu quả trên thực tế, phải thực hiện hạn chế tối đa việc sử dụng tiền mặt và hướng tới thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh), trên thực tế, việc xác định tội phạm rửa tiền rất khó khăn. Ngân hàng Thế giới ước tính mỗi năm có khoảng 300 - 500 tỷ USD thu được từ hoạt động rửa tiền. Ở nước ta, theo số liệu báo cáo cung cấp, đến nay Việt Nam đã xét xử 3 vụ án với tội danh rửa tiền. Tuy nhiên, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị báo cáo tổng kết cần đề cập rõ hơn bức tranh tổng thể hoạt động rửa tiền của nước ta hiện nay ra sao, tiền thường được rửa dưới hình thức nào, quy mô ra sao, lĩnh vực nào là chính…

“Đây là thông tin quan trọng để các đại biểu Quốc hội thảo luận, xem xét, quyết định góp ý kiến cho các quy định của dự thảo luật”, đại biểu nhấn mạnh.

Về khái niệm rửa tiền, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu rõ, nếu coi tội phạm rửa tiền là tội phạm hình sự thì phải được quy định trong Bộ luật Hình sự, phải có nguyên tắc của pháp luật hình sự; không quy định trong Bộ luật Hình sự thì không phải là tội phạm hình sự. Do đó, đại biểu cho rằng, cần thiết kế lại vấn đề này để tránh gây hiểu lầm.

Đối với định nghĩa về tài sản, nhiều ý kiến cho rằng, trong thời đại công nghệ bùng nổ, quy định như trong dự thảo luật là chưa đầy đủ. Hiện nay, chưa có khái niệm tiền ảo hoặc tài sản ảo, số hóa..., do đó, cần quy định thêm tài sản ảo, tài sản số hóa và tài sản mã hóa sẽ bao gồm nhiều hình thức tiền và hình thức tài sản hiện nay đang bắt đầu sử dụng. Khái niệm và thực tiễn hiện nay rộng, nếu chỉ quy định như trong dự thảo luật sẽ không bao quát hết và khó áp dụng.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La Hoàng Thị Đôi phát biểu ý kiến. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Hoàng Thị Đôi (Sơn La) cho rằng, tội phạm lợi dụng khoa học công nghệ để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng, không loại trừ có các hành vi rửa tiền. Hiện tại, có một loại dữ liệu trên không gian mạng được một số người gán cho giá trị, được gọi là tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số, tiền điện tử. Có tình trạng sử dụng khoa học công nghệ, dữ liệu trên không gian mạng để thực hiện các thỏa thuận trao đổi giữa các cá nhân trên phạm vi toàn cầu, vượt qua các quy định về mặt tài chính, tiền tệ của các quốc gia, khu vực.

Đại biểu nhấn mạnh, đây là giao dịch trên các nền tảng trực tuyến, hoặc thỏa thuận cá nhân không chính thức, không hề được kiểm soát, do loại dữ liệu này chưa được pháp luật công nhận về mặt giá trị, nhưng không vì thế mà không tồn tại các giao dịch, trao đổi thỏa thuận với chức năng như có đồng tiền riêng thực thụ. Tuy nhiên, hoạt động này chưa được pháp luật kiểm soát, dẫn tới gây nhiều thiệt hại cho nhiều người dân.

Đại biểu Hoàng Thị Đôi đề nghị, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định khung pháp lý để kiểm soát toàn bộ các hình thức chuyển đổi, thỏa thuận trao đổi tiền thông qua các công cụ mã hóa trên không gian mạng, nhằm thực hiện phòng, chống rửa tiền và các loại tội phạm có liên quan. 

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện cơ quan công an đang điều tra nhiều vụ án với tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và rửa tiền với số tiền ước tính có thể lên đến nhiều nghìn tỷ đồng. Đối tượng chủ mưu, tổ chức các hoạt động phạm tội này là người nước ngoài, thuê rất nhiều người nước khác, trong đó có cả người Việt Nam. Mục đích của hành vi này là nhằm che giấu thông tin về tài sản của cá nhân, tổ chức thực sự quản lý sở hữu tài sản, gây khó khăn, tránh né công tác phát hiện của các cơ quan quản lý nhà nước.

Nhấn mạnh, rửa tiền là vấn đề toàn cầu, không chỉ làm ảnh hưởng an ninh quốc gia, mà còn đe dọa tính ổn định, minh bạch và hiệu quả của hệ thống tài chính, các đại biểu cho rằng, nếu nhận diện, xác định rõ đối tượng quản lý, sử dụng tài khoản sẽ góp phần triệt tiêu được việc giả mạo thông tin tài khoản.

Các đại biểu Quốc hội khẳng định, sự phát triển của kinh tế số cũng là cơ hội để các đối tượng tội phạm có hành vi gian lận tinh vi, phức tạp hơn, bao gồm các hành vi sử dụng công nghệ cao thông qua các kênh thương mại điện tử, dịch vụ tài chính trên nền tảng số để rửa tiền… Việc xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) đã kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tế, nội luật hóa các chuẩn mực quốc tế phù hợp với các chủ trương của Đảng về công tác phòng, chống rửa tiền, phát hiện, xử lý những vụ việc, vụ án tham nhũng, thu hồi tài sản có liên quan đến tham nhũng và kinh tế.

Đỗ Bình (TTXVN)
Nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác phòng, chống rửa tiền
Nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác phòng, chống rửa tiền

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 4, sáng 1/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Qua thảo luận, đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền để thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục hạn chế của luật hiện hành, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phòng, chống tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, phù hợp với các cam kết quốc tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN