Tại buổi đối thoại, hầu hết các hộ dân mong muốn được di dời đến nơi ở mới vì nhà máy gây tiếng bụi và tiếng ồn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Trong trường hợp ngược lại không di dời, kiên quyết Nhà máy phải di dời.
Mặc dù các cơ quan chuyên ngành đã khẳng định kết quả quan trắc môi trường là khách quan, đáng tin cậy nhưng các hộ dân vẫn cho rằng, vấn đề môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống về lâu dài là điều khó tránh khỏi nếu như Nhà máy vẫn tồn tại hoạt động trong phạm vi gần khu vực dân cư sinh sống.
Trước đó, trên cơ sở phản ánh của nhân dân, năm 2015, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thanh tra về việc chấp hành các quy định pháp luật về đầu tư và môi trường đối với dự án.
Sau khi có kết luận thanh tra, các sở, ngành, địa phương đã tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung kết luận, Công ty Cổ phần Xi măng miền Trung cũng đã đầu tư gần 20 tỷ đồng để hạn chế đến mức thấp nhất tiếng ồn và ô nhiễm bụi trong quá trình hoạt động sản xuất từ nhà máy.
UBND tỉnh cũng đã phân bổ gần 15 tỷ đồng để đầu tư các hạng mục phục vụ đời sống của nhân dân trong khu vực như giao thông, cấp nước, điện chiếu sáng, nhà văn hóa, cảnh quan cây xanh khu vực xung quanh nhà máy…
Đến cuối năm 2016, kết quả quan trắc môi trường tại Nhà máy Xi măng Đại Việt với các chỉ số về bụi, chất thải không vượt quá mức cho phép. Đây là kết quả được thực hiện bởi Tổng Cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường với sự chứng kiến của người dân và chính quyền địa phương về việc lấy mẫu đất, nước xung quanh nhà máy liên tiếp trong vòng 3 ngày.
Tuy nhiên, người dân địa phương không đồng tình với kết quả quan trắc này. Do vậy, tình trạng người dân trong khu vực tụ tập đông người, cản trở hoạt động của Nhà máy sau đó vẫn tiếp tục diễn ra. Nhà máy không hoạt động nên hiện tồn khoảng 2.000 tấn xi măng trong Silô, ảnh hưởng đến công ăn việc làm thu nhập của công nhân Nhà máy. Theo thống kê sơ bộ, việc người dân cản trở hoạt động của nhà máy (từ năm 2015 đến nay) đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp khoảng hơn 65 tỷ đổng.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng thay mặt tỉnh gửi lời xin lỗi đến người dân vì chưa xử lý dứt khoát vấn đề tồn tại kéo dài trong thời gian qua liên quan đến Nhà máy Xi măng Đại Việt.
Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, Nhà nước luôn đứng về lợi ích hợp pháp của người dân. Tuy nhiên, đây là vấn đề khó. Tỉnh cần phải tìm ra cách giải quyết vừa đảm bảo quyền lợi của người dân, vừa đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư. Phương án di dời toàn bộ 427 hộ ở cả hai thôn với kinh phí hàng nghìn tỷ đồng là điều quá sức với ngân sách tỉnh hiện tại.
Tỉnh sẽ tiến hành giao Sở Tài nguyên và Môi trường mời một đơn vị độc lập tiến hành quan trắc môi trường xung quanh nhà máy để kiểm tra một lần nữa với sự giám sát chặt chẽ của các bên liên quan.
Sau khi có kết quả, công bố công khai cho nhân dân biết, nếu những thông số liên quan vượt quá quy định, yêu cầu Nhà máy dừng hoạt động, báo cáo Tổng Công ty lập phương án di dời Nhà máy; trong trường hợp hoạt động của Nhà máy qua kiểm tra đáp ứng đủ điều kiện về môi trường theo quy định thì người dân tạo điều kiện để Nhà máy hoạt động sản xuất, giải quyết công ăn việc làm tại địa phương.
Trước mắt, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu người dân cho phép Nhà máy xuất xưởng 2.000 tấn xi măng còn tồn kho. Giao Nhà máy chịu trách nhiệm đảm bảo môi trường trong quá trình xuất xưởng hàng tồn kho và giao Công an tỉnh bảo đảm an ninh trong quá trình này.
Nhà máy xi măng Đại Việt -Dung Quất có tổng vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Xi măng miền Trung đầu tư xây dựng trên diện tích 6 ha, thuộc xã Bình Đông, huyện Bình Sơn (Khu kinh tế Dung Quất), với sản phẩm xi măng poóc lăng hỗn hợp PCB-40, công suất thiết kế 500.000 tấn/năm.