Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Phiên họp toàn thể của Đại hội đồng lần thứ 138 Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU-138). Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Chuyến thăm diễn ra theo lời mời của Chủ tịch IPU Gabriela Cuevas Barron và Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Hà Lan Khadija Arib. Tham gia đoàn có các ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương.
Nhân dịp này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đã trả lời các phóng viên báo chí đi theo đoàn về kết quả chuyến công tác. Ông cho biết kỳ họp Đại hội đồng IPU-138 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến hết sức phức tạp, nhất là những vấn đề nổi cộm như chủ nghĩa khủng bố, tị nạn, phong trào dân túy, xung đột sắc tộc…
Đại hội đồng lần này dưới sự điều hành của bà Chủ tịch IPU Gabriela Cuevas Barron - người mới được bầu tại kỳ họp IPU-137 tháng 10/2017 tại thành phố Saint Peterburg (Liên bang Nga). Cũng như các kỳ họp trước, IPU-138 đã chọn chủ đề thời sự đang được nhiều nước rất quan tâm, đó là về người tị nạn và di cư, từ đó tìm ra những chính sách giải quyết mang tính khả thi trên thực tế.
Tại IPU-138, trước khi Đại hội đồng khai mạc, Ban Chấp hành tiến hành họp, bà Chủ tịch đưa ra sáng kiến rất mới đề cập tầm nhìn hoạt động của IPU và chức trách của Chủ tịch IPU, qua đó các nội dung được các nhà lãnh đạo quốc hội/nghị viện bàn thảo một cách sâu rộng. Ngoài ra còn có nhiều hội nghị của Nhóm nghị sỹ nữ, Nhóm nghị sỹ trẻ, hội nghị liên minh các nghị viện khu vực, trong đó có Hội nghị Nghị viện khu vực Đông Nam Á +3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) và Hội nghị Các nghị viện khu vực châu Á –Thái Bình Dương gồm 27 quốc gia thành viên.
Ông Nguyễn Văn Giàu cho biết là Ủy viên Ban Chấp hành của Liên minh Nghị viện thế giới, Việt Nam giữ vai trò quan trọng tại hai hội nghị khu vực này. Việt Nam đã trình bày báo cáo hoạt động của Ban Chấp hành, được các nước thành viên đánh giá rất cao, cho rằng Việt Nam thể hiện trách nhiệm cao trong Ban Chấp hành, đồng thời phản ánh đầy đủ, rõ ràng chính kiến của Việt Nam thay mặt các nước trong khu vực tham gia Đại hội đồng. Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam lần này cũng tham gia đầy đủ các hội nghị khác, hội nghị Hiệp hội Tổng thư ký...
Tại phiên khai mạc, Đại hội đồng đã nghe 3 báo cáo rất quan trọng của những người đứng đầu về tổ chức di cư hợp pháp: Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền, Cao ủy Liên hợp quốc về tị nạn, qua đây có nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi xung quanh vấn đề như: di cư hợp pháp, di cư trái pháp luật…
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân có bài phát biểu quan trọng trước Đại hội đồng, trong đó nêu những khuyến nghị và nhiều sáng kiến cụ thể. Việt Nam khẳng định cần tăng cường, tiếp tục củng cố, duy trì môi trường hòa bình để phát triển bền vững- đây có thể nói là một nhân tố quyết định. Nói cách khác, nếu hòa bình, ổn định, phát triển bền vững thì tình trạng di cư sẽ không xảy ra như hiện nay.
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đề xuất các nước tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030 (chương trình này có 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu). Các nghị viện các nước thành viên phải có trách nhiệm rà soát lại chính sách pháp luật để quy định các điều khoản phù hợp và để giúp đỡ cho những người di cư. Phải có chính sách xử lý hài hòa, đặc biệt quan tâm vấn đề giáo dục, y tế và việc làm, phải đối xử bình đẳng như người bản địa chứ không thể xem họ là đối tượng di cư bị bỏ lại phía sau.
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam cũng đã đề xuất các nghị viện phải xây dựng các chính sách nhằm tạo ra những nguồn lực hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng bởi vấn đề di cư. Thực tế cho thấy, những quốc gia này khó chủ động nguồn lực đủ lớn để giải quyết các vấn đề về di cư, vì vậy cần có sự tham gia của cộng đồng các nước, nhất là những quốc gia phát triển có chính sách, nguồn lực hỗ trợ…
Sau bài phát biểu này, nhiều chủ tịch quốc hội các nước đã đến chúc mừng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và cho rằng, những quan điểm của Việt Nam đưa ra mặc dầu mang tính chất nguyên tắc nhưng rất quan trọng.
Có thể nói, tại IPU-138, vị trí, vai trò của Việt Nam được nghị viện các nước rất quan tâm. Đoàn Việt Nam có cuộc gặp gỡ và làm việc với Chủ tịch IPU và Tổng Thư ký IPU. Lãnh đạo IPU đánh giá Diễn đàn Liên minh nghị viện châu Á –Thái Bình Dương lần thứ 26 (APPF-26) được Việt Nam tổ chức chu đáo và đạt được mục tiêu, đặc biệt là thông qua được 13 nghị quyết do các nước đề xuất, trong đó có 6 nghị quyết do Việt Nam đề xuất.
Thành công của hội nghị là đã thông qua bản Tuyên bố Hà Nội về “Tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác nghị viện châu Á - Thái Bình Dương”. Mặc dù Tuyên bố này phát triển từ Tuyên bố Vancouver và Tuyên bố Tokyo mới, nhưng đã xác định một tầm nhìn mới, định hướng phát triển tới năm 2030 của APPF.
Chủ tịch IPU cũng như Tổng Thư ký IPU cho rằng Việt Nam gắn bó chặt chẽ với IPU trong những năm gần đây, nhất là từ khi tổ chức thành công IPU-132 đến nay, là thành viên tích cực, được xem như hình mẫu để Chủ tịch IPU và Tổng Thư ký IPU nghiên cứu, triển khai đến các nước...
Bên lề IPU-138, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gặp gỡ với các nhà lãnh đạo quốc hội/nghị viện một số nước, trong đó có Chủ tịch Hạ viện Indonesia. Chủ tịch Hạ viện Indonesia đánh giá rất cao thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua, khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam là bài học cho nhiều quốc gia, trong đó có Indonesia; khẳng định quan hệ hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp, nhất là sau khi hai nước nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược từ 2013. Indonesia cũng mong Chủ tịch Quốc hội kêu gọi, thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam sang Indonesia đầu tư, đặc biệt là ngành than, chế biến liên quan đến than, ngành dầu khí…
Tại cuộc gặp đoàn nghị sĩ Sri Lanka, Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka đánh giá cao việc trong gần 3 thập niên qua, Việt Nam tăng trưởng rất nhanh, cho rằng Việt Nam cũng là mẫu hình lý tưởng để các nước học tập. Lãnh đạo Quốc hội Sri Lanka đề xuất mở đường bay thẳng giữa hai nước để thu hút các nhà đầu tư và phát triển du lịch…
Chủ tịch Quốc hội Bulgaria nhấn mạnh hai nước có quan hệ rất gần gũi và thiết lập quan hệ ngoại giao khá sớm. Bulgaria từng đào tạo hàng nghìn sinh viên Việt Nam, nay là những cán bộ, chuyên gia, trong đó có cán bộ cấp cao. Hai chủ tịch Quốc hội cho rằng, tới đây hai bên cần tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhóm nghị sỹ hữu nghị. Mặc dù hai nước có quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp nhưng quan hệ kinh tế thương mại còn thấp, do đó thời gian tới cần thúc đẩy hơn nữa nhằm khai thác những thế mạnh mỗi bên...
Nhận định về kết quả chuyến thăm chính thức đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đến Vương quốc Hà Lan, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết phía bạn đã đón tiếp Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Kim Ngân rất trọng thị, nồng ấm, bố trí những nhà lãnh đạo cao nhất của Hà Lan đón tiếp và làm việc.
Nhân chuyến thăm chính thức, Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan và phía bạn tổ chức lễ kỷ niệm 45 năm quan hệ chính thức Việt Nam – Hà Lan. Tại hội đàm, các vị Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện Hà Lan nhiều lần nhấn mạnh dù thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973 nhưng hai nước có mối quan hệ rất sớm.
Từ năm 1601 các thương nhân Hà Lan đã đến làm ăn ở Việt Nam. Từ đó, mối quan hệ hợp tác phát triển theo thời gian: Năm 2010, Việt Nam và Hà Lan thành quan hệ Đối tác chiến lược về Thích ứng với biến đổi khí hậu và Quản lý nước; năm 2014, thành Đối tác chiến lược về Nông nghiệp bền vững và An ninh lương thực. Hai chiến lược này đã triển khai rất thành công tại Việt Nam. Cùng các chiến lược này là nhiều dự án nhỏ như: phát triển đồng bằng sông Cửu Long, các dự án thành phần như: hệ thống cảnh báo sớm, thay đổi cơ cấu cây trồng...
Bên cạnh đó, quan hệ kinh tế hai nước phát triển, quan hệ thương mại hai chiều năm ngoái đạt 7,7 tỷ USD, hầu hết các tập đoàn lớn của Hà Lan đều có mặt tại Việt Nam. Các công ty đều đánh giá hài lòng, mong muốn phát triển làm ăn lâu dài. Đến nay, Hà Lan là một trong những quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với 305 dự án, số vốn đăng ký khoảng 8,2 tỷ USD, đứng thứ 11 trong số 126 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Có thể nói kết quả, thành tựu, thành công của Hà Lan tại Việt Nam đã tạo ra sức lan tỏa cho các nước khu vực Bắc Âu.
Trong quan hệ song phương thời gian tới, lãnh đạo Hà Lan cũng đề nghị Việt Nam đẩy mạnh quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục, du lịch...
Trong các cuộc tiếp xúc, các nhà lãnh đạo Hà Lan bày tỏ quan tâm đến vấn đề Biển Đông; cho rằng tự do hàng hải và tự do hàng không rất quan trọng, mọi việc xảy ra ở Biển Đông phải tuân thủ pháp luật, giữ vững môi trường hòa bình. Phía Hà Lan rất quan tâm và bày tỏ ủng hộ lập trường của Việt Nam.
Trong chuyến thăm chính thức Vương quốc Hà Lan, Chủ tịch Quốc hội đã chào xã giao Hoàng hậu Hà Lan Máxima Zorreguieta Cerruti, người hiện là Đại sứ của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về phát triển tài chính toàn diện… Trong chuyến công tác tại Việt Nam năm 2017, Hoàng hậu Hà Lan đã đề xuất một số nội dung với Việt Nam, trong đó có khuyến nghị chiến lược phát triển, khuyến nghị Việt Nam thành lập một Ủy ban điều phối chung...
Chủ tịch Quốc hội đã tiếp lãnh đạo Phòng Thương mại Hà Lan -Việt Nam, trong đó đại diện Hà Lan đánh giá rất cao quan hệ thương mại, đầu tư hai nước. Chủ tịch Quốc hội cũng tiếp Phó Cao ủy Chương trình Đồng bằng Hà Lan, ông Hermen Borst (Héc-men Boót). Ông Nguyễn Văn Giàu cho rằng Việt Nam nên học tập, nghiên cứu kinh nghiệm của Hà Lan trong lĩnh vực này. Hiện Hà Lan có Luật Đồng bằng, có ủy viên đồng bằng, hàng năm chính phủ bố trí ngân sách rất lớn cho cơ quan này khoảng 2 tỷ USD, hoạt động rất hiệu quả.
Trong chuyến thăm, đoàn Việt Nam cũng đã đến thăm Viện Deltares, nơi tập trung đội ngũ khoa học giỏi nhất Hà Lan để nghiên cứu các mô hình, triển khai các công việc liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu… Những nghiên cứu khoa học ở đây được ứng dụng rất thiết thực trong đời sống...
Ông Nguyễn Văn Giàu đánh giá chuyến công tác lần này của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã thành công tốt đẹp. Mục tiêu của chúng ta là khẳng định cam kết chủ động tích cực tham gia các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương của Việt Nam; tiếp tục phát huy vai trò và vị thế của Quốc hội nước ta tại diễn đàn IPU, qua đó góp phần thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao chung của Nhà nước vì lợi ích quốc gia, hài hòa với lợi ích khu vực.
Qua chuyến thăm chính thức Vương quốc Hà Lan, chúng ta làm sâu sắc thêm mối quan hệ hai nước, đặc biệt là triển khai mạnh mẽ thêm hai nội dung đối tác chiến lược cũng như tiếp tục củng cố, tăng cường quan hệ quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với Hà Lan.
Ông bày tỏ tin tưởng thời gian tới hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ song phương lên tầm cao mới. Chuyến thăm cũng là dấu mốc mới trong việc tăng cường và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Hà Lan, đóng góp vào sự phát triển quan hệ hai nước, cũng như đóng góp vào môi trường hòa bình, phát triển của khu vực và thế giới.