Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN |
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiệt liệt chúc mừng bà Victoria Kwakwa vừa được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương; cảm ơn Ngân hàng Thế giới luôn đồng hành, là đối tác tin cậy và dành những hỗ trợ quý báu cho Việt Nam; mong rằng ở cương vị mới, bà Victoria Kwakwa tiếp tục hỗ trợ hơn nữa cho các nước thành viên trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam luôn coi Ngân hàng Thế giới là đối tác quan trọng hàng đầu về hỗ trợ phát triển, cả về tài chính và kỹ thuật. Những năm qua, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo việc sử dụng hiệu quả nguồn tài chính do Ngân hàng Thế giới cung cấp để phục vụ sự phát triển kinh tế-xã hội. Sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới đã góp phần giúp Việt nam đạt được những thành quả đáng ghi nhận như hiện nay, đặc biệt về xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn 2011 - 2015.
Chia sẻ với bà Victoria Kwakwa về những khó khăn, thách thức của Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế-xã hội, đòi hỏi nguồn lực lớn về con người và tài chính để thực hiện các mục tiêu đã đề ra, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Ngân hàng Thế giới tiếp tục phát huy vai trò điều phối, kêu gọi thêm những nguồn vốn hỗ trợ để Việt Nam giải quyết hiệu quả những thách thức, nhất là ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng tái tạo, phát triển y tế, giáo dục. Chủ tịch nước cũng đề nghị bà Victoria Kwakwa ủng hộ Việt Nam được hưởng các nguồn lực ưu đãi thông qua Ngân hàng Thế giới, đặc biệt là tiếp tục được tiếp cận nguồn vốn IDA (Hiệp hội Phát triển quốc tế) trong thời gian tới.
Bà Victoria Kwakwa trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã dành thời gian tiếp; khẳng định cá nhân bà luôn trân trọng mối quan hệ hợp tác giữa Ngân hàng Thế giới và Việt Nam. Bà Victoria Kwakwa cho rằng, mối quan hệ hợp tác giữa Ngân hàng Thế giới và Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua là rất hiệu quả, mang lại lợi ích cho sự phát triển của Việt Nam và Ngân hàng Thế giới cũng được hưởng lợi từ công tác tư vấn chính sách. Thông qua thành công của Việt Nam, Ngân hàng Thế giới đã chứng minh được sự hỗ trợ, tư vấn hiệu quả; Việt Nam là hình mẫu được Ngân hàng Thế giới làm ví dụ của mô hình thành công.
Bà Victoria Kwakwa đề nghị, Việt Nam đã có kế hoạch phát triển trong giai đoạn tiếp theo, Ngân hàng Thế giới cũng đang xây dựng chiến lược hợp tác ở cấp quốc gia để hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn phát triển 5 năm tới, Ngân hàng Thế giới mong có sự hợp tác với các cơ quan của Việt Nam để xây dựng chiến lược phản ánh được những ưu tiên phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tới, phù hợp với ưu tiên có trọng tâm, trọng điểm của Việt Nam, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay. Ngân hàng Thế giới và các cơ quan của chính phủ Việt Nam đã phối hợp thực hiện báo cáo “Việt Nam 2035” được công bố hồi đầu năm nay, mong muốn được hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện các khuyến nghị nêu trong báo cáo, đảm bảo phù hợp với những ưu tiên mang tính chiến lược của Việt Nam.
Bà Victoria Kwakwa đánh giá cao sự phối hợp hiệu quả với Văn phòng Chủ tịch nước, mong muốn có sự ủy quyền trong đàm phán các phương án ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp các giải pháp thiết thực vào việc khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn. Bà Victoria Kwakwa nhấn mạnh, Ngân hàng Thế giới coi trọng việc hợp tác với Việt Nam và tới đây sẽ đệ trình một số dự án về cải cách giáo dục phổ thông, dự án quản trị đất đai, cải cách chính sách gắn với ứng phó biến đổi khí hậu. Bà Victoria Kwakwa đề nghị Chủ tịch nước Trần Đại Quang chỉ đạo các bộ, ngành quan tâm phối hợp để xây dựng chiến lược hợp tác và triển khai hiệu quả các dự án này.
Đồng tình với những đề xuất của bà Victoria Kwakwa, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, các bộ, ngành của Việt Nam và Ngân hàng Thế giới cần phối hợp xây dựng chiến lược dài hạn để chủ động triển khai, sử dụng hiệu quả nguồn vốn do Ngân hàng Thế giới cung cấp. Nhà nước Việt Nam sẽ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu những đề xuất của Ngân hàng Thế giới để có thể sớm ký kết các chương trình hợp tác, sớm có nguồn vốn để giải quyết các vấn đề cấp thiết. Cùng với việc xây dựng chiến lược dài hạn, hai bên cũng cần tập trung giải quyết những khó khăn trước mắt. Một trong những ưu tiên hiện nay của Việt Nam là phát triển hạ tầng cơ sở ở các vùng miền, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi; có các giải pháp ứng phó ngay và hiệu quả những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định sẽ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tích cực hoàn tất đàm phán để bảo đảm việc phê duyệt của Ngân hàng Thế giới vào cuối tháng 6/2016 đối với các dự án: Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, Dự án Hỗ trợ chương trình biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh lần thứ nhất, tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai… Ngoài các dự án cụ thể, Chủ tịch nước cũng đề nghị Ngân hàng Thế giới tiếp tục hợp tác, xây dựng các dự án nhằm thiết thực hỗ trợ Việt Nam trong phát triển, khắc phục hiệu quả những tác đồng từ các thách thức mới đang đặt ra; đồng thời khẳng định Việt Nam đã và đang tiến hành cải cách hành chính, đổi mới mô hình kinh tế, sử dụng hiệu quả nguồn vốn cho sự phát triển bền vững.