Chủ tịch Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC 2025 Hyun Sang Cho đón Chủ tịch nước Lương Cường dự Phiên khai mạc Kỳ họp lần thứ 3 Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC III). Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Kỳ họp ABAC III diễn ra từ ngày 15 - 18/7 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ABAC Việt Nam phối hợp với UBND thành phố Hải Phòng với sự tham gia của khoảng 200 đại biểu quốc tế và Việt Nam, bao gồm các thành viên ABAC là lãnh đạo Tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu, các tổ chức xúc tiến thương mại và đầu tư từ 21 nền kinh tế APEC, trợ lý và khách mời quốc tế. Chủ đề xuyên suốt của ABAC năm 2025 là "Cầu nối - Doanh nghiệp - Vươn xa" - một thông điệp vừa mang tính kết nối, vừa thể hiện khát vọng hợp tác vượt qua thách thức để cùng phát triển bền vững.
ABAC là cơ chế đại diện chính thức của khu vực doanh nghiệp trong khuôn khổ APEC. Thông qua các cuộc đối thoại với các Bộ trưởng và Lãnh đạo APEC, ABAC đảm bảo tiếng nói của doanh nghiệp được lắng nghe. ABAC là diễn đàn quan trọng giúp doanh nghiệp tham gia sâu vào tiến trình hội nhập kinh tế khu vực. Nhờ đó, ABAC góp phần xây dựng một cộng đồng kinh tế châu Á - Thái Bình Dương phát triển bền vững và thịnh vượng.
Chủ tịch nước Lương Cường và các đại biểu chụp ảnh chung tại Phiên khai mạc Kỳ họp lần thứ 3 Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC III). Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
ABAC III là một trong bốn kỳ họp chính thức hằng năm của Hội đồng, được tổ chức luân phiên tại các thành phố lớn thuộc 21 nền kinh tế thành viên APEC. Đây không chỉ là nơi thảo luận chính sách cấp cao, mà còn là nền tảng để cộng đồng doanh nghiệp cùng nhau thảo luận, xây dựng các khuyến nghị có giá trị thực tiễn, trình lên các nhà lãnh đạo cấp cao APEC trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC vào cuối năm. Đây là một trong những kỳ họp quan trọng nhằm thống nhất nội dung thư của ABAC gửi các Bộ trưởng APEC: Bộ Kinh tế, SME, Y tế, Bộ phụ trách chuyển đổi số; hoàn thiện báo cáo ABAC về khuyến nghị chính sách từ cộng đồng doanh nghiệp trình lên lãnh đạo Kinh tế APEC tại Tuần lễ Cấp cao tháng 10/2025 tại Hàn Quốc. Lễ khai mạc và các phiên họp của ABAC III tập trung vào các chủ đề chiến lược như: Thương mại - đầu tư, kinh tế số, chuyển đổi xanh, tài chính bền vững, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, chuỗi cung ứng, trí tuệ nhân tạo, y tế thông minh….
Chủ tịch nước Lương Cường dự Phiên khai mạc Kỳ họp lần thứ 3 Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC III). Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Việt Nam đăng cai tổ chức Kỳ họp là cơ hội để khẳng định vai trò tích cực trong tiến trình hội nhập kinh tế khu vực, đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ với các nguyên tắc thương mại tự do, phát triển bao trùm và bền vững - những giá trị cốt lõi mà APEC và ABAC cùng theo đuổi. Bên cạnh đó, Kỳ họp cũng là cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế; qua đó nâng cao vị thế quốc gia, hỗ trợ chiến lược ngoại giao kinh tế, thúc đẩy du lịch và thu hút đầu tư chất lượng cao trong dài hạn.
Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu tại Phiên khai mạc Kỳ họp lần thứ 3 Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC III). Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch nước chỉ rõ trên suốt chặng đường 36 năm hình thành và phát triển, APEC đã khẳng định vai trò là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu của khu vực, là đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập, bảo đảm hòa bình, ổn định, kết nối và thịnh vượng cho khu vực.
Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những chuyển biến địa chính trị sâu sắc, chứng kiến sự phục hồi kinh tế hậu đại dịch với nhiều rủi ro tiềm ẩn, các thách thức mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết cực đoan, sự thay đổi về chính sách thương mại và gián đoạn chuỗi cung ứng, Chủ tịch nước cho rằng hợp tác đa phương và đối thoại công - tư càng trở nên quan trọng và cần phải được đẩy lên một tầm cao mới.
Chủ tịch nước đánh giá, với vai trò là cơ chế đại diện chính thức của cộng đồng doanh nghiệp trong APEC, giữ vai trò cầu nối then chốt giữa khu vực tư nhân và các nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC, ABAC không chỉ đề xuất các chính sách thuận lợi cho kinh tế mà còn trực tiếp tham gia kiến tạo các giải pháp thiết thực để củng cố chuỗi giá trị, thúc đẩy đầu tư, khơi thông dòng chảy thương mại và khuyến khích đổi mới sáng tạo; đồng thời tin tưởng rằng những sáng kiến từ ABAC sẽ tiếp tục là động lực cho sự phát triển bền vững của khu vực.
Chủ tịch nước hoan nghênh việc ABAC đã lựa chọn các chủ đề thảo luận trong kỳ họp lần này xoay quanh các lĩnh vực cốt lõi như: thương mại tự do và đầu tư bền vững; chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo; tài chính xanh và phát triển bền vững; an ninh y tế và đổi mới trong lĩnh vực công nghệ sinh học; nhấn mạnh đây đều là những ưu tiên lớn của Việt Nam trong chiến lược phát triển quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045.
Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu tại Phiên khai mạc Kỳ họp lần thứ 3 Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC III). Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Chủ tịch nước khẳng định, để thực hiện những ưu tiên đó, Việt Nam đang thúc đẩy cải cách mạnh mẽ thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đồng thời xây dựng môi trường đầu tư - kinh doanh minh bạch, cạnh tranh và ổn định. Trong những năm qua, Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư quốc tế, không chỉ nhờ quy mô thị trường hơn 100 triệu dân, mà còn nhờ khả năng tiếp cận thị trường rộng lớn thông qua mạng lưới các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, RCEP, EVFTA.
"Việt Nam luôn coi trọng hợp tác với APEC và tích cực đóng góp vào nỗ lực chung nhằm hiện thực hóa Tầm nhìn APEC 2040 về một cộng đồng Châu Á - Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình, vì thịnh vượng của tất cả người dân và thế hệ tương lai. Điều này được thể hiện rõ qua những nỗ lực của Việt Nam kể từ khi gia nhập APEC năm 1998, và tự hào đã tổ chức thành công Năm APEC 2006 và 2017. Việt Nam đặc biệt quan tâm thúc đẩy và tạo điều kiện cho hợp tác thương mại và đầu tư trong khu vực", Chủ tịch nước nêu rõ.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, với vai trò trung tâm trong mạng lưới liên kết kinh tế khu vực và các hiệp định thương mại tự do đa phương, Việt Nam mang đến cho các nhà đầu tư lợi thế tiếp cận đa dạng thị trường và chuỗi cung ứng toàn khu vực. Vì thế, đầu tư vào Việt Nam không chỉ là đầu tư vào một nền kinh tế năng động, ổn định và đang phát triển nhanh chóng, mà còn là bước đi chiến lược để kết nối với các đối tác lớn và tiềm năng trên thế giới, cũng như các khu vực tự do thương mại khác.
Các đại biểu dự Phiên khai mạc Kỳ họp lần thứ 3 Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC III). Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Chia sẻ về những kết quả ấn tượng trong tăng trưởng kinh tế năm 2024, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa lần đầu tiên vượt ngưỡng 390 tỷ USD, Chủ tịch nước cho biết trong năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số cho những năm tiếp theo. Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng nhanh, nhưng phải bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm phát triển cân đối, hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, đồng thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái công nghệ, thúc đẩy các trung tâm nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn, AI và kinh tế số.
Với việc xác định doanh nghiệp có vai trò là một lực lượng tiên phong trong quá trình hiện đại hóa quốc gia, Chủ tịch nước lưu ý Việt Nam đã ban hành các quyết định rất quan trọng, nhằm hỗ trợ phát triển khu vực doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa; đó là các cơ chế hỗ trợ toàn diện từ tiếp cận vốn, đào tạo nhân lực, chuyển đổi số, đến hỗ trợ đổi mới công nghệ, khuyến khích đầu tư vào các ngành nghề ưu tiên. Đây là bước đi cụ thể thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc kiến tạo môi trường thuận lợi và đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, hiện nay Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đang triển khai đồng bộ các cơ chế hỗ trợ, như: Cơ chế thử nghiệm chính sách, các gói ưu đãi thuế cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, cải cách thủ tục hành chính, phát triển hạ tầng số và dữ liệu mở phục vụ doanh nghiệp... Cùng với đó, khuyến khích doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược như năng lượng tái tạo, kinh tế xanh, đô thị thông minh, nông nghiệp công nghệ cao; đồng thời chủ động thúc đẩy các đối thoại chính sách giữa Chính phủ và khu vực tư nhân để kịp thời điều chỉnh các quy định phù hợp với thực tiễn.
Chủ tịch nước Lương Cường và các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam đang hướng tới một tương lai phát triển toàn diện, tạo nền tảng cho các doanh nghiệp tăng tốc phát triển, với một số mục tiêu quan trọng trong các lĩnh vực hạ tầng, năng lượng, chuyển đổi số và công nghệ, kinh tế xanh và tuần hoàn, qua đó đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Đánh giá một khu vực APEC phát triển bền vững không thể thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, Chủ tịch nước kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp APEC hãy cùng nhau tăng cường hợp tác, liên kết chuỗi sản xuất, chia sẻ công nghệ, nâng cao khả năng thích ứng trước các cú sốc toàn cầu; đồng thời khuyến khích các tổ chức như ABAC, các doanh nghiệp lớn trong khu vực tích cực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (MSMEs), thông qua đào tạo, chuyển giao công nghệ và hợp tác thị trường để họ có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp vào sự phát triển bao trùm và bền vững của khu vực.
Chủ tịch nước Lương Cường và các đại biểu bên lề kỳ họp. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Chủ tịch nước khẳng định trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến hợp tác APEC theo hướng lấy con người làm trung tâm, lấy doanh nghiệp làm động lực và lấy phát triển bền vững làm mục tiêu; đồng thời cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng ABAC trong việc xây dựng các khuyến nghị chính sách thiết thực, phản ánh đúng kỳ vọng và nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp.
Chủ tịch nước tin tưởng rằng Kỳ họp ABAC III tại Hải Phòng sẽ là diễn đàn kết nối trí tuệ, chia sẻ tầm nhìn và khơi nguồn những ý tưởng đổi mới; những khuyến nghị, sáng kiến được thai nghén, hình thành và phát triển tại ABAC III sẽ có giá trị quan trọng trong quá trình chuẩn bị cho Đối thoại giữa ABAC và các Nhà Lãnh đạo APEC vào tháng 10 tới tại Hàn Quốc.
Chủ tịch nước Lương Cường và các đại biểu tham quan các gian trưng bày đặc sản của Hải Phòng bên lề Kỳ họp. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Sau phát biểu khai mạc ABAC III, Chủ tịch nước Lương Cường và các đại biểu đã tham quan các gian hàng triển lãm giới thiệu về đặc sản địa phương, văn hóa và tiềm năng kinh tế của Hải Phòng tại nơi diễn ra kỳ họp.