Chủ động ứng phó với bão số 3 theo phương châm 'bốn tại chỗ'

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình vừa phát đi công điện số 3 về tăng cường các biện pháp ứng phó với bão số 3 - bão YAGI.

Chú thích ảnh
Bản đồ đường đi của bão số 3 (sáng 4/9/2024). Ảnh: TTXVN phát

Công điện yêu cầu, thủ trưởng sở, ban, ngành, đoàn thể, thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ. 

UBND các huyện, thành phố thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến của bão và tình hình mưa lũ, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa để chủ động biện pháp phòng tránh, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản. Đồng thời tổ chức kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế phương án hộ đê, phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu, đặc biệt là vị trí xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục, công trình đang thi công dở dang theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, khơi thông hệ thống thoát nước trong khu đô thị, khu dân cư và vùng sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là công trình đang thi công ảnh hưởng đến tiêu thoát nước; sẵn sàng phương án tiêu úng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp. Cùng với đó rà soát, triển khai biện pháp bảo đảm an toàn đối với hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản trên biển, cửa sông, ven bờ; kiểm đếm, chủ động thông tin, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết, không đi vào hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn, có biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền tại khu neo đậu.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chủ động bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán dân, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, tổ chức cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả khi có tình huống thiên tai.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác Công trình thủy lợi tỉnh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, triển khai biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, công trình thi công dở dang, rà soát quy trình vận hành đảm bảo chủ động khi có sự cố xảy ra. Đặc biệt hướng dẫn các địa phương triển khai biện pháp đảm bảo an toàn cho lúa và hoa màu.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác Công trình thủy lợi tỉnh rà soát, vận hành hồ chứa nước theo quy trình vận hành được phê duyệt; điều chỉnh mực nước hồ để chủ động đón lũ, bảo đảm tuyệt đối an toàn công trình và cho vùng hạ du.

Riêng huyện Kim Sơn, địa phương duy nhất của tỉnh có biển, phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các đơn vị có liên quan theo dõi sát diễn biến cơn bão, chủ động thông báo cấm biển và tổ chức di dân đảm bảo an toàn cho người, tài sản. Huyện kiên quyết sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp...

* Ngày 4/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình có công văn yêu cầu các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai giải pháp chủ động ứng phó với diễn biến của bão số 3.

Các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ, cảnh báo diễn biến của bão, kịp thời chỉ đạo, triển khai ứng phó với phương châm “bốn tại chỗ”; tuyệt đối không chủ quan, lơ là nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại tài sản người dân; sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn và xử lý kịp thời tình huống có thể xảy ra.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình, UBND các huyện, thành phố, thị xã ven biển tập trung rà soát, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, quản lý chặt chẽ phương tiện ra khơi, bằng mọi biện pháp thông báo cho chủ phương tiện, thuyền trưởng tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để không đi vào hoặc thoát ra khu vực nguy hiểm.

Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, triển khai công tác đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại nơi tránh trú, không để tàu thuyền hư hỏng do va chạm khi neo đậu; chủ động thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản vùng ven biển, cửa sông; sẵn sàng phương án gia cố nhà ở, công trình công cộng khu vực chịu ảnh hưởng của bão.

Theo bản tin của Đài Khí tượng thủy văn Quảng Bình, đến 13 giờ ngày 4/9, vị trí tâm bão số 3 (YAGI) ở vào khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc - 117,4 độ Kinh Đông cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 730 km về phía Đông cường độ cấp 10 - 11 giật cấp 13. Dự báo, từ chiều 4 - 6/9, bão số 3 có thể đạt cấp bão rất mạnh trên vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, gió mạnh có thể lên tới cấp 14, giật cấp 17 ở vùng gần tâm bão.

Đức Phương - Tá Chuyên (TTXVN)
Những việc cần làm trước, trong và sau bão
Những việc cần làm trước, trong và sau bão

Dự báo mới nhất cho thấy, bão số 3 (bão Yagi) là một trong những cơn bão mạnh nhất năm 2024 hoạt động trên Biển Đông, có khả năng sẽ đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh Bắc Bộ với cường độ rất mạnh. Trước mức độ nguy hiểm của bão, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã đưa ra một số khuyến cáo an toàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN