Chủ động ứng phó với bão, lũ

Khẩn trương ứng phó với bão số 5

Chiều 29/9, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có cuộc họp khẩn để bàn các biện pháp đối phó với cơn bão số 5 và tình hình lũ ở đồng bằng sông Cửu Long.

Các tàu du lịch đã di chuyển về điểm trú, tránh bão ở Nhà máy đóng tàu Hạ Long, phường Giếng Đáy, TP Hạ Long, Quảng Ninh.


Chủ trì cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn thành lập 3 đoàn đi các tỉnh, thành Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định kiểm tra, đôn đốc công tác đối phó với bão số 5 và 1 đoàn đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác đối phó với lũ khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Các tỉnh, thành phố cần căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương để quyết định việc cho học sinh nghỉ học và sơ tán dân sinh sống ở những ngôi nhà không chịu được gió bão, vùng trũng, khu vực có nguy cơ ngập nước dâng do bão đến nơi an toàn. Việc sơ tán dân phải hoàn thành trước 9 giờ ngày 30/9.

Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng cho biết: Đến 10 giờ ngày 29/9, đã thông báo kêu gọi được 39.706 tàu, thuyền với 179.398 người và đưa 3.006 lồng bè, lều chòi nuôi trồng thủy sản với 5.694 lao động vào khu neo đậu an toàn.

Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đã tích cực chỉ đạo việc thu hoạch lúa hè thu, lúa mùa. Tỉnh Thanh Hóa cho học sinh THPT trên địa bàn nghỉ học 2 ngày để giúp gia đình thu hoạch lúa.

Để chủ động ứng phó với cơn bão số 5 đang di chuyển nhanh về phía bờ biển nước ta, ngày 29/9, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có công điện khẩn nêu rõ: Bão số 5 đang tiếp tục di chuyển nhanh về phía bờ biển nước ta, khoảng trưa, chiều 30/9 vùng tâm bão sẽ đổ bộ vào đất liền khu vực các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình với sức gió mạnh cấp 10, giật cấp 11, cấp 12; bão có thể gây gió mạnh, nước biển dâng cao, mưa to đến rất to tại các tỉnh Bắc bộ.

Trước những diễn biến của bão, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc Công điện số 1738/CĐ-TTg ngày 28/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ và triển khai ngay một số việc sau: UBND các tỉnh, thành phố ven biển quyết định việc cấm biển ngay trong chiều 29/9, tiếp tục rà soát tàu thuyền hoạt động trên biển (bao gồm cả tàu đánh bắt thủy sản, tàu vận tải và tàu thuyền du lịch), bằng mọi biện pháp kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú, tổ chức neo đậu hoặc kéo lên bờ để đảm bảo an toàn (hạn chế thiệt hại nơi neo đậu), không để người ở lại trên thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản; cho học sinh nghỉ học khi bão đổ bộ vào, chủ động sơ tán dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương cần chỉ đạo chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, trụ sở cơ quan, cắt tỉa cành cây, hạn chế thiệt hại, tai nạn do cây đổ; chủ động tiêu nước đệm, triển khai các phương án chống ngập úng bảo vệ lúa, hoa màu, chống ngập úng các thành phố đề phòng mưa lớn; kiểm tra, rà soát các khu vực các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, chủ động vận hành đảm bảo an toàn, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du; rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra ra sạt lở, lũ quét, chủ động di dời dân để đảm bảo an toàn, khu vực chưa tổ chức di dời được phải sẵn sàng phương án sơ tán bảo đảm an toàn cho người và tài sản; tổ chức lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại bến đò ngang, các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; hướng dẫn nhân dân dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” để chủ động đối phó với tình huống mưa, lũ lớn, bị chia cắt… (Xem toàn văn Công điện).


Triển khai ngay giải pháp ứng phó với lũ lụt ở ĐBSCL


Để ứng phó với tình hình lũ lụt đang xảy ra nghiêm trọng tại ĐBSCL, cũng trong ngày 29/9, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện khẩn nêu rõ: Lũ đầu nguồn sông Cửu Long đang ở mức rất cao và còn tiếp tục lên; trong một vài ngày tới, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu có thể đạt đỉnh ở mức xấp xỉ đỉnh lũ năm 2000 và duy trì trong thời gian dài.

Ngày 29/9, hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) tham gia gia cố đê bao cho 2.600 ha lúa của xã Thường Thới Tiền. Tuyến đê bao dài 12 km này đang bị đe dọa nghiêm trọng do lũ.


Trước tình hình lũ lụt trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố triển khai ngay một số việc sau: Rà soát các khu dân cư, trường học ven sông, ven kênh rạch, các khu vực ngập sâu để chủ động sơ tán, di dời dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập sâu, đảm bảo an toàn tính mạng; huy động lực lượng tranh thủ thu hoạch các trà lúa đã chín theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để hạn chế thiệt hại; chủ động cho học sinh tại các vùng ngập sâu nghỉ học, tổ chức các điểm trông giữ trẻ tập trung và có phương án đảm bảo an toàn; kiểm tra các tuyến bờ bao, đê bao; chủ động tạm ứng ngân sách, huy động lực lượng, phương tiện, vật tư để tập trung bảo vệ các tuyến trọng điểm; sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho dân cư trong trường hợp các tuyến bờ bao, đê bao bị tràn, vỡ; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn người, phương tiện đi lại qua các khu vực bị ngập sâu, khu vực nước chảy xiết để đảm bảo an toàn… (Xem toàn văn Công điện).

* Tại Tiền Giang, để chủ động phòng chống lũ lụt sông Cửu Long tràn về, nhân dân huyện Tân Phước đã góp gần nửa tỉ đồng lắp đặt 1 trạm bơm điện mới và dành chi phí bơm tát chống úng bảo vệ hàng ngàn ha tại vùng dứa chuyên canh Thạnh Mỹ (Tân Phước) trên Đồng Tháp Mười. Bình quân mỗi ha, các hộ nông dân góp từ 300.000 đồng đến 1 triệu đồng.

* Tại Hậu Giang, các trận mưa lớn liên tục trong những ngày qua kết hợp với lũ trên thượng nguồn đổ về đã làm sạt lở hàng chục con đập và tuyến đê bao chống lũ ở huyện Châu Thành và thị xã Ngã Bảy, làm ngập hàng trăm ha vườn cây ăn trái, hoa màu và hàng ngàn ha lúa vụ 3 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Trước tình hình mưa lũ và triều cường đang diễn biến hết sức phức tạp, tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo chính quyền địa phương và bà con nhân dân nhanh chóng thuê mướn các phương tiện như xáng cạp hoặc xe cuốc để khắc phục ngay các con đập và tuyến đê bị vỡ; tranh thủ các phương tiện, vật tư và nhân công tại chỗ để gia cố những nơi có nguy cơ sạt lở.

*Tại An Giang, nhiều ngày qua, lũ lên nhanh với cường suất mạnh, vượt đỉnh lũ cao nhất trong hơn 10 năm gần đây (năm 2000) là 2,63 m, gây thiệt hại nghiêm trọng làm ba người chết, trong đó có 1 trẻ em.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang, hiện toàn tỉnh có 2.032 căn nhà bị ngập, 627 căn xiêu vẹo, đã di dời 124 hộ, còn 255 hộ đang tiếp tục di dời, tập trung ở các huyện An Phú, Tân Châu, Phú Tân, Chợ Mới, Long Xuyên. Lũ còn làm sạt lở 12.557 m2 đất bờ sông, ngập 2.800 ha lúa và hoa màu; nước lũ gây ngập ba ao cá, làm thiệt hại 10 tấn cá thịt và 1,8 triệu con cá giống.

Bộ tư lệnh Quân khu 9, lực lượng Công an, Quân sự tỉnh… đã tăng viện cho các địa phương, nâng tổng số nhân lực tham gia bảo vệ và cứu hộ đê, ứng trực lên hơn 14.000 người. Ngoài ra, tỉnh An Giang cũng đưa vào hoạt động 32 điểm giữ trẻ mùa lũ với 1.380 cháu nhỏ tại huyện An Phú, Châu Đốc, Châu Thành; thành lập, trang bị đầy đủ áo phao, phao cứu sinh cho 502 chốt, điểm cứu hộ cứu nạn trên các tuyến sông, kinh, rạch.

TTN

 

Công điện khẩn của Thủ tướng Chính phủ ứng phó với bão số 5
Công điện khẩn của Thủ tướng Chính phủ ứng phó với bão số 5

Để chủ động ứng phó với cơn bão số 5 đang di chuyển nhanh về phía bờ biển nước ta, ngày 29/9, Thủ tướng Chính Phủ tiếp tục có công điện khẩn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các Bộ, Ban nghành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN