Chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lũ và không khí lạnh

Nước ta đang phải ứng phó với 3 hình thái thời tiết (áp thấp nhiệt đới, mưa lớn và không khí lạnh), do vậy, các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của các hình thái này cần chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, để ứng phó kịp thời với những tình huống xấu có thể xảy ra.

Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

"Tránh tư tưởng chủ quan, đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục, khẩn trương thực hiện hoàn tất các công việc theo chỉ đạo tại Công điện số 1786 của Thủ tướng Chính phủ và văn bản số 173 ngày 18/11 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, trong đó các đài phát thanh, truyền hình của Trung ương, địa phương, đặc biệt là đài phát thanh, truyền thanh phường, xã tăng cường thời lượng đưa tin về diễn biến của áp thấp nhiệt đới và hướng dẫn các kỹ năng cần thiết để người dân chủ động ứng phó".  Đó là chỉ đạo của ông Trần Quang Hoài, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lũ và không khí lạnh sáng 19/11, tại Hà Nội.

Theo ông Trần Quang Hoài, hiện nước ta đang phải ứng phó với 3 hình thái (áp thấp nhiệt đới, mưa lớn và không khí lạnh ở các tỉnh miền núi phía Bắc). Do vậy các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của các hình thái này cần chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động ứng phó kịp thời với những tình huống xấu có thể xảy ra. Các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thời lượng đưa tin, phát sóng về diễn biến ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, mưa lũ và không khí lạnh ở các tỉnh miền núi phía Bắc.  

"Không để người dân hiếu kỳ, chủ quan nhất là đối với người nước ngoài, khách du lịch đi lại, xem áp thấp nhiệt đới đổ bộ để tránh tai nạn do cây đổ, điện giật, tôn bay… Các địa phương cần quản lý chặt chẽ, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại bến để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, bao gồm cả tàu thuyền vận tải, tàu vãng lai nhất là khu vực neo đậu quanh các đảo, vùng cửa sông ven biển. Tiếp tục sơ tán người dân trên các phương tiện, tàu thuyền, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản lên bờ trú tránh đảm bảo an toàn; chủ động sơ tán, di dời dân ở vùng thấp trũng cửa sông, ven biển, vùng có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, sạt lở đất đến nơi an toàn", ông Trần Quang Hoài nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, sẵn sàng biện pháp bảo đảm giao thông trên các tuyến giao thông, chủ động bố trí lực lượng, vật tư, thiết bị tại các khu vực trọng điểm xảy ra sự cố. Tăng cường lực lượng theo dõi, sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn công trình và hạ du, nhất là đối với các hồ chứa xung yếu và tình huống xả lũ khẩn cấp. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra. Tổ chức trực ban nghiêm túc, kịp thời báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và  Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, tính đến 6 giờ  ngày 19/11, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 62.512 tàu với 307.064 lao động biết vị trí, diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động di chuyển và thoát khỏi vùng nguy hiểm. Hiện neo đậu tại các bến có 54.957 tàu với 261.281 lao động, hoạt động ở khu vực biển khác có 7.555 tàu với  45.783 lao động. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 15 tàu với 108 lao động chưa liên lạc được, trong đó (Quảng Ngãi có 2 tàu với 17 lao động; Cà Mau 13 tàu với 91 lao động). Tại Bình Thuận lúc 23 giờ ngày 18/11 đã có 109 tàu với 660 lao động vào bờ.

Theo yêu cầu của các Ban Chỉ huy Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, hồ chứa thủy điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ thực hiện hạ thấp mực nước hồ để tạo thêm dung tích đón lũ, gồm các thủy điện: Vĩnh Sơn B: 29 m3/s; Vĩnh Sơn C: 10 m3/s; An Khê: 10 m3/s; Ka Nak: 30 m3/s; Đak Mi 4a: 262 m3/s;  Đakđrinh: 17 m3/s; Sông Giang 2: 20 m3/s; Ea Krong Rou: 20 m3/s.

Vụ An toàn đập, Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, khu vực Nam Trung Bộ có 501 hồ, trong đó có 57 hồ chứa xung yếu (16 hồ lớn, 41 hồ nhỏ). Các hồ đặc biệt cần quan tâm, khi có mưa lớn gồm: Hồ Buôn La Bách, Hóc Răm (Phú Yên); Đập Làng, Ông Thơ (Quảng Ngãi); Kim Sơn, Thạch Bàn (Bình Định); Sông Biêu (Ninh Thuận); Trà Tân, Sông Quao (Bình Thuận). Khu vực Đông Nam Bộ có 113 hồ, trong đó có 4 hồ chứa xung yếu (Bình Phước 2 hồ, Đồng Nai 2 hồ)...

Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ và  văn bản  số 173 ngày 18/11 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, tính đến 6 giờ ngày 19/11 có 4 tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu đã cấm biển trước 12 giờ ngày 18/11; sơ tán 9.159 hộ/ 34.693 người (Khánh Hòa 4.496 hộ/16.250 người, Ninh Thuận 4.663 hộ/18.443 người), tỉnh Bình Thuận đã lên phương án sơ tán dân.

Bình Thuận chủ động phương án điều tiết nước tại các hồ chứa

Sáng 19/11, tỉnh Bình Thuận đã có công văn hỏa tốc chỉ đạo các sở, ngành, địa phương về việc chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ sau áp thấp nhiệt đới.


Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Tổ trưởng Tổ Chỉ đạo an toàn hồ chứa ứng phó cơn bão số 14 triển khai theo dõi sát diễn biến thời tiết, thường xuyên trao đổi thông tin với các cơ quan chức năng liên quan, theo dõi lượng nước trong hồ để điều tiết nước theo kịch bản với nhiều tình huống có thể xảy ra, thông tin kịp thời đến người dân trước khi xả lũ để đảm bảo an toàn tính mạng nhân dân, giảm tối đa thiệt hại tài sản của nhân dân vùng hạ du công trình, không để bị động, bất ngờ; bảo đảm an toàn hồ, đập, kè, công trình thủy lợi.

Đài Khí tượng thủy văn tỉnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình áp thấp nhiệt đới và thời tiết, mưa, lũ trên địa bàn tỉnh, thông báo kịp thời cho chính quyền và đến mọi người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó. Duy trì tổ chức trực ban nghiêm túc theo quy định, theo dõi diễn biến của áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh tăng cường, các bản tin cảnh báo, dự báo và tình hình thiên tai khác để tham mưu chỉ đạo, ứng phó và xử lý kịp thời các hình huống, sự cố xảy ra; báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh) để chỉ đạo.

Hiện nay, tất cả các hồ chứa trên địa bàn đều đạt xấp xỉ mực nước dâng bình thường. Hiện có 12 hồ chứa đang tiến hành xả lũ điều tiết qua tràn và cống lấy nước để hạ thấp mực nước, đảm bảo an toàn cho công trình như: Phan Dũng, Lòng Sông, Sông Quao, Cà Giây, Sông Khán, Suối Đá, Cẩm Hang, Ba Bàu, Sông Phan, Sông Dinh 3, Trà Tân, Núi Đất. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi đã phân công trực 24/24h tại tất cả các hồ chứa, đầu mối công trình thủy lợi; phân công lực lượng ứng trực tại các điểm xung yếu.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình thuận, tính đến thời điểm đến 6 giờ ngày 19/11, trên địa bàn toàn tỉnh chưa xảy ra sự cố, thiên tai nào gây nguy hiểm. Thời tiết có nơi mưa nhỏ, gió nhẹ; các lực lượng xung kích vẫn trực sẵn sàng ở công sở, đơn vị phòng ngừa thiệt hại do mưa lũ sau áp thấp nhiệt đới gây ra.

Thắng Trung - Nguyễn Thanh (TTXVN)
Bão số 14 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, đi vào đất liền Khánh Hòa - Bình Thuận
Bão số 14 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, đi vào đất liền Khánh Hòa - Bình Thuận

Sáng sớm nay (19/11), khi đi vào vùng biển cách bờ biển các tỉnh từ Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận khoảng 200 km về phía Đông, bão số 14 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN