Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng lũ thượng nguồn kết hợp với kỳ triều cường, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên và đạt đỉnh từ ngày 10 - 13/10. Đỉnh lũ trên sông Tiền tại Tân Châu có khả năng lên mức 3,7m, trên báo động 1 là 0,2m; trên sông Hậu tại Châu Đốc có khả năng lên mức 3,3m, trên báo động 1 là 0,3m, tại các trạm hạ nguồn sông Cửu Long lên mức báo động 2 đến báo động 3, có nơi trên báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, ven sông, vùng ngoài đê bao, đề phòng tình trạng sạt lở bờ bao, đê bao yếu tại các vùng xảy ra ngập lụt.
Để chủ động ứng phó với lũ kết hợp triều cường và sạt lở, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ, triều cường, mực nước trên các khu vực cửa sông, kênh rạch; rà soát, xác định các khu vực bị ảnh hưởng ngập úng; kịp thời cập nhật và thông tin đầy đủ các bản tin dự báo, cảnh báo về tình hình lũ, triều cường để các cơ quan, đơn vị, nhân dân biết, chủ động phòng tránh.
Các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức kiểm tra, gia cố hệ thống đê bao, bờ bao, cống, bọng, chuẩn bị lực lượng, phương tiện bơm, tát để sẵn sàng triển khai ứng phó tại chỗ đảm bảo an toàn cho lúa, hoa màu, các khu vực trồng cây ăn trái, diện tích nuôi trồng thủy sản.
Các địa phương cắm biển báo, hướng dẫn giao thông tại các khu vực bị ngập, nhất là đoạn đường, tuyến phố khu dân cư thường xuyên bị ngập sâu và vị trí có nguy cơ sạt lở sau khi nước rút; bố trí lực lượng, phương tiện tại những khu vực trọng điểm về ngập úng để kịp thời tiêu thoát nước, sẵn sàng giải tỏa ách tắc giao thông, đồng thời tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai.