Chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ban hành Công điện số 7229/CĐ-BCT ngày 18 tháng 9 năm 2024 về việc chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.

Chú thích ảnh
Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Cửa Đại (Hội An) giúp ngư dân đưa phương tiện loại nhỏ đến nơi trú tránh an toàn. Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN

Công điện theo rõ, diễn biến của áp thấp nhiệt đới này còn phức tạp (dự báo có thể thay đổi cả về cấp độ gió, tốc độ di chuyển, hướng di chuyển), thực hiện Công điện số 97/CĐ-TTg ngày 17 tháng 9 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ, để chủ động ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, nhất là nguy cơ mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống có thể xảy ra.

Nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị trong ngành công thương tiếp tục chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình áp thấp nhiêt đới, kịp thời chỉ đạo, triển khai ứng phó với phương châm “bốn tại chỗ” theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao.

Theo đó, Bộ trưởng đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, đảm bảo an toàn với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản và hệ thống lưới điện thuộc địa bàn quản lý. Yêu cầu cơ sở khai thác khoáng sản trên địa bàn có biện pháp phòng chống sụt lở đất, ngập lụt tại các mỏ, rà soát kiểm tra hồ thải quặng đuôi các khai trường, hầm lò khai thác với độ sâu lớn.

Chỉ đạo cơ sở sản xuất công nghiệp, thương mại trên địa bàn quản lý, nhất là cơ sở tại khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất phải có phương án ứng phó đảm bảo an toàn cho người, công trình, máy móc, thiết bị. Ngoài ra, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, phương tiện, vật tư để chủ động triển khai ứng phó với tình huống khẩn cấp có thể xảy ra do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới.

Cùng đó, chỉ đạo các chủ đập thủy điện trên địa bàn thực hiện nghiêm quy trình vận hành hồ chứa đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, tăng cường kiểm tra vận hành đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy điện, nhất là các hồ đập xung yếu, thủy điện nhỏ hoặc đang thi công, sửa chữa, kịp thời phát hiện điểm có nguy cơ sạt lở để cắm biển cảnh báo. Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng tại địa phương thông tin kịp thời, bảo đảm an toàn cho người dân, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp. Khẩn trương rà soát khu vực có khả năng, nguy cơ bị chia cắt, cô lập do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới để kịp thời có phương án dự trữ hàng hóa cụ thể, đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, nhất là lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân.

Bộ trưởng yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chỉ đạo cho các tàu thuyền, công trình dầu khí trên biển, công trình dầu khí trên đất liền (thuộc phạm vi quản lý của Tập đoàn) trong vùng bị ảnh hưởng bởi áp thấp nhiệt đới triển khai khẩn trương phương án ứng phó đảm bảo an toàn cho người, tài sản và công trình; kịp thời xử lý các tình huống do áp thấp nhiệt đới gây ra. Đặc biệt, phối hợp với cơ quan liên quan khẩn trương triển khai biện pháp di dời người, tàu thuyền hoạt động trên biển trong phạm vi quản lý đến khu vực an toàn. 

Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các đơn vị điện lực tại các địa phương, các chủ đập thủy điện thuộc phạm vi quản lý tập trung sẵn sàng đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó với áp thấp nhiệt đới. Mặt khác, tăng cường kiểm tra, tự kiểm tra đối với các công trình lưới điện, hồ đập thủy điện nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, đặc biệt cho các phụ tải quan trọng; sẵn sàng mọi phương án để cung cấp điện trở lại sớm nhất đối với các khu vực bị sự cố do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới.

Ngoài việc chỉ đạo các đơn vị quản lý, vận hành công trình thủy điện thuộc phạm vi quản lý thực hiện đầy đủ yêu cầu tại Công điện này, cần phối hợp với Sở Công Thương chỉ đạo, kiểm tra việc triển khaibiện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, nhất là hồ đập xung yếu hoặc đang thi công, sửa chữa; vận hành hồ chứa thủy điện đảm bảo an toàn công trình.

Bộ trưởng cũng lưu ý Tập đoàn, Tổng công ty trong ngành công thương theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới trong thời gian tới để kịp thời chỉ đạo, đôn đốc phòng chống thiên tai tại các cơ sở thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo an toàn cho người và công trình trọng yếu, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, phương tiện, vật tư để kịp thời xử lý các tình huống do thiên tai gây ra, nhanh chóng khôi phục sản xuất.

Các chủ đập công trình thủy điện nghiêm túc tuân thủ quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ chứa thủy điện đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, nhất là khi xuất hiện tình huống bất thường; vận hành khoa học, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình, không để xảy ra lũ nhân tạo, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du;trong đó, phải lưu ý thông báo sớm cho người dân trước khi vận hành xả lũ. 

Huy động tối đa nguồn lực, thiết bị để thông tin cảnh báo, thông báo sớm nhất cho chính quyền địa phương, người dân khu vực phía hạ du trước khi tiến hành xả lũ theo quy trình và theo lệch vận hành của cơ quan thẩm quyền, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, đánh giá tình trạng đập, các thiết bị, hạng mục vận hành xả lũ, nhận nước, hệ thống cảnh báo xả lũ khu vực hạ du… và khắc phục kịp thời các khiếm khuyết (nếu có).

Tổ chức trực ban 24/24h, giữ thông tin liên lạc thông suốt với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp, triển khai thực hiện các phương án đảm bảo an toàn hồ đập, vùng hạ du hồ chứa và công trình đang thi công dở dang, nhất là công trình trọng điểm, xung yếu. Hơn nữa, kịp thời cắm biển thông báo, cảnh báo cho người dân về khu vực nguy hiểm trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng tại địa phương trong việc ứng phó thiên tai và bảo đảm an toàn cho người dân khu vực hạ du, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp. 

Yêu cầu các đơn vị trong ngành công thương tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm Công điện này, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để kịp thời ứng phó với diễn biến phức tạp của ápthấp nhiệt đới thời gian tới và tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; thường xuyên cập nhập, báo cáo thông tin về Văn phòng thường trực Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương (ĐT: 024.22218310; Fax: 024.22218321. Email: VPTT_PCTT@moit.gov.vn).

Uyên Hương (TTXVN)
Thời tiết đêm 18/9: Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão trong 12 giờ tới
Thời tiết đêm 18/9: Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão trong 12 giờ tới

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, áp thấp nhiệt đới đang cách thành phố Đà Nẵng hơn 400 km.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN