Trong ngôi nhà ở tập thể 16A Lý Nam Đế (Ba Đình, Hà Nội), Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, nguyên Phó Chính ủy kiêm Phó Tư lệnh Quân khu 2 ngồi chính giữa phòng khách, phong thái ung dung, vững chãi. Mái tóc phong sương trên vầng trán cao rộng. Nhắc đến Mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng vào mùa đông năm 1946, đôi mắt của vị tướng tuổi đã tròn 100 ánh lên, giọng nói rõ từng câu. “Khi biết Bác Hồ kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, nhân dân đã hăng hái tham gia. Các lực lượng vũ trang, du kích sẵn sàng chiến đấu. Quyết tâm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, kiên quyết không hợp tác với địch bừng bừng khắp nơi”, ông Huỳnh Đắc Hương nhớ lại.
Hơi nghiêng về hướng người tiếp chuyện, vị tướng già thong thả kể về giây phút đêm 19/12/1946, Mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng nhận mệnh lệnh toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lúc đó ông đang là thành viên của Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Nam, tham gia huấn luyện Trung đoàn 93 của địa phương. “Nhận được lệnh chuẩn bị nổ súng tiến công giặc, Mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng đã bố trí thế trận quanh Đà Nẵng để đánh địch. Nhiệm vụ chủ yếu của quân và dân địa phương là chiến đấu giữ chân địch, không cho chúng vượt đèo Hải Vân để liên lạc với bộ phận Pháp ở Huế, đồng thời không cho chúng vượt qua sông Cẩm Lệ để tiến về phía Nam”, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương nói.
Để chặn bước quân thù, dân ta phá các đường phố ở nội thành Đà Nẵng, đào công sự phòng ngự và hạ cây cản đường, tạo ra đủ loại chướng ngại vật. Còn các đơn vị chiến đấu của Trung đoàn 96 và Trung đoàn 93 chốt giữ những nơi trọng yếu, không cho giặc liên lạc, ứng cứu nhau; cài mìn phá sập các cầu, các cơ sở quan trọng; tổ chức đưa đồng bào tản cư khỏi thành phố. Tất cả đều đồng lòng “thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”.
Cuộc chiến đấu ở mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng trong ngày đầu toàn quốc kháng chiến là những trận đánh quyết liệt giữa quân dân ta với thực dân xâm lược ở nội thành. Dù vũ khí và kỹ thuật của ta kém hơn địch, nhưng tinh thần dũng cảm hy sinh của quân, dân ta thật phi thường. Khi chiến đấu hết đạn, chiến sĩ ta mưu trí, đốt khói mù trời rồi xung phong dùng chai cháy đốt xe địch, dùng dao đánh giáp lá cà với lính lê dương làm cho chúng phải khiếp sợ trước tinh thần chiến đấu quả cảm của quân ta.
Sau ba ngày chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, gây thương vong tổn thất lớn cho địch nhưng trước số lượng địch đông, vũ khí mạnh lại có đại bác từ tàu chiến neo ngoài biển bắn vào, các đơn vị của quân ta nhận được lệnh rút ra khỏi trung tâm để bảo toàn lực lượng. Chiều ngày 22/12/1946, các đơn vị bắt đầu rút khỏi trung tâm thành phố. Nhưng ở ngoại biên Đà Nẵng, ta tiếp tục quyết liệt chặn đánh, cầm chân địch, không cho chúng ra khỏi nội thành đánh mở đường ra Hội An và lấn vùng nông thôn.
“Suốt nhiều tháng trời, quân dân Quảng Nam - Đà Nẵng đã giam chân chúng trong thành phố, làm phá sản kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh của giặc; tạo điều kiện cho đồng bào có thời gian tản cư, ổn định đời sống, chuyển dần vào sinh hoạt thời chiến, bảo tồn được lực lượng vũ trang và các cơ quan lãnh đạo của ta. Quảng Nam - Đà Nẵng đã bảo vệ được một vùng rộng lớn làm hậu phương, căn cứ kháng chiến. Ngày 20/7/1954, quân dân Quảng Nam - Đà Nẵng làm nên chiến thắng Bồ Bồ - trận “Điện Biên Phủ tại Quảng Nam”, góp phần chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc cuộc kháng chiến thần thánh 9 năm chống thực dân Pháp của dân tộc ta.
Nhắc lại dấu mốc lịch sử của đất nước, dân tộc hồi 75 năm trước, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương nói rằng: Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoạch định đường lối cho cuộc kháng chiến, đó là kháng chiến toàn dân, toàn diện, tự lực và lâu dài nhằm giành độc lâp, thống nhất hoàn toàn đất nước. Thực hiện đường lối đó cùng với sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã giành thắng lợi vẻ vang sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp bằng Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Và 30 năm sau chúng ta đã cắm lá cờ trên nóc Dinh Độc lập, kết thúc cuộc chiến tranh mười nghìn ngày, đem lại độc lập thống nhất toàn vẹn cho đất nước. 75 năm sau ngày Toàn quốc kháng chiến, đất nước ta đã trải qua nhiều sự kiện chính trị lớn và tiến những bước dài, nhưng Lời kêu gọi thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc vẫn trong tâm khảm mỗi người Việt Nam hôm nay.
Hướng ánh mắt về bốn bức tường của căn phòng khách lấp lánh những Huân chương Quân công, Huân chương Độc lập, những bức hình gợi dấu ấn về biết bao chiến công, gương mặt tuổi tác của vị tướng dày dạn trận mạc ánh lên những suy tư. Cuộc đời ông trọn vẹn dành cho Tổ quốc. Từ thời điểm ông tham gia hoạt động cách mạng trước tháng 8 năm 1945 đến cuộc trường chinh chống thực dân, đế quốc xâm lược. Những năm tháng ông là Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào, chỉ huy những chiến dịch lớn ở nước bạn đến thời gian ông làm Thứ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội rồi chiến tranh Biên giới phía Bắc năm 1979 nổ ra, ông lại tham gia chiến đấu tại biên cương phía Bắc của Tổ quốc…
“Thế hệ chúng tôi đã đi qua nhiều cuộc chiến tranh nên rất hiểu chiến tranh. Chúng tôi khao khát những ngày được bình yên. Lời kêu gọi thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho tôi hiểu rằng, dân tộc ta luôn khao khát Hòa bình nhưng sẵn sàng gan góc đấu tranh cho Độc lập, Tự do, Hạnh phúc. Dân tộc ta bị buộc phải cầm súng chứ không muốn có chiến tranh”- Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương thong thả nói.