Chính thức thông xe cầu phao Phong Châu nối hai bờ sông Hồng

Đúng 6 giờ ngày 30/9, Lữ đoàn công binh 249 (Binh chủng Công binh) đã chính thức cho thông xe cầu phao Phong Châu nối hai bờ sông Hồng thuộc huyện Tam Nông và huyện Lâm Thao (Phú Thọ).

Chú thích ảnh
Dòng phương tiện qua cầu sau lệnh thông xe chính thức lúc 6 giờ ngày 30/9. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Cầu được hoàn thành, đi vào vận hành trong sự mong đợi, vui mừng của người dân Phú Thọ và các tỉnh, thành phố khác. 

Ông Nguyễn Văn Hạ ở xã Hương Nộn (huyện Tam Nông) cho biết, từ khi xảy ra sự cố cầu Phong Châu bị sập, nhân dân trong xã đi lại rất khó khăn. “Nay cầu phao được lắp tôi thấy rất mừng. Tôi mong các cấp lãnh đạo sớm triển khai xây dựng cầu mới thay thế cầu Phong Châu để người dân đi lại thuận tiện hơn và không ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của địa phương", ông Hạ nói.

Anh Nguyễn Văn Quân, xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao cũng chia sẻ, từ khi cầu Phong Châu bị sập anh phải di chuyển qua cầu Ngọc Tháp theo đường Hồ Chí Minh về xã Hương Nộn hoặc đến trung tâm huyện. Tuyến đường này xa gấp 3 lần so với bình thường, đi sớm về muộn nên cuộc sống của gia đình anh bị đảo lộn.

Niềm vui không chỉ riêng của anh Quân, ông Hạ mà là niềm vui chung của đông đảo nhân dân bởi đây là cây cầu huyết mạch nối các huyện trong tỉnh Phú Thọ và Hà Nội, Vĩnh Phúc…

Lãnh đạo xã Hương Nộn, huyện Tam Nông cho hay, việc thông xe cầu phao Phong Châu nối hai bờ sông Hồng thuộc huyện Tam Nông và huyện Lâm Thao cơ bản khắc phục tình trạng đi lại khó khăn của người dân trong xã. Xã phối hợp cơ quan chức năng phân luồng giao thông, đảm bảo an ninh trật tự trong suốt thời gian vận hành cầu, đảm bảo việc đi lại của người dân thuận lợi…

Sau 20 ngày xảy ra sự cố, sáng 29/9, Lữ đoàn 249 (Binh chủng Công binh) đã bắc cầu phao PMP 60 tấn, cách cầu Phong Châu bị sập do bão số 3 gây ra khoảng 400m về phía hạ lưu sông Hồng.

Cầu phao được lắp đặt thuộc địa bàn xã Hương Nộn (huyện Tam Nông) và xã Bản Nguyên (huyện Lâm Thao). Để lắp được cầu phao, Lữ đoàn 249 huy động trên 200 cán bộ, chiến sỹ và gần 90 phương tiện các loại tham gia thực hiện nhiệm vụ. Lữ đoàn 249 xác định sử dụng 26 đốt khơi, 2 đốt mố để khớp nối, lắp ghép các đốt khơi lại và cố định tạo thành cầu phao hoàn chỉnh.

Cầu được vận hành trong thời gian từ 6 - 22 giờ hằng ngày. Các phương tiện xe thô sơ, xe máy, xe gắn máy, xe mô tô 3 bánh được phép lưu thông 2 chiều, vận tốc không quá 5 km/h. Đối với xe ô tô, chỉ cho phép ô tô con, xe bán tải (2-4 chỗ ngồi) lưu thông một chiều khi qua cầu, thời gian mỗi chiều lưu thông 10 phút, khoảng cách giữa các xe trên cầu không quá 30m, vận tốc không quá 10 km/h.

Các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ xây dựng phương án phân luồng trong quá trình sửa chữa cầu Phong Châu. Theo đó, các xe có tổng tải trọng từ 10 tấn trở xuống, xe thô sơ, xe máy, người đi bộ được lưu thông qua sông Hồng bằng cầu phao thay cho cầu Phong Châu bị sập.

Chú thích ảnh
Dòng phương tiện qua cầu sau lệnh thông xe chính thức lúc 6 giờ ngày 30/9. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Đối với việc cầu Phong Châu bị sập, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Thọ đề xuất xây dựng cầu Phong Châu mới tại vị trí cầu cũ bị sập.

Tổng chiều dài dự án khoảng 1 km, trong đó cầu Phong Châu mới có chiều dài 400m, đường dẫn đầu cầu kết nối với tuyến đường giao thông liên vùng chiều dài 600m.

Cầu Phong Châu mới được thiết kế theo phương án cầu đúc hẫng cân bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực; bề rộng toàn cầu 21,5m gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, dải phân cách, dải an toàn và lan can cầu, mức đầu tư xây dựng cầu Phong Châu mới là 875 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng giao UBND tỉnh Phú Thọ là cơ quan chủ trì, khẩn trương phối hợp Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan triển khai ngay nghiên cứu, khảo sát, hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng cầu Phong Châu mới trên Quốc lộ 32C, bảo đảm kiên cố, an toàn trong mọi điều kiện mưa lũ, báo cáo cấp có thẩm quyền trước ngày 1/10.

Mới đây, ngày 28/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3. Liên quan đến sự cố sập cầu Phong Châu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng tỉnh Phú Thọ phải xây dựng lại xong, chậm nhất trong năm 2025, nếu cần cơ chế, chính sách báo cáo Chính phủ.

Tạ Văn Toàn (TTXVN)
Vụ sập cầu Phong Châu: Huy động người nhái tinh nhuệ tìm kiếm người mất tích
Vụ sập cầu Phong Châu: Huy động người nhái tinh nhuệ tìm kiếm người mất tích

Ngày 29/9, UBND tỉnh Phú Thọ phối hợp Cục Cứu hộ, cứu nạn (Bộ Quốc Phòng) tổ chức triển khai các biện pháp, phương án tiếp theo trong việc trục vớt cầu và tìm kiếm người mất tích trong sự cố sập cầu Phong Châu - nối huyện Tam Nông với huyện Lâm Thao xảy ra lúc 10 giờ sáng 9/9.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN