Tại Hội nghị, các đại biểu đã đánh giá tổng thể kết quả thực hiện Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị và Nghị định 118 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, nhìn nhận những yếu kém, tồn tại, nguyên nhân chủ quan trong tổ chức thực hiện để đề xuất các giải pháp căn cơ thực hiện quyết liệt, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thời gian tới.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, đến nay đã có 40/41 phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tỉnh, thành phố, Tập đoàn, Tổng công ty được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phương án tổng thể của thành phố Hà Nội chưa được phê duyệt do UBND thành phố Hà Nội đang xem xét để hoàn thiện Phương án theo ý kiến của Hội đồng thẩm định.
Lãnh đạo UBND các tỉnh Lào Cai, Khánh Hòa, Bình Định… cho biết sau khi triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhiều công ty đã xây dựng phương án kinh doanh, hợp tác kinh doanh đạt những kết quả khả quan, tinh gọn được bộ máy.
Đặc biệt, với mô hình cổ phần hóa, các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận đều tăng như: Công ty cổ phần cao su Bình Dương (doanh thu trước sắp xếp 49 tỷ đồng, sau sắp xếp 133 tỷ đồng), Công ty cổ phần nông lâm nghiệp Bình Dương (doanh thu trước sắp xếp 26 tỷ đồng, sau sắp xếp 34 tỷ đồng); Công ty cổ phần chè Bàu Cạn (lợi nhuận trước sắp xếp 277 triệu đồng, sau sắp xếp 4 tỷ đồng), các công ty lâm nghiệp Đình Lập, Lộc Bình, Hòa Bình, Đông Bắc thuộc Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam - Công ty cổ phần, Công ty CP cao su Bà Rịa, Tân Biên thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đều phát triển và hiệu quả sản xuất kinh doanh hơn trước đó. Các công ty này đã xử lý được tồn tại về tài chính, tranh chấp, lấn chiếm đất đai. Định hướng, chiến lược sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đã cụ thể và sát thực với tình hình thực tế hơn.
Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị và Nghị định 118 của Chính phủ cho thấy tiến độ sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra. Hai công ty của Thành phố Hồ Chí Minh giữ lại 100% vốn điều lệ chưa tiến hành được, mới cổ phần hóa được 20/102 công ty, chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên mới là 12/38. Mới phê duyệt được phương án giải thể 11/28 công ty mà chưa giải thể được công ty nào. 5 công ty chuyển thành Ban quản lý rừng mới chỉ hoàn thành phê duyệt phương án.
Nhiều vướng mắc đã được các địa phương đề cập, đặc biệt là việc chuyển đổi sang mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Lò Minh Hùng cho biết, chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sang công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên là việc mới nên còn nhiều vướng mắc.
“Lúng túng ở chỗ thành viên thứ 2 là công ty tư nhân thì vấn đề sở hữu vốn thế nào, đầu tư ra sao, đặc biệt là quản lý đất, bởi đất nông nghiệp của các công ty này rất tốt, rất thuận lợi. Nếu thành viên thứ 2 vào mà chuyển đổi đất sang mục đích khác thì rất khó cho tỉnh”, ông Hùng nói.
Ông Lò Minh Hùng kiến nghị Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Bộ Tài chính hướng dẫn việc chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sang hai thành viên, đặc biệt là việc quản lý đất, vốn, tài sản sao cho hiệu quả, tránh thất thoát. Chính phủ cần có cơ chế xử lý nợ của các công ty lâm nghiệp, bởi các công ty này vay vốn về cho dân vay trồng rừng kinh tế từ lâu, khó có khả năng thu hồi.
Một số địa phương cũng cho biết nhiều nông, lâm trường đã chuyển đổi thành công ty 100% vốn nhà nước hay công ty cổ phần do nhà nước chi phối eo hẹp về nguồn vốn, chậm được cấp bổ sung vốn điều lệ; các nông lâm trường ở vùng sâu, vùng cao tài sản không có nhiều, khó vay vốn khi ngân hàng chỉ cho vay thế chấp, chưa cho vay tín chấp. Nhiều công ty đang trong quá trình sắp xếp lại vướng mắc ở đo đạc đất đai, xác định giá trị doanh nghiệp, phát sinh công nợ khó đòi với các hộ gia đình, có doanh nghiệp như Tổng công ty cà phê Việt Nam nợ khó đòi, quá thu hiện nay lên tới 380 tỷ mà chưa biết thẩm quyền xử lý thế nào.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết theo quy định, Trung ương sẽ lo 70% kinh phí đo đạc bản đồ, còn lại 30% kinh phí do địa phương thu xếp. Tổng hợp của 41 tỉnh, thành phố thì kinh phí này là hơn 1.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, Thứ trưởng nêu rõ “Vấn đề không phải vướng ở khả năng chi trả mà vướng ở xử lý đất đai để phục vụ đo đạc. Các địa phương phải tổ chức đoàn kiểm thật, đếm thật (đất đai) chứ không chỉ dựa vào thống kê”. Ông cũng cho biết Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tổng hợp, báo cáo Quốc hội ưu tiên bố trí vốn cho đo đạc.
Kiểm toán toàn diện Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, tiến độ sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp chậm có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Khách quan là do đây là vấn đề phức tạp, liên quan tới đất đai nhiều thời kỳ lịch sử, tồn đọng tài chính kéo dài. Nhưng chủ quan vẫn là nguyên nhân chủ yếu. Một số địa phương thiếu vắng sự tổ chức chỉ đạo quyết liệt, nhất là phối hợp bên trong.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
“Nơi nào tập trung làm thì hiệu quả cao như Tập đoàn Cao su, Tổng công ty Lâm nghiệp và nhiều địa phương khác. Một số nơi chưa quyết liệt, chưa quan tâm đúng mức, nhất là phối hợp thực hiện. Nhiều đơn vị ngại không muốn làm vì sợ phơi ra các tồn đọng, ngại phải đi xử lý tồn đọng. Chỗ nào có cán bộ mới thì nhanh hơn, vướng vào cán bộ cũ thì chậm”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Bên cạnh đó cũng có những địa phương quyết tâm làm sớm nhưng lại thiếu sát hợp với thực tiễn, mất thời gian dài để điều chỉnh phương án. Một số địa phương có phương án rồi nhưng tổ chức thực hiện chậm.
Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ coi việc sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp là việc quan trọng. Các công ty nông, lâm nghiệp cũng là một bộ phận của doanh nghiệp nhà nước, trong bối cảnh chúng ta đang tiến hành tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, thì đây là một trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế.