Theo Tờ trình, ngày 15/7/2021 và ngày 21/7/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có các Công thư gửi các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; Chủ tịch Quốc hội đã có ý kiến tại các cuộc họp với các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành có liên quan về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Dịch bệnh COVID-19 vẫn đang tiếp tục gia tăng.
Trên thế giới, từ đầu dịch đến nay ghi nhận hơn 191,7 triệu ca, trong đó hơn 4,1 triệu ca tử vong và hơn 174,6 triệu trường hợp hồi phục. Biến thể Delta đang khiến số ca nhiễm mới hằng ngày trên thế giới tăng mạnh, đặc biệt là tại các quốc gia thuộc châu Á, châu Âu.
Tại Việt Nam, dịch bệnh đã lan ra 59/63 tỉnh, thành phố với tổng số tích lũy ca mắc COVID-19 cả nước từ đầu dịch đến 11 giờ ngày 23/7/2021 là 75.417 ca, trong đó có 74.570 ca ghi nhận trong nước và 335 ca tử vong. Đặc biệt, dịch đang gia tăng tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam.
Đợt bùng phát dịch lần thứ tư này có quy mô lớn, mức độ lây lan nhanh nhất từ trước đến nay với diễn biến rất phức tạp, khó lường, nguồn cung ứng vaccine còn hạn chế, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh, lao động.
Thời gian qua, cùng với sự chỉ đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Thường trực Ban Bí thư, Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự tham gia hỗ trợ tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương, Chính phủ đã áp dụng linh hoạt các quy định của pháp luật để tổ chức thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Tuy nhiên, thực tiễn đã phát sinh các tình huống khó khăn, vướng mắc, bất cập cần phải giải quyết ngay trong điều kiện lần đầu tiên xảy ra đại dịch lớn trên toàn thế giới như COVID-19. Trong đó, có nhu cầu cần phải điều chỉnh, trao quyền chủ động hơn, mạnh mẽ hơn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để quyết định kịp thời các biện pháp cần thiết, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch bệnh, trong đó cần cho phép Chính phủ áp dụng những biện pháp chống dịch như trong điều kiện ban bố tình trạng khẩn cấp (vì nếu ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ có những tác động bất lợi đến kinh tế, an ninh trật tự...), các biện pháp thuộc thẩm quyền của Quốc hội, các biện pháp khác với quy định của luật hoặc chưa được luật hiện hành quy định trong những trường hợp cần thiết để sớm ngăn chặn, kiểm soát được dịch bệnh, đưa đất nước, cuộc sống của người dân trở về trạng thái “bình thường mới”.
Xuất phát từ lý do trên, Chính phủ trình Quốc hội xem xét đưa nội dung về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vào Nghị quyết kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV để có cơ sở pháp lý vững chắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Nội dung về phòng, chống dịch COVID-19 được Chính phủ đề nghị đưa vào Nghị quyết như sau:
Về công tác phòng, chống dịch COVID-19: Thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Thường trực Ban Bí thư, Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các Bộ, chính quyền địa phương đã có nhiều văn bản chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự tham gia của toàn dân vào công cuộc phòng, chống dịch bệnh. Quốc hội đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Bộ Y tế, các bộ, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể, đặc biệt là các lực lượng tuyến đầu, cán bộ y tế, quân đội, công an... và các địa phương đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn, chủ động, sáng tạo triển khai kịp thời, quyết liệt, đồng bộ nhiều chủ trương, biện pháp nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Nhân dân đã tin tưởng, đồng tình và chấp hành các chủ trương, biện pháp của Chính phủ, chính quyền địa phương, tham gia phòng, chống dịch bệnh; đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn. Nhờ đó, chúng ta đã và đang kiểm soát được dịch bệnh, ổn định tình hình kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân.
Dịch bệnh đang tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, các biến chủng mới có khả năng cao sẽ xuất hiện và lây lan trên toàn cầu, số lượng người mắc, tử vong tăng nhanh, nguồn cung ứng vaccine còn hạn chế, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, gây ra nhiều thách thức trong việc kiểm soát, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng lớn đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cần phải tiếp tục tăng cường biện pháp phòng chống dịch mạnh mẽ, quyết liệt và triệt để hơn nữa.
Quốc hội nhất trí với các chính sách, giải pháp của Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã áp dụng trong thời gian qua và giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ:
1. Chủ động áp dụng các biện pháp đã thực hiện trong thời gian qua, các biện pháp quy định tại Điều 54 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm và các biện pháp cần thiết khác để đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng, chống dịch bệnh, thảm họa, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; được áp dụng các biện pháp, ban hành các quy định cần thiết chưa được luật quy định hoặc khác với quy định của luật để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trong đó có việc áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc cách trong mua sắm thuốc, vaccine, trang thiết bị y tế, hóa chất, đầu tư cơ sở vật chất, đăng ký lưu hành, thử lâm sàng thuốc, vaccine trang thiết bị y tế, phát triển sản xuất vaccine Covid-19 trong nước, nội địa hoá trang thiết bị y tế, thuốc để bảo đảm tự chủ, tự lực, tự cường trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
2. Được sử dụng chỉ thị, nghị quyết và các hình thức văn bản khác thuộc thẩm quyền ban hành để quy định, áp dụng và triển khai các biện pháp phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
3. Khẩn trương rà soát các luật có liên quan, trình Quốc hội dự án án một luật sửa nhiều luật liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và các dự án luật cần thiết khác vào các năm 2021-2022.
4. Ưu tiên ngân sách, huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; quyết định chuyển nguồn kinh phí trong dự toán đã được duyệt, thay đổi, điều chuyển nguồn kinh phí trong ngân sách nhưng chưa có trong dự toán cho công tác phòng, chống dịch bệnh, tạm ứng ngân sách trong trường hợp vượt dự toán đã phê duyệt; mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh, địa phương được trung ương hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.
5. Đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo sức khoẻ và đời sống của người dân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người già, người yếu thế khác và lực lượng chống dịch tuyến đầu, có biện pháp hỗ trợ cụ thể cho người dân, người lao động, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, không đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, kinh doanh, lao động.
6. Báo cáo Quốc hội việc triển khai và kết quả thực hiện các biện pháp trong Nghị quyết này tại kỳ họp Quốc hội gần nhất. Trường hợp có vấn đề phát sinh, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong thời gian Quốc hội chưa họp.
Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết này; kịp thời quyết định các vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền của Quốc hội trong thời gian Quốc hội chưa họp và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Đồng hành với những nỗ lực của Chính phủ, các cấp, các ngành, Quốc hội kêu gọi toàn bộ hệ thống chính trị và toàn dân cùng chung tay, chung sức, đồng lòng, sát cánh trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.