Dự và chỉ đạo Hội thảo có các đồng chí: Đại tướng Lương Cường - Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Đại tướng Phạm Văn Trà - nguyên Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Đỗ Bá Tỵ - nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các cơ quan Trung ương và tỉnh Yên Bái, cán bộ lão thành cách mạng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nhân chứng lịch sử, tướng lĩnh, sĩ quan, nhà khoa học…
Đoàn chủ tịch Hội thảo gồm các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Thượng tướng, Tiến sĩ Lê Huy Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo Hội thảo; Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, đồng Trưởng ban Chỉ đạo Hội thảo; Trung tướng Trịnh Văn Quyết - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Tham gia Đoàn chủ tịch còn có Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn - Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Thiếu tướng Phạm Hồng Chương - Tư lệnh Quân khu 2 và Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên - Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thượng tướng Lê Huy Vịnh nhấn mạnh, Hội nghị Ban Chấp Trung ương Đảng lần thứ 3, Khóa II (tháng 4/1952) đã thống nhất chủ trương: Tiếp tục phát huy quyền chủ động chiến lược, mở chiến dịch tiến công địch trong Thu - Đông 1952 với phương châm “Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, tìm sơ hở của địch mà đánh...” nhằm tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch, giải phóng đất đai, giành dân, phá âm mưu lập "Xứ Thái tự trị" của thực dân Pháp. Sau gần 2 tháng tiến hành Chiến dịch Tây Bắc (từ ngày 14/10 đến 10/12/1952), ta đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng phần lớn đất đai và nhân dân các dân tộc trên địa bàn chiến lược, phá được âm mưu chiếm đóng của địch; nối thông Tây Bắc với căn cứ địa Việt Bắc, vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh và Thượng Lào.
Ban tổ chức Hội thảo nhận được hơn 90 báo cáo tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương, viện nghiên cứu, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, các nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học trong và ngoài Quân đội. Trong đó nhiều tham luận đi sâu phân tích, luận giải việc mở Chiến dịch Tây Bắc là quyết định mang tính chiến lược.
Trong tham luận với tiêu đề “Chiến thắng Tây Bắc 1952 - Bài học về xây dựng nền quốc phòng toàn dân”, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: “Đây là chiến dịch đầu tiên ta đưa lực lượng quy mô lớn đánh quân Pháp ở vùng rừng núi phía Tây của đồng bằng Bắc Bộ. Đó là sự chuyển hướng đúng đắn và phù hợp, thể hiện sự nhạy bén của Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy trong chỉ đạo chiến lược”.
Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Giáo sư Nguyễn Tụ, nguyên cán bộ quân y Đại đoàn 316, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Học viện Quân y đã thuật lại những câu chuyện về công tác chuẩn bị và tham gia cứu chữa thương binh trong chiến đấu; tham luận “Chiến thắng Tây Bắc 1952 - Thành công xuất sắc về chỉ đạo chiến lược của Đảng” của Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; tham luận “Chiến thắng Tây Bắc 1952 - Bài học về công tác tham mưu chiến lược” của Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng... đã luận giải, phân tích làm rõ tầm nhìn chiến lược, sự linh hoạt, tài thao lược của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh về quyết định mở chiến dịch hướng rừng núi Tây Bắc, mà không phải hướng đồng bằng nhằm tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu ở địa bàn chiến lược.
Trình bày tham luận tại Hội thảo, các đại biểu: Thượng tướng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Việt Khoa, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng; Trung tướng Phạm Đức Duyên, Chính ủy Quân khu 2; Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam... đã phân tích, làm rõ vai trò của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh trong chỉ đạo đánh giá, nhận định đúng tình hình, quyết định chuyển hướng tiến công chiến lược đúng đắn, kịp thời, giữ vững và phát huy quyền chủ động chiến lược. Ta đưa chủ lực tiến công vào địa bàn chiến lược hiểm yếu, nơi lực lượng địch tương đối mỏng, bố phòng có phần sơ hở, quân địch không phát huy được thế mạnh về vũ khí, trang bị, khó được chi viện kịp thời; trong khi tác chiến địa bàn rừng núi lại là thế mạnh của Quân đội ta. Thực tế đã chứng minh đó là sự lựa chọn chủ động, chính xác, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chiến lược, phù hợp với tương quan lực lượng địch - ta và thực tế chiến trường lúc bấy giờ, là yếu tố quan trọng góp phần làm nên thắng lợi của Chiến dịch Tây Bắc 1952.
Nhiều tham luận của các nhân chứng lịch gửi đến Hội thảo đã thuật lại những ngày tháng đối mặt với kẻ thù. Đại tá Nguyễn Hữu Tài, nguyên Chính trị viên, Phó Tiểu đoàn 16, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312, nguyên Phó cục trưởng Cục Quân huấn, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam trình bày tham luận “Giữa đêm đông vuợt sông Đà, đánh chiếm Ba Lay”, khiến các đại biểu xúc động và thêm khâm phục những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam Việt Nam. Theo đó, “Đợt 2 chiến dịch, Tiểu đoàn 16 và các đơn vị có nhiệm vụ tiêu diệt 2 cứ đoàn Ba Lay và Ban Hoa trên tuyến phòng thủ hữu ngạn sông Đà của địch ngăn chặn quân ta tiến về Sơn La. 4 giờ sáng ngày 20/11/1952, đơn vị được lệnh nổ súng, đội bộc phá do Lê Văn Tỷ chỉ huy, đánh vào cổng chính, không có pháo binh chi viện, dưới làn hỏa lực dày đặc của địch nhiều chiến sĩ đội bộc phá thương vong nhưng vẫn thông mở cửa, tạo điều kiện cho xung kích xung phong đánh sập lô cốt đột phá khẩu. Quá trình phát triển chiến đấu, nhiều đồng chí bị thương nhưng tiếp tục chiến đấu, không chịu lui ra phía sau. Bị tiến công mãnh liệt ở hai hướng một số lính nguỵ đầu hàng, còn lính Ma rốc vẫn điên cuồng chống cự. Gần sáng là ta làm chủ phần lớn cứ điểm, lực lượng địch còn lại vẫn chống cự, tôi cho anh em gọi địch đầu hàng bằng cả tiếng Pháp và tiếng Việt. Khắp nơi vang lên tiếng "Hô lê manh"... (Giơ tay lên hàng đi).
Gửi đến hội thảo tham luận với tiêu đề “Công tác chuẩn bị chiến trường, đánh Nghĩa Lộ trong Chiến dịch Tây Bắc”, Đại tá Nguyễn Quốc Thịnh, nguyên sĩ quan tác huấn Trung đoàn 88, Đại đoàn 308, nguyên Phó giám đốc Học viện Khoa học quân sự hồi tưởng: "Bộ phận chuẩn bị chiến trường Nghĩa Lộ do đồng chí Vương Thừa Vũ, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308 trực tiếp chỉ huy. Sau một ngày vượt sông Thao trên bến phà Mậu A, rồi lội bì bõm trên cánh đồng Đại Bục, Đại Phác, vượt qua mấy cái dốc, chúng tôi dừng lại, ngủ đêm trên lưng chừ ng dốc Quế. Trong lúc mọi người đang thiếp đi vì mệt trên các đống lá ẩm ướt, trải dưới các gốc cây đại ngàn mốc rêu, bỗng nghe tiếng hô của đồng chí cảnh giới. Tưởng là địch, nhưng không. Đó là tổ quân báo của ta từ phía Nghĩa Lộ đi ra. Trời không mưa nhưng quần áo họ ướt sũng, nét mặt hốc hác, họ là những người đi trước, vào đó nắm tình hình địch, tình hình dân Nghĩa Lộ. Trong số này, có đồng chí Vũ Hữu Tấn, đi trinh sát gặp địch, đánh nhau, sảy chân ngã xuống vực sâu. Hai mươi ngày ăn quả rừng, uống nước suối, phải đọ mặt với thú rừng…, thoát chết, anh Tấn đã tìm gặp được đồng đội. Sau khi nghe Vũ Hữu Tấn báo cáo, đồng chí Vương Thừa Vũ thức anh em dậy, phổ biến tình hình”.
Nhấn mạnh ý nghĩa của Chiến thắng Tây Bắc, trong Báo cáo đề dẫn, Trung tướng Trịnh Văn Quyết khẳng định: Với Chiến thắng này, ta làm chủ được vùng Tây Bắc, không những bảo vệ vững chắc An toàn khu Trung ương, tạo thế liên hoàn nối Việt Bắc với Liên khu 3, Liên khu 4, mà còn tạo điều kiện thuận lợi trong củng cố phát triển liên minh chiến đấu Việt - Lào cùng chống kẻ thù chung.
Các tham luận của Thiếu tướng, Tiến sĩ Đỗ Minh Xương, Giám đốc Học viện Lục quân; Thiếu tướng, Tiến sĩ, nhà văn Nguyễn Hồng Thái; Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái Nguyễn Minh Tuấn... đi sâu nêu bật ý nghĩa của Chiến thắng Tây Bắc, nhất là ta đã phát huy quyền chủ động chiến lược của cuộc kháng chiến trên chiến trường chính Bắc Bộ, các lực lượng vũ trang nhân dân được tích lũy thêm kinh nghiệm tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, trên chiến trường rừng núi, xa hậu phương. Ta đã phá được âm mưu lập "Xứ Thái tự trị" để nuôi dưỡng chiến tranh của thực dân Pháp; căn cứ địa Việt Bắc được nối thông với vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh, với vùng Thượng Lào, tạo nên thế trận liên hoàn trong chiến đấu chống kẻ thù chung của nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã phân tích, luận giải những bài học của thắng lợi Chiến dịch Tây Bắc như bài học về đánh giá tương quan lực lượng, chọn hướng tiến công, sử dụng lực lượng, phương pháp tác chiến, huy động nhân lực, vật lực cho cuộc kháng chiến... Hay những kinh nghiệm trong công tác nắm địch, huy động dân công, bảo đảm hậu cần, đánh tập đoàn cứ điểm... Những bài học đúc rút của chiến dịch được vận dụng thiết thực vào sự nghiệp kháng chiến để quân và dân ta giành được thắng lợi quyết định trong Đông-Xuân 1953 - 1954, là dấu mốc quan trọng, tiền đề cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Kết quả của hội thảo góp phần nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc về tầm vóc, nguyên nhân, ý nghĩa thắng lợi và bài học kinh nghiệm của Chiến dịch Tây Bắc; đồng thời, cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng để vận dụng trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng quân đội “tinh, gọn, mạnh”, phấn đấu từ năm 2030, xây dựng quân đội hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.