Lực lượng bộ đội và dân quân tự vệ giúp dân dựng nhà sàn ở bản Mường Pồn 2, sau trận lũ quét tháng 7/2024. Ảnh: Phan Quân - TTXVN
Tập trung nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống. Từng bước xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia có khả năng quản trị hiệu quả các đe dọa này, bảo đảm an toàn cho người dân và xã hội; tích cực, chủ động đưa ra ý tưởng, mô hình... để thúc đẩy hợp tác quốc tế và có đóng góp thiết thực, trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong giải quyết các đe dọa an ninh phi truyền thống; góp phần phát triển đất nước bền vững, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Chiến lược phấn đấu đến năm 2030, toàn hệ thống chính trị, toàn dân được tuyên truyền, giáo dục, nhận diện về các đe dọa an ninh phi truyền thống; từ đó nhận thức rõ trách nhiệm và quán triệt tốt phương châm "bốn tại chỗ" trong phòng ngừa, ứng phó (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ).
Năm 2030, hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn trong từng ngành, lĩnh vực làm cơ sở xác định cấp độ, mức độ và cơ chế phòng ngừa, ứng phó. Hoàn thành bộ chỉ số an ninh, an sinh, an toàn quốc gia làm cơ sở xác định cảnh báo và tổ chức hoạt động phòng ngừa, ứng phó.
Tập trung nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm. Năm 2030, 100% địa bàn trọng điểm về các đe dọa an ninh phi truyền thống được bố trí hệ thống theo dõi, giám sát và cảnh báo sớm trong các lĩnh vực: địa chất, biến đổi khí hậu, môi trường, nguồn nước, năng lượng, y tế và phòng, chống tội phạm. Hình thành cơ sở dữ liệu liên quan các đe dọa an ninh phi truyền thống trong Trung tâm Dữ liệu quốc gia hướng đến hệ thống dữ liệu liên thông, đầy đủ, đồng bộ cả về chiều dọc (từ trung ương xuống địa phương) và chiều ngang (liên bộ, liên ngành).
Các lực lượng tham gia phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống được kiện toàn tổ chức, có năng lực phòng ngừa, ứng phó và trang bị phương tiện hiện đại tương đương các nước thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực ở một số lĩnh vực như biến đổi khí hậu; môi trường, an ninh mạng; an ninh y tế; phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, khủng bố.
Hình thành cơ chế điều hành ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống ở các cấp để điều phối các hoạt động ứng phó khi xảy ra các đe dọa ở cấp độ nghiêm trọng. Hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch, kịch bản khung phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống ở các cấp. 100% lực lượng trực tiếp ứng phó được huấn luyện, diễn tập sát thực tế, bảo đảm khả năng hoàn thành nhiệm vụ.
Bước đầu triển khai một số dự án, công trình lưỡng dụng nhằm giảm nhẹ thiệt hại từ các đe dọa an ninh phi truyền thống do thiên nhiên gây ra và bảo đảm an ninh mạng, an ninh dữ liệu, an ninh y tế.
Có nguồn lực dự trữ phù hợp, đáp ứng tốt hoạt động khắc phục, tái thiết và trở lại trạng thái phát triển bình thường của đối tượng chịu tác động từ các đe dọa an ninh phi truyền thống. Hình thành quỹ phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa này ở các cấp theo quy định của pháp luật với sự đóng góp của Nhà nước và xã hội. Sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong phòng ngừa, ứng phó.
Tích cực, chủ động tham gia hợp tác quốc tế phòng ngừa, ứng phó các đe dọa an ninh phi truyền thống phù hợp với điều kiện, khả năng; nghiên cứu, đề xuất hình thành một diễn đàn quốc tế thường niên do Việt Nam chủ trì, thu hút các học giả, chuyên gia quốc tế, quan chức chính phủ các nước trong khu vực và trên thế giới để thảo luận về hợp tác trong lĩnh vực này.
Tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác phòng ngừa, ứng phó
Lực lượng quân đội tham gia khắc phục hậu quả bão số 3 tại huyện Đông Anh (Hà Nội). Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN
Tầm nhìn đến năm 2045, cả hệ thống chính trị và toàn dân được phổ biến, nhận diện rõ các đe dọa an ninh phi truyền thống, có năng lực và thái độ chủ động phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa này.
Trước năm 2045, có hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, phù hợp với luật pháp quốc tế; các chính sách về phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống được xây dựng đầy đủ, khả thi, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, với cơ chế thực thi nghiêm minh, nhất quán, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác phòng ngừa, ứng phó.
Năng lực dự báo, cảnh báo sớm các đe dọa an ninh phi truyền thống tương đương các nước phát triển, trên cơ sở đội ngũ chuyên gia và hạ tầng kỹ thuật hiện đại, hệ thống dữ liệu liên thông, đầy đủ, đồng bộ, cập nhật đáp ứng yêu cầu phòng ngừa, ứng phó trong mọi tình huống.
Lực lượng tại chỗ ở cơ sở có khả năng ứng phó hiệu quả với các đe dọa an ninh phi truyền thống; hình thành lực lượng cơ động sẵn sàng tham gia hợp tác quốc tế trong phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa này.
Các phương án, kế hoạch, kịch bản khung ứng phó và xử lý các tình huống đe dọa an ninh phi truyền thống trên các lĩnh vực được vận hành trơn tru, đồng bộ, nhịp nhàng và hiệu quả. Trong đó, chú trọng ứng dụng, khai thác triệt để thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến trong ứng phó.
Có đủ hệ thống cơ sở hạ tầng lưỡng dụng và khả năng thích ứng linh hoạt nhằm hạn chế tác động của thảm họa, sự cố an ninh phi truyền thống. Có nguồn dự trữ đầy đủ đáp ứng mọi yêu cầu của hoạt động khắc phục, tái thiết và phát triển bình thường trở lại sau thảm họa, sự cố xảy ra trong nước và sẵn sàng phục vụ các hoạt động hợp tác quốc tế ứng phó, khắc phục các thảm họa, sự cố.
Tích cực trong hợp tác quốc tế, chủ động tham gia xây dựng các khuôn khổ, cơ chế hợp tác quốc tế phòng ngừa, ứng phó các đe dọa an ninh phi truyền thống; thể hiện rõ vai trò là thành viên trách nhiệm, có đóng góp tích cực, hiệu quả với cộng đồng quốc tế trong phòng ngừa, ứng phó các đe dọa này.
8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Để đạt được các mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện.
Cụ thể, hình thành cơ chế điều hành, quản lý công tác phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống; hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống; nâng cao năng lực dự báo chiến lược, hiệu quả quản lý nhà nước, quản trị quốc gia, kiểm soát rủi ro để chủ động phòng ngừa, ứng phó, thích ứng với các đe dọa an ninh phi truyền thống.
Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển bền vững, tạo thế và lực vững chắc, huy động sức mạnh tổng hợp, toàn diện, toàn dân, xã hội hóa, tận dụng mọi nguồn lực cho phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống; tăng cường công tác thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức, kỹ năng; chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn, diễn tập các kịch bản phòng ngừa, giảm nhẹ, cứu trợ, phục hồi, tái thiết và phát triển trong trường hợp, tình huống cụ thể.
Đồng thời, chú trọng nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ tham gia phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống; đẩy mạnh chuyển đổi số kết hợp với nghiên cứu phát triển, nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại trong phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống; tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống.