Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai cho biết, khu vực Nam Bộ gồm 19 tỉnh, thành phố là khu vực phát triển kinh tế - xã hội năng động của Việt Nam. Bên cạnh những thuận lợi về phát triển kinh tế - xã hội, đây cũng là khu vực thường xuyên phải chịu tác động của nhiều loại hình thiên tai, gây thiệt hại không nhỏ về tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, tại khu vực Nam Bộ xảy ra 183 trận mưa lớn kèm theo lốc, sét, đã làm 12 người chết, 40 người bị thương, 812 căn nhà bị sập, 5.182 căn nhà bị tốc mái và nhiều diện tích lúa, hoa màu, cây ăn trái bị giảm năng suất, gẫy đổ. Ngoài ra, khu vực còn xuất hiện 162 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 55.216m, nhiều nhà ở, công trình bị sập, hư hỏng, nhiều diện tích đất rừng bị xói trôi.
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thông tin, thảo luận về diễn biến hiện tại của thiên tai tại khu vực Nam Bộ và chia sẻ kinh nghiệm ứng phó, tìm ra các giải pháp mang tính toàn vùng trong công tác phòng, chống thiên tai; giảm thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, năm nay tại khu vực miền Nam có hiện tượng La Nina gây sóng cao, gió mạnh. Trong lịch sử, Nam Bộ hiếm có hiện tượng này, nay xuất hiện là sự bất thường. Dự báo 6 tháng cuối năm 2022 khả năng sẽ có 10 - 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông; trong đó có khoảng 4 - 6 cơn gây ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
"Bão sẽ hoạt động mạnh hơn, phức tạp hơn, khả năng số lượng mưa bão xuất hiện nhiều từ tháng 10 đến giữa tháng 12/2022. Đồng thời, xác suất cơn bão đi vào, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến khu vực Nam Bộ cao hơn so với những năm trước, do đó các địa phương cần tập trung chuẩn bị công tác tránh bão cho người dân", ông Khiêm thông tin thêm.
Ông Nguyễn Đức Vũ, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ nhiều năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên bị ảnh hưởng bởi ngập lụt đô thị do mưa và triều cường. Nhằm ứng phó với vấn đề này, Thành phố đã nâng cao chất lượng quy hoạch, hiệu quả quản lý quy hoạch; triển khai Đồ án quy hoạch mạng lưới hồ điều tiết phân tán để giảm ngập úng trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa và các đơn vị, địa phương liên quan trong việc vận hành điều tiết tích, xả lũ của hồ Dầu Tiếng hợp lý nhằm chủ động giảm lũ cho hạ du. Thành phố cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu các mô hình giải pháp liên kết giữa các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Theo ông Nguyễn Đức Vũ, giải pháp để giải quyết dứt điểm ngập lụt đô thị là cần có quy hoạch đô thị hợp lý mang tính tổng thể, kết nối giữa các địa phương, đồng bộ toàn khu vực; trong đó phải tính đến việc tạo sự cân bằng giữa lượng nước đến và lượng nước đi, bằng cách vừa tăng cường thêm đường ống thoát nước, đồng thời phải tổ chức xây dựng các hồ chứa để điều hòa lượng nước mưa không bị ứ đọng, gây ngập lụt dây chuyền.
Đại diện Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau cho biết, địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng bởi nắng hạn vào mùa khô và mưa lũ, sạt lở đất vào mùa mưa, do đó từ năm 2002 đến nay, tỉnh đã đầu tư xây mới được hơn 64 km kè ven biển tổng kinh phí hơn 2.200 tỷ đồng, trong đó có 62 km thuộc dự án "Kè ngầm tạo bãi bằng cọc bê tông ly tâm kết hợp với thả đá hộc", bảo vệ hiệu quả vùng bờ biển trước diễn biến bất thường của thời tiết.
Tỉnh cũng triển khai kết hợp các giải pháp phi công trình như: tổ chức di dân, tái định cư; phát động phong trào trồng cây ven sông, ven biển; khôi phục, bảo vệ rừng phòng hộ; tổ chức định kỳ theo dõi diễn biến về quy mô, cường độ, hướng dịch chuyển sạt lở...; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, tinh thần chủ động, tự giác của người dân tự nguyện đóng góp sức người, sức của cùng với chính quyền thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai.
Về kế hoạch hoạt động trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các địa phương cần khẩn trương hoàn thành việc kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; rà soát, hoàn thiện, ban hành bộ quy chế, kế hoạch công tác, phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ huy; huy động các nguồn lực, nhất là Quỹ phòng, chống thiên tai để thực hiện lắp đặt thiết bị theo dõi, giám sát, cảnh báo thiên tai thường xuyên xảy ra.
Các địa phương cần quản lý, giám sát chặt chẽ tổ chức vận hành các công trình như hồ Dầu Tiếng, cống Cái Lớn - Cái Bé, đập Tha La - Trà Sư… nhằm giảm thiểu thiệt hại, tác động do thiên tai, đồng thời nâng cao hiệu quả, đảm bảo nguồn tài nguyên phục vụ sản xuất; tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin với các nước thượng nguồn Mê Công để áp dụng các giải pháp phù hợp, tận dụng nguồn nước hiệu quả trong việc sản xuất, giảm lũ và đẩy mặn trong mùa khô...
Cũng tại Hội nghị, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai tổ chức lễ ra mắt Câu lạc bộ Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Câu lạc bộ được thành lập nhằm chia sẻ những mô hình điển hình cũng như việc đổi mới trong công tác nâng cao năng lực của Văn phòng thường trực Ban Chi huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long với các vùng khác trên phạm vi cả nước. Qua đó, phát huy sức mạnh tập thể, tạo môi trường để các địa phương cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động phòng, chống thiên tai.