Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng; lãnh đạo Tỉnh ủy Lâm Đồng.
Về phía Vương quốc Campuchia có Phó Quốc vụ khanh Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Campuchia Meas Pyseth, Trưởng đoàn đại biểu Vương quốc Campuchia; Phó Chủ tịch Mặt trận Lào Xây dựng đất nước Nhiakerya Nochochongtoua, Trưởng đoàn đại biểu nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; cùng lãnh đạo các hội nông dân trong cả nước.
Tại Hội thảo các đại biểu đã tập trung trao đổi các nội chính như: thực trạng và định hướng phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của ba nước Campuchia, Lào, Việt Nam; vai trò của các tổ chức nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nông nghiệp thông minh 4.0 và cách tiếp cận ở Việt Nam.
Hội thảo nhằm đưa ra các kiến nghị, đề xuất với Nhà nước của mỗi nước trong việc tăng cường giao lưu, hợp tác phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: Thời gian qua, mặc dù Campuchia và Lào không có tổ chức Hội Nông dân như Việt Nam nhưng qua nhiều kênh, hình thức khác nhau, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã chỉ đạo Hội Nông dân các tỉnh tích cực hỗ trợ các tỉnh giáp biên giới với Lào và Campuchia trong hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng, hỗ trợ giống, gia súc, gia cầm, thủy sản, giới thiệu, cung cấp vật tư nông nghiệp có chất lượng...
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao sự tham gia của Đoàn đại biểu nông dân Việt Nam, đoàn đại biểu nông dân Lào và Campuchia nhằm tăng cường sự hợp tác giữa nông dân ba nước trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Để hoạt động này đi vào thiết thực, hiệu quả, phát huy đối đa tiềm năng lợi thế của mỗi nước trong bối cảnh nông nghiệp, nông dân và nông thôn vẫn là 3 trụ cột phát triển của mỗi nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh một số vấn đề như: tham mưu, đề xuất với Nhà nước của mỗi nước cho duy trì tổ chức luân phiên các hoạt động hợp tác về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn giữa ba nước để khuyến khích, thúc đẩy tinh thần lao động, sáng tạo không ngừng nghỉ của nông dân ba nước; xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để tăng cường hợp tác nông dân ba nước trong từng năm và từng giai đoạn, có đánh giá kết quả đạt được, đề xuất, kiến nghị giải pháp tiếp tục hợp tác.
Bên cạnh đó, đại biểu nông dân ba nước cần thường xuyên trao đổi kinh nghiệm về cách thức sản xuất theo xu hướng của thế giới hướng tới sản xuất xanh, sạch, hữu cơ, giảm tồn dư hóa chất, chất bảo vệ thực vật trong sản phẩm; duy trì, phát triển sản phẩm truyền thống, hạn chế sản phẩm biến đổi gen; cung cấp thông tin về sản xuất và thị trường tiêu thụ, thúc đẩy các cơ hội hợp tác trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa và xuất khẩu nông sản giữa ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Đặc biệt, cần quảng bá, giới thiệu các thành tựu đạt được của mỗi nước về khoa học - công nghệ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao trên nền tảng bùng nổ khoa học - công nghệ, công nghiệp kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo và ứng dụng trong nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản; giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn đạt tiêu chuẩn phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá tiếp cận thị trường các địa phương...
Hội Nông dân Việt Nam có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương của Lào, Campuchia xây dựng đề án tăng cường hợp tác giữa nông dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; tổ chức cuộc gặp định kỳ, thường niên giữa nông dân các tỉnh giáp biên giới giữa Việt Nam và Lào, Việt Nam và Campuchia.
Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng khẳng định: Những năm qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Campuchia và Lào không ngừng được củng cố, tăng cường kể cả hợp tác song phương và đa phương trên các lĩnh vực: chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục đào tạo - văn hóa, hợp tác giữa các địa phương và hợp tác quốc tế, khu vực, tiểu vùng...
Phó Quốc vụ khanh Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Campuchia Meas Pyseth, Trưởng đoàn đại biểu Vương quốc Campuchia, cũng chia sẻ: Campuchia là một trong 10 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu. Năm 2018, Campuchia đã sản xuất 10,8 triệu tấn gạo và dư thừa 5,8 triệu tấn. Hiện Campuchia vẫn còn tiềm năng lớn để sản xuất nhiều sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp của Campuchia đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó chủ yếu là do năng suất, chất lượng và giá nông sản thấp. Campuchia đang phải nhập khẩu nhiều sản phẩm từ trồng trọt. Ngoài ra còn có những thách thức như chất lượng đầu vào nông nghiệp thấp, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường hiện tại, cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu chưa được hài hòa, chưa có hỗ trợ, kết nối liên ngành hiệu quả. Lý do là vì hệ thống canh tác tương đối nhỏ nên còn bị ảnh hưởng bởi thiên tai do biến đổi khí hậu...
Trong khuôn khổ chương trình Gặp gỡ hữu nghị nông dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia từ ngày 31/11 đến 2/12 có các hoạt động như: Hội chợ nông sản sạch tại thành phố Đà Lạt, tham quan các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, hội kiến giữa các lãnh đạo nhà nước.
Chiều tối cùng ngày 2/12, tại Quảng trường Lâm Viên diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác hỗ trợ giữa Viện An toàn và dinh dưỡng (Việt Nam) với các hợp tác xã, hộ cá thể, nhân dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và chương trình giao lưu văn nghệ bế mạc.