Chất vấn 'tam nông' tại Quốc hội thu hút cử tri

Chiều 12/6, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIII, mở đầu với chủ đề "tam nông", người đăng đàn trước các Đại biểu Quốc hội là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã thu hút sự quan tâm của cử tri cả nước.


Quan tâm hơn nữa chất lượng giống "cây, con"...



Tại "quê lúa" Thái Bình, cử tri Trần Mạnh Báo, Tổng Giám đốc Tổng công ty CP Giống cây trồng Thái Bình cho biết: Tại phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát chiều nay, tôi thấy Bộ trưởng đã trả lời rõ ràng những vấn đề mà cử tri quan tâm. Tuy nhiên, tôi và nhiều cử tri cũng băn khoăn lo lắng hiện nay là vấn đề quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và sản phẩm hàng nông sản của nước ngoài nhập vào chưa được chặt chẽ gây khó khăn ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân. Do đó, tôi đề nghị Bộ Nông nghiệp và Nông thôn cần phối hợp cùng các cơ quan hữu quan khác để có giải pháp căn cơ, chính xác và hiệu quả để giảm thiểu các thiệt hại cho người nông dân và xã hội.


Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN


Ông Trần Mạnh Báo cho rằng, những giống cây trồng tốt sẽ là điều kiện tiên quyết cho mùa bội thu. Vì vậy, khoa học và công nghệ là"chìa khóa" để hướng nền nông nghiệp, nông thôn phát triển hiệu quả và bền vững. Tuy nhiên, hiện nay sản xuất nông nghiệp ở Thái Bình cũng đang gặp một số khó khăn, thách thức. Công tác quy hoạch vùng sản xuất lúa tập trung của Thái Bình vẫn còn manh mún, cho nên vừa khó thực hiện đồng bộ cơ giới hóa và phòng trừ dịch bệnh cây trồng, vừa giảm hiệu quả khi áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Ðể nông nghiệp phát triển hiệu quả, bền vững, thời gian tới, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ Thái Bình cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật để chọn lọc, chọn tạo các giống lúa năng suất, chất lượng, có khả năng chống chịu sâu, bệnh; tiếp thu ứng dụng quy trình công nghệ tổng hợp, tự động hóa quá trình trồng trọt và thu hoạch các loại cây trồng. Áp dụng quy trình công nghệ thâm canh và quản lý cây trồng tổng hợp, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP...


Cử tri Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình "chia sẻ" : Nghe Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời tại phiên chất vấn của Quốc hội, tôi thấy nhiều vấn đề "nóng", bức xúc, tồn tại, hạn chế hiện nay của nông nghiệp như: tiêu thụ khó khăn trong ngành chăn nuôi; giá cả vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao, trong khi giá đầu ra nông sản sụt giảm; rồi những bất cập trong công tác quản lý kiểm tra chất lượng giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; quản lý bảo vệ sử dụng đất rừng; chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn... đã được Bộ trưởng đề cập và trả lời khá rõ và đúng trọng tâm. Điều đáng mừng là Bộ đã xây dựng và trình Chính phủ Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với việc xây dựng nông thôn mới. Đây chính là giải pháp để sản xuất sản xuất phát triển ổn định lâu dài cũng như nâng cao đời sống cho người nông dân. Tuy nhiên, điều mà tôi và nhiều cử tri khác mong muốn Bộ trưởng với trách nhiệm của mình cần đưa ra cách giải quyết, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cụ thể, kịp thời hơn để người nông dân yên tâm gắn bó với sản xuất nông nghiệp.


Đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới



Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, trong những năm qua, các cấp, ngành, địa phương ở Thái Bình đã nỗ lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bước đầu đạt được kết quả khá tốt. Đặc biệt, khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 09 về quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ và quản lý đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng nông thôn mới, giai đoạn 2011-2015 đã tạo động lực cho các địa phương thực hiện được nhiều nội dung quan trọng. Tuy nhiên, sau hơn một năm thực hiện Quyết định số 09, ngoài những mặt tích cực, còn bộc lộ một số hạn chế làm chậm tiến độ xây dựng nông thôn mới. Các xã tập trung quá nhiều vào xây dựng cơ bản, trong khi chưa cân đối hết nguồn vốn đối ứng của địa phương dẫn đến tỷ lệ nợ đọng xây dựng cơ bản cao.


Cùng với việc đồng tình cao phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Cao Đức Phát về các giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiêp, cử tri Trang Quang Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk kiến nghị thêm với Quốc hội, Chính phủ sớm có cơ chế, chính sách hỗ trợ để các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới.


Thực tế, chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, tỉnh Đắk Lắkk đã chọn 37 xã làm điểm, trong đó có 4 xã điểm của tỉnh, 33 xã điểm của các huyện, thị xã, thành phố. Sau hơn hai năm thực hiện, bước đầu đã xây dựng được cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện chương trình và nhận được sự đồng tình hưởng ứng nhiệt tình của đồng bào các dân tộc, trở thành phong trào sâu rộng trong cả hệ thống chính trị nên đã đạt được một số kết quả nhất định về xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn vốn bố trí cho chương trình xây dựng nông thôn mới còn quá ít so với nhu cầu nên kết quả đạt chưa cao, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để phát triển sản xuất nông nghiệp thành hàng hóa chuyển biến còn chậm...


Ông Trang Quang Thành kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, cân đối bố trí vốn kịp thời cho tỉnh Đắk Lắk để có điều kiện đầu tư cho các xã điểm, nghiên cứu, ban hành quy chế mẫu về quản lý xây dựng trên địa bàn nông thôn, ban hành bộ kiến trúc mẫu nhà ở, khuôn viên hộ gia đình nông thôn phù hợp với tập quán,, văn hóa các dân tộc để người dân lựa chọn. Ông Trang Quang Thành cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các Bộ, ngành Trung ương tham mưu hoặc ban hành quyết định về cơ chế lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia trên cùng một địa bàn để huy động tổng thể các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới mang lại hiệu quả cao.

 
Đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp để mang lại hiệu quả cao


Tại Đắk Lắk, cử tri Y Rít Buôn Yă, Chi cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk đồng ý với nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Cao Đức Phát, kiến nghị thêm với Quốc hội, Chính phủ, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm có phương án sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp để mang lại hiệu quả cao. Thực tế, qua hơn 9 năm thực hiện sắp xếp, đổi mới và phát triển các nông, lâm trường quốc doanh, Đắk Lắk đã đạt được những kết quả nhất định theo mục tiêu Nghị quyết đề ra đó là, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, sử dụng bền vững tài nguyên đất, tài nguyên rừng, từng bước hình thành các vùng sản xuất nông, lâm nghiệp,, sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh, thâm canh quy mô lớn gắn với chế biến, thị trường... Riêng đối với các lâm trường, chuyển đổi thành các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp phần lớn đều hoạt động sản xuất kinh doanh không có hiệu quả, rừng, đất rừng ngày càng bị thu hẹp. Thậm chí, nhiều công ty lâm nghiệp không có lương để trả cho cán bộ, công nhân viên...


Ông Y Rít Buôn Yă kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm có ý kiến chỉ đạo cụ thể về chủ trương cổ phần hoá các công ty nông, lâm nghiệp của tỉnh theo Quyết định số 14 của Thủ tướng Chính phủ để địa phương xây dựng phương án sắp xếp các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp theo đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Chuyển các công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp không có điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, diện tích quản lý chủ yếu là rừng nghèo thành các ban quản lý rừng. Đối với các công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp hoạt động không có hiệu quả , không có tiềm năng phát triển, không có năng lực quản lý bảo vệ rừng thì giải thể , chuyển giao rừng, đất rừng về cho địa phương để giao rừng, đất rừng cho các hộ dân, nhóm hộ, cộng đồng và các doanh nghiệp có năng lực tổ chức quản lý, bảo vệ rừng mang lại hiệu quả hơn trên các lĩnh vực kinh tế, môi trường, xã hội...


Còn nhiều việc cần phải làm ở đồng bằng sông Cửu Long



Tại Vĩnh Long, cử tri Đoàn Hải Nhân, nguyên Tổng Biên tập Báo Vĩnh Long (nay đã nghỉ hưu) cho rằng hầu hết các câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội với Bộ trưởng Bộ Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã đi vào những bức xúc của nông dân, những bất cập, vướng mắc khó khăn trong sản xuất nông nghiệp ở các địa phương... Bộ Trưởng cũng đã nêu được trọng tâm của nông nghiệp Việt Nam trong tương lai là tái cơ cấu sản xuất trong nội bộ ngành theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, nâng cao lợi nhuận cho nông dân. Tuy nhiên, trong trả lời chất vấn, Bộ trưởng chưa đưa ra các giải pháp, chưa tham mưu kịp thời với Đảng, Nhà nước các cơ chế chính sách, hành lang pháp lý… thỏa đáng, phù hợp đối với lĩnh vực này. Bộ trưởng cũng chưa nêu được trách nhiệm của Bộ trong việc bảo vệ rừng phòng hộ, trong việc hỗ trợ các yếu tố đầu vào của sản xuất nông nghiệp, trong việc nông dân chưa được hưởng lợi hoặc hưởng lợi rất ít khi Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ thu mua lúa tạm trữ. Bộ Nông nghiệp thiếu sự chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tìm đầu ra ổn định cho nông sản, trong việc phòng chống gian lận thương mại, nhất là đối với các mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các mặt hàng vật tư nông nghiệp khác.


Còn theo ông Phạm Đình Lộc, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Vĩnh Long, những biện pháp mà Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã nêu bước đầu đã đi thẳng vào trách nhiệm của Bộ trong các vấn đề thu mua gạo tạm trữ phục vụ xuất khẩu, tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi… nhưng việc trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát đối với chất vấn của Đoàn đại biểu tỉnh Quốc hội tỉnh Yên Bái về những bất cập, bất lợi của nông dân trong chăn nuôi, vấn đề buôn lậu gia cầm; những vấn đề liên quan tới các yếu tố đầu vào của sản xuất nông nghiệp (giống, thức ăn chăn nuôi, phân, thuốc bảo vệ thực vật) của đại biểu đoàn Quốc hội T.P Hồ Chí Minh chỉ mới dừng ở việc đưa giải pháp trước mắt, việc thực hiện còn chậm nên chưa thấy hiệu quả. Trách nhiệm của Bộ trước thực trạng nông dân “được mùa-rớt giá”, trong việc giúp nông dân thoát nghèo bền vững cũng chưa rõ ràng. Từ đó, ảnh hưởng tới tiến độ, chất lượng của việc phát triển nông nghiệp- hỗ trợ nông dân- phát triển nông thôn. Nông dân chưa thấy rõ vai trò của Bộ trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường, tạo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực như lúa gạo, trái cây, chè, cà phê, tiêu, điều, gia súc, gia cầm...


Hiện nay, việc sản xuất con giống gia súc, gia cầm, giống lúa…của Việt Nam chưa đáp ứng, nông dân đang phải tự bươn chải, dẫn đến chất lượng chưa cao. Tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, việc phát triển đàn bò đang phụ thuộc rất nhiều vào con giống do nông dân tự mua từ các nước lân cận.Việc Bộ chỉ đạo các địa phương tổng kiểm tra về chất lượng 10 mặt hàng phân bón, vật tư nông nghiệp để phát hiện, xử lý vi phạm về hàng gian, hàng giả là cần thiết nhưng việc kiểm tra chưa thường xuyên và xử lý vi phạm chưa đủ mạnh nên tác dụng răn đe chưa cao.




Nhóm phóng viên: Thanh Phú, Quang Huy, Phạm Thị Bình
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII: Hôm nay công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII: Hôm nay công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm

Sáng 10/6, với 476 đại biểu tán thành (95,58% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua danh sách 47 người được lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN