Mở đầu phần giải trình, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp về những tồn tại, các giải pháp tích cực mà các ĐBQH đã đóng góp cho ngành Tòa án. Những hạn chế, tồn sẽ được tiếp thu, khắc phục trong thời gian tới.
Áp lực là có thật
Liên quan việc các ĐB có đề cập đến một số nội dung lớn như thiếu biên chế, áp lực áp lực công việc và các chỉ tiêu Quốc hội giao cho ngành Tòa án…, Chánh án Nguyễn Hòa Bình thừa nhận, Tòa án hiện nay đang chịu nhiều áp lực. Hiện nay các Tòa án xét xử trung bình 600 vụ án/năm; lượng án gia tăng hàng năm, chỉ tính riêng năm 2019 tăng 12%. Tuy nhiên, con số này chưa dừng lại ở đó, mà dự báo lượng án tăng tỷ lệ thuận với quy mô dân số và quy mô nền kinh tế. Qua tham khảo tất cả các quốc gia với quy mô dân số 100 triệu dân thì số lượng vụ việc mà họ giải quyết, 1,5 đến 2 triệu vụ/năm. Nên 600 ngàn vụ vẫn chưa phải là lớn, trong tương lai có thể sẽ tăng. Điều này đặt ra việc hệ thống Tòa án sẽ phải chuẩn bị các phương án để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Chánh án cho biết.
Vậy nên, áp lực với các Thẩm phán hiện nay là có thật, hiện có rất nhiều Thẩm phán xin nghỉ việc ở nhiều địa phương chứ không riêng gì TP Hồ Chí Minh như ĐB nêu.
Từ thực tế này, Chánh án đề nghị Quốc hội xem xét vấn đề biên chế, vì khi dân số tăng, chúng ta phải đổi mặt nhiều vấn đề như nhà ở, giao thông, bệnh viện, trường học, điện nước… tất cả áp lực này có thể giải quyết bằng cơ chế thị trường, công tác xã hội hóa, nhưng riêng hoạt động tư pháp thì không thể theo phương pháp này được.
Liên quan đến kiến nghị hướng dẫn quy định pháp luật, Chánh án cho hay: Bộ Công an cũng đã nêu những bất cập như hướng dẫn về cai nghiện, giám định ma túy, môi trường… Tòa án sẽ tiếp thu và giải quyết những gì thuộc thẩm quyền như việc ban hành Nghị quyết của TANDTC. Thời gian qua TANDTC đã rất nỗ lực trong việc ban hành Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC và hướng dẫn án lệ. Hiện đã có hơn 500 vụ án áp dụng án lệ, là kết quả rất khả quan.
Sẽ giám đốc thẩm một số vụ án
Liên quan đến một số vụ án cụ thể mà ĐB nêu cụ thể, trong phần thảo luận, ĐB Trương Trọng Nghĩa đã gửi câu hỏi đến Chánh án TANDTC về việc TAND tỉnh Kon Tum xét xử phúc thẩm (lần ba) ngày 12/8 đã xử tội trộm cắp tài sản là trái với thông tư liên tịch số 19, trái với văn bản hướng dẫn chính thức của Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình trước đó (nay là Phó Thủ tướng Thường trực).
Kết quả này cũng trái với quan điểm của Cục kiểm lâm, nhiều luật gia, luật sư, cựu Phó Chánh án TANDTC Trần Văn Độ, các Thẩm phán cao cấp, kỳ cựu. Đặc biệt, theo ĐB Nghĩa, việc TAND tỉnh Kon Tum xét xử phúc thẩm lần ba ngày 12/8/2019, xét xử 5 bị cáo về tội trộm cắp tài sản là trái ngược với thực tiễn xét xử nhiều năm của ngành Toà án...
Về vụ án này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, TANDTC sẽ xem xét theo thủ tục giám đốc, tái thẩm. Vụ gỗ trắc KonTum, qua tổng kết xét xử mới đây, HĐTP có hướng dẫn nếu như một vụ án có nhiều hành vi thỏa mãn nhiều tội, thì phải điều tra, truy tố, xét xử theo nhiều tội. Quá trình xét xử, Tòa án cũng xem xét tình hình thực tế hiện nay, rừng ở đây bị tàn phá nhiều, thậm chí nhiều đối tượng bơm hóa chất vào cây cho chết để chặt lẫy gỗ…
Đối với vụ án buôn lậu gỗ ở Quảng trị các ĐB đề cập, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay, theo hồ sơ vụ án, Công ty TNHH Ngọc Hưng có trụ sở tại Quảng Trị nhập khẩu một lô hàng từ Lào theo hợp đồng thương mại có só lượng là 535 khối gỗ (làm tròn số). Trong quá trình vận chuyển từ Lào về, lô hàng bị Tổng Cục Hải quan bắt giữ, sau đó Bộ Công an tiến hành điều tra đưa ra kết luận lô hàng có tổng giá trị là 614 khối. Cũng theo kết luận của Bộ Công an, hồ sơ xuất khẩu từ bên Lào là hồ sơ giả cho nên đề nghị xử lý về tội buôn lậu là 614 khối gỗ.
Trên cơ sở kết quả điều tra, Viện Kiểm sát cũng đã ra cáo trạng truy tố Công ty TNHH Ngọc Hưng buôn lậu 614 khối gỗ.
Tiếp đó, TAND TP Đà Nẵng tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án đã không chấp nhận cáo trạng truy tố với khối lượng gỗ như trên, mà chỉ chấp nhận Công ty TNHH Ngọc Hưng buôn lậu 23 khối gỗ hương (trong số 78 khối gỗ không được khai báo Hải quan), không đóng thuế và tuyên án sơ thẩm.
Sau khi HĐXX tuyên bản án sơ thẩm, Viện Kiểm sát đã có kháng nghị, cho rằng Tòa đã bỏ lọt tội phạm, đề nghị đưa lên Khoản 4 và phải truy tố hết 614 khối gỗ. Bên cạnh đó, các bị cáo liên quan đến nhóm cán bộ Hải quan và Công ty TNHH Ngọc Hưng cũng kháng cáo kêu oan, nên Tòa tiếp tục mở phiên tòa xét xử phúc thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX tiếp tục tuyên không chấp nhận 614 khối gỗ, mà chỉ chấp nhận buôn lậu 78 khối. Lý do là có 535 khối gỗ đã được đóng thuế và khai báo Hải quan.
Theo ý kiến và công văn của Bộ Công Thương trình bày trước phiên tòa thì doanh nghiệp Việt Nam không phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, tính đúng đắn từ các hồ sơ từ bên ngoài. Vì thế, những hàng hóa đã được khai báo Hải quan, đóng thuế được coi là hợp pháp.
Cùng với căn cứ đó, Tòa đã chấp nhận 535 khối gỗ của Công ty TNHH Ngọc Hưng là hợp pháp, còn lại phần không khai báo là 78 khối bao gồm 23 khối gỗ hương Tòa cấp sơ thẩm đã tuyên và 55 khối gỗ trắc không khai báo Hải quan và không đóng thuế thì Tòa tuyên là buôn lậu và tịch thu.
Cụ thể, Biên bản giám định tại phiên tòa được tiến hành trên cơ sở đề nghị của cơ quan điều tra Bộ Công an và Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đã tiến hành giám định.
Tòa án ủng hộ việc Quốc hội giám sát tối cao một số vụ án
Về câu hỏi của ĐB tại sao giám định 78 khối và việc giám định này có gì sai hay không, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết: Trước khi Quốc hội khai mạc TANDTC có mời Bộ Công an và VKS cho ý kiến về vấn đề này và hai cơ quan này đều khẳng định, việc giám định này đúng quy trình. Lý do là Viện Sinh thái và Tài nguyê giám định theo yêu cầu của CQĐT và có sự giám sát của VKS và Bộ Tư pháp cũng đã có công văn khẳng định cơ quan này có tư cách giám định.
“Nếu như theo ý kiến của ĐBQH nói cơ quan giám định này không có tư cách để giám định, thì phải xem xét lại tất cả các vụ án từ trước đến nay có sự tham gia giám định của cơ quan này”, Chánh án cho biết.
Vẫn đề nữa là, trong vụ án có nhiều vi phạm: Bán tài sản gỗ đi, bán tang vật vụ án, bán tài sản thuộc sở hữu của người khác. Chính vì vậy từ phiên tòa sơ thẩm đến phúc thẩm, HĐXX đã kiến nghị điều tra làm rõ và xử lý nghiêm những vi phạm này.
Sau phiên tòa, toàn bộ hồ sơ đã được chuyển cho cơ quan chức năng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương… xử lý về mặt đảng đối với cán bộ vi phạm. Quốc hội đã bãi miễn tư cách ĐBQH 01 trường hợp có liên quan. CQĐT VKSNDTC đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và sắp tới toàn bộ vụ án này BCĐ Trung ương về PCTN theo dõi sát sao.
Chánh án cũng cho biết thêm, ngày 5/8/2019, Đoàn ĐBQH Quảng Trị có công văn gửi TANDTC, sau đó ngày 28/8 TANDTC đã có văn bản trả lời và gửi cho một số ĐBQH. Thực tế thì đến ngày 18/10 vừa qua, TANDTC mới nhận được đơn yêu cầu giám đốc thẩm của đương sự.
Đối với các vụ án cụ thể các ĐB nêu, TANDTC sẽ xem xét theo trình tự tái thẩm, giám đốc thẩm. Nếu Quốc hội quyết định giám sát tối cao một số vụ án, Tòa án đồng tình và sẽ cung cấp hồ sơ, có báo cáo cụ thể. Đặc biệt, nếu các ĐB quan tâm đến các vụ án, TANDTC sẽ tổ chức cuộc làm việc với các cơ quan tố tụng là Bộ Công an đối thoại và cung cấp tài liệu. Việc này đã làm 1 lần, dù không có quy định nhưng Tòa sẽ làm nếu ĐB yêu cầu, Chánh án khẳng định.