CH Séc kỳ vọng những bước phát triển mới trong quan hệ Séc-Việt

Ngày 5/4, truyền thông Cộng hòa Séc, trong đó có Hãng thông tấn Séc (CTK), Truyền hình Séc (CT), báo điện tử halonoviny HALO, đã có hàng loạt bài viết về sự kiện Quốc hội Việt Nam bầu các chức danh chủ chốt của Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội.

Chú thích ảnh
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu Quốc hội bỏ phiếu bầu Phó Chủ tịch nước, một số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 6/4/2021. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Các bài viết đánh giá cao uy tín của ban lãnh đạo mới của Việt Nam và thành tựu ấn tượng của Việt Nam trong ứng phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, cũng như kỳ vọng vào những bước phát triển mới của mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa CH Séc và Việt Nam trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020.

Theo các bài viết đăng trên CTK và CT, ban lãnh đạo mới của Việt Nam nhận được sự tín nhiệm cao, có kinh nghiệm trên các cương vị lãnh đạo, quản lý Nhà nước quan trọng và đóng vai trò nổi bật trong việc vừa kiểm soát thành công dịch COVID-19 vừa duy trì phát triển kinh tế, đưa đất nước hội nhập nền kinh tế toàn cầu. Thông qua các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, Việt Nam đã kiểm soát được dịch COVID-19, góp phần duy trì phát triển kinh tế. Năm 2020, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới đạt tăng trưởng kinh tế dương.

Trong khi đó, báo điện tử HALO đăng bài viết nêu bật những thành tựu ấn tượng của Việt Nam trong ứng phó với đại dịch COVID-19 và phát triển kinh tế, đồng thời kỳ vọng mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và CH Séc sẽ có bước phát triển mới trong bối cảnh hiệp định EVFTA đã được phê chuẩn và đi vào thực hiện. Bài viết nhấn mạnh ban lãnh đạo mới của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục đưa đất nước có những bước phát triển vượt bậc về kinh tế-xã hội trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, cũng như nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới.

Theo bài viết, Việt Nam được thế giới ca ngợi là điểm sáng về ứng phó với dịch COVID-19 và phát triển kinh tế. Năm 2020, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng âm do tác động của đại dịch, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tăng trưởng cao nhất thế giới. với mức 2,91%. Đáng chú ý, hiện Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, trong đó định hướng xuất khẩu đóng vai trò quan trọng. Với việc ký kết thành công Hiệp định EVFTA năm 2020, Việt Nam đang nổi lên như một đối tác thương mại quan trọng của EU nói chung, trong đó có CH Séc.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, mối quan hệ truyền thống hữu nghị giữa CH Séc và Việt Nam không ngừng được củng cố thông qua các chuyến thăm song phương giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, nhất là chuyến thăm CH Séc năm 2019 của Thủ tướng Việt Nam khi đó là ông Nguyễn Xuân Phúc.

Cộng đồng người Việt tại Séc ngày càng hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại và đóng vai trò là cầu nối quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, cộng đồng người Việt trên toàn CH Séc đã thể hiện tinh thần đoàn kết, tích cực hỗ trợ chính quyền và người dân sở tại ứng phó với dịch bệnh ngay từ giai đoạn đầu như trao tặng khẩu trang, cung cấp những suất ăn và đồ uống  miễn phí cho các lực lượng phòng chống dịch.

Các bài viết khẳng định với việc Việt Nam có ban lãnh đạo mới, mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và CH Séc được kỳ vọng sẽ có bước phát triển mới.

Trần Hiếu (TTXVN)
Truyền thông Italy đánh giá cao ban lãnh đạo mới của Việt Nam
Truyền thông Italy đánh giá cao ban lãnh đạo mới của Việt Nam

Ngày 5/4, ngay sau khi Quốc hội Việt Nam bầu thành công các chức danh chủ chốt, hãng thông tấn Italy Agenziastampaitalia đã đăng bài viết của tác giả Andrea Fais đánh giá ban lãnh đạo mới của Việt Nam đưa đất nước tái khởi động trong điều kiện thuận lợi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN