Cắt giảm tối đa trình tự, thủ tục thực hiện dự án nhà ở xã hội

Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành, rà soát, cắt giảm tối đa trình tự, thủ tục thực hiện dự án nhà ở xã hội; đơn giản hóa tiêu chí xác định đối tượng cũng như điều kiện, thủ tục thuê, mua nhà ở xã hội.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Trên đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc về dự thảo Nghị định quản lý và phát triển nhà ở xã hội, sáng 27/5, tại Trụ sở Chính phủ.

Huy động nguồn lực phát triển nhà ở xã hội

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, việc xây dựng các nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 đều rất quan trọng do liên quan đến người dân, doanh nghiệp, công tác quản lý nhà nước ở Trung ương, địa phương. Do đó, các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, hiệp hội doanh nghiệp… góp ý trực tiếp, hoàn thiện theo quy trình chặt chẽ nhất để nghị định khi được ban hành và triển khai thực thi luật, không xảy ra vướng mắc, khó khăn.

Về một số vấn đề cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cơ chế huy động, sử dụng nguồn lực cho phát triển nhà ở xã hội một cách thống nhất, tập trung. Trong đó, nhà nước đóng vai trò chủ đạo; cùng với đó là nguồn tiền đóng góp để phát triển nhà ở xã hội từ các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại và nguồn xã hội khác, không để gánh nặng cho các ngân hàng thương mại khi tham gia gói tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội.

Nghị định cần có thêm các quy định mang tính chính sách, có tính dài hơi về quy hoạch, bố trí quỹ đất trong phát triển đô thị, nông thôn, dành ngân sách Nhà nước kết hợp với các nguồn khác cho dự án nhà ở xã hội.

Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành, rà soát, cắt giảm tối đa trình tự, thủ tục thực hiện dự án nhà ở xã hội; đơn giản hóa tiêu chí xác định đối tượng cũng như điều kiện, thủ tục thuê, mua nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng làm rõ tiêu chí về nhà ở xã hội, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư dự án nhà ở xã hội; hình thành cơ chế hậu kiểm trong thanh tra, kiểm tra các dự án nhà ở xã hội; bổ sung chế định chuyển đổi quỹ đất hoặc dự án nhà tái định cư sang làm nhà ở xã hội…

Với quy định trường hợp bán nhà ở xã hội là nhà ở riêng lẻ (được xây dựng tại xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) phải nộp tiền sử dụng đất, Phó Thủ tướng yêu cầu xem xét, tính toán, quy định cụ thể bảo đảm quyền lợi của bà con đồng bào dân tộc tộc thiểu số, người dân ở vùng khó khăn.

Đối với quy định các giai đoạn của dự án đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang, Phó Thủ tướng yêu cầu, 'không quy định riêng' nhằm bảo đảm bình đẳng giữa các đối tượng được hỗ trợ nhà ở xã hội; đồng thời đẩy mạnh phân cấp cho địa phương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an…

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo cuộc họp. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Làm rõ chính sách tín dụng ưu đãi

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, dự thảo Nghị định gồm 7 chương, 78 điều nhằm hướng dẫn chi tiết 18 nội dung trong Luật Nhà ở 2023 liên quan đến chính sách nhà ở xã hội.

Theo đó, nghị định kế thừa các quy định hiện hành vẫn đang thực hiện hiệu quả, đồng thời thể chế hóa những chủ trương, chính sách mới, đột phá nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội trong thời gian qua.

Các ý kiến tại cuộc họp đã thảo luận, thống nhất với quy định nộp tiền sử dụng đất được tính tại thời điểm chủ đầu tư dự án khi bán lại nhà ở xã hội sau 10 năm cho thuê; người mua nhà ở xã hội là căn hộ chung cư sau 5 năm được bán và không phải nộp tiền sử dụng đất.

Đối với các nội dung liên quan đến phát triển nhà ở xã hội của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, các đại biểu kiến nghị cho phép chủ đầu tư được đề xuất hình thức thực hiện là dành một phần diện tích, bố trí quỹ đất thay thế hoặc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật để xây nhà ở xã hội với tỷ lệ tối thiểu là 20%.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đề nghị ghi rõ số tiền chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại nộp vào ngân sách tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật để xây nhà ở xã hội chỉ sử dụng để phát triển nhà ở xã hội.

Tương tự, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Phan Phong Phú kiến nghị bổ sung nội dung khuyến khích chủ đầu tư nhà ở thương mại trong dự án phát triển đô thị, dành kinh phí đầu tư xây nhà ở xã hội tại quỹ đất được bố trí thay vì nộp tiền vào ngân sách.

Một số ý kiến đề nghị làm rõ chính sách tín dụng ưu đãi; diện tích, hệ số sử dụng đất đối với nhà ở xã hội riêng lẻ; trách nhiệm thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước đối với nghĩa vụ xây nhà ở xã hội của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại; bố trí quỹ đất trong khu công nghiệp để làm nhà lưu trú cho công nhân…

Diệp Trương (TTXVN)
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra hiện trường vụ cháy tại Cầu Giấy, Hà Nội
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra hiện trường vụ cháy tại Cầu Giấy, Hà Nội

Sáng sớm 24/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng lãnh đạo Bộ Công an và Công an thành phố Hà Nội đã đến kiểm tra hiện trường, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả vụ cháy tại Cầu Giấy, Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN