Cảnh sát giao thông học... cười với dân

Trên 1.500 lượt cán bộ cảnh sát giao thông (CSGT) trực tiếp tuần tra, xử phạt, tiếp xúc với người vi phạm vừa được tham gia khóa tập huấn "Văn hóa ứng xử, đạo đức tác phong của cán bộ chiến sĩ cảnh sát" do Công an TP Hồ Chí Minh tổ chức. Mục tiêu của khóa học là chấn chỉnh tư thế, tác phong, văn hóa ứng xử của CSGT với người dân khi thực hiện nhiệm vụ. Nhiều người gọi vui, đây là khóa “học cười với dân” nhằm nâng cao uy tín, giữ gìn hình ảnh đẹp của CSGT trong mắt người dân.


CSGT nên có nét mặt đôn hậu, nụ cười thân thiện. Ảnh: Tuoitre


Thực tế lâu nay, dư luận vẫn còn những định kiến và chưa thật hài lòng với cung cách phục vụ, cũng như tư thế, tác phong và văn hóa ứng xử của CSGT. Có rất nhiều hành vi chưa đẹp mắt về CSGT khi làm nhiệm vụ, gây phản cảm, bức xúc đối với người dân. Một số CSGT đứng ở chỗ khuất tầm nhìn, vị trí bị che chắn để bắt xe vi phạm, nghe điện thoại di động, đút tay túi quần, ngồi quán nước khi làm nhiệm vụ; trong khi xử lý vi phạm có thái độ, lời nói gây căng thẳng, ức chế với người vi phạm. Không ít CSGT chỉ tập trung bắt lỗi, xử phạt người vi phạm, hoặc tư lợi cá nhân...


Chính vì vậy mà không chỉ Công an TP Hồ Chí Minh vào cuộc, công an ở nhiều tỉnh, thành phố cũng đã đặt ra yêu cầu cần có sự thay đổi về tư duy, thái độ trong cách ứng xử khi thi hành công vụ của lực lượng CSGT. Yêu cầu đặt ra là khi giao tiếp với dân, CSGT cần thể hiện thái độ đúng mực, lịch sự, thân thiện, biết lắng nghe và giải đáp những thắc mắc, kiến nghị để người dân hiểu và chấp hành. Bởi CSGT thực chất cũng là công bộc của dân, là những người thay mặt Nhà nước thực hiện quyền lực được giao phó, trực tiếp hướng dẫn người dân thực thi pháp luật. Do vậy, hơn ai hết, CSGT cần phải ý thức rõ quyền lực mà nhân dân trao cho; nếu không sẽ đánh mất nó, khi người dân mất niềm tin vào họ. Vậy nên, muốn xây dựng hình ảnh đẹp, thân thiện, có văn hóa, bản thân mỗi cán bộ, chiến sỹ CSGT không chỉ có nghiệp vụ vững vàng, mà cần phải có văn hóa giao thông, có ý thức bài trừ các hành vi phản văn hóa. Bởi có bài trừ được các hành vi phản văn hóa, sẽ giảm thiểu được sự chống đối của người vi phạm.


Theo đánh giá của chính những người trong cuộc, thời gian gần đây, trên mặt trận bảo đảm trật tự an toàn giao thông, lực lượng CSGT bị chống đối nhiều nhất, một phần cũng do thái độ, ứng xử của một số cán bộ, chiến sĩ chưa đúng mực. Bởi, đã là lực lượng được giao trọng trách giữ gìn trật tự an toàn giao thông, thì trong mọi hành động, lời nói phải làm sao để người dân hiểu và chấp hành đúng pháp luật. Xét cho cùng, vi phạm luật lệ giao thông cũng chỉ là vi phạm hành chính, người vi phạm cần được tôn trọng. Hơn nữa, xử phạt cũng là biện pháp tuyên truyền để người vi phạm biết mà sửa chữa.


Dư luận đồng tình với việc làm của Công an TP Hồ Chí Minh, nhưng cũng cho rằng, chỉ với một khóa tập huấn thôi chưa đủ, mà cần có chương trình hành động cụ thể, thiết thực, để mỗi CSGT ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về kỹ năng nghiệp vụ cũng như văn hoá ứng xử với dân. Bởi, nếu hàng trăm, thậm chí hàng ngàn chiến sỹ thực thi tốt nhiệm vụ, nhưng chỉ cần một người có thái độ không đúng mực, xúc phạm người dân, thì lập tức hình ảnh của lực lượng CSGT sẽ bị ảnh hưởng.



Yến Nhi

Nữ cảnh sát xinh đẹp điều tiết giao thông
Nữ cảnh sát xinh đẹp điều tiết giao thông

Chiều 27/2, nhiều người dân tại TP. Hồ Chí Minh đã khá bất ngờ và ngỡ ngàng khi chứng kiến hai Trung úy Nguyễn Thị Thu Trang và Phạm Thị Trúc Giang điều tiết giao thông tại ngã tư Trần Hưng Đạo – Nguyễn Thái Học, quận 1, TP. Hồ Chí Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN