Cần Thơ cần đẩy mạnh xã hội hóa một số lĩnh vực để tinh giản biên chế

Chiều 29/3, tại quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội đã có buổi làm việc với 3 quận, huyện là Bình Thủy, Ninh Kiều và Phong Điền của thành phố Cần Thơ về “Thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016”.

Tại buổi làm việc, Đoàn Giám sát của Quốc hội đã nghe lãnh đạo các quận, huyện và xã, phường báo cáo về tình hình cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 trên từng địa bàn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Ngọc Thiện/TTXVN

Đa số các ý kiến của lãnh đạo các địa phương cho rằng, việc thực hiện cải cách hành chính, tinh giản biên chế, tổ chức bộ máy nhà nước được thực hiện tinh gọn và bước đầu có hiệu quả. Việc thực hiện cải cách hành chính tại các địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực, một số lĩnh vực mang lại hiệu quả cao được người dân hài lòng...

Tuy nhiên, nhiều địa phương cũng cho rằng, việc tinh giản biên chế cũng làm giảm hiệu quả công việc ở một số lĩnh vực, gây sức ép đối với cán bộ.

Ông Dương Tấn Hiển, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều - một quận trung tâm của thành phố Cần Thơ kiến nghị, Quốc hội cần xem lại Luật Tổ chức chính quyền địa phương mà cụ thể là quy định rõ số lượng thành viên của HĐND và UBND cấp quận, huyện. Hiện nay có 2 Phó Chủ tịch HĐND cấp quận và 2 cán bộ chuyên trách Ban kinh tế xã hội và Ban pháp chế là nhiều, trong khi số lượng công việc phát sinh không nhiều.

Nhưng số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp quận loại I là 3 người, loại II chỉ có 2 người trong khi khối lượng công việc ngày càng tăng lên, tạo áp lực công việc lớn, khó hoàn thành nhiệm vụ nên cần xem xét tăng số lượng cán bộ của UBND và giảm số lượng cán bộ chuyên trách HĐND cấp quận, huyện.

Đối với cấp phường quy định phường loại I có 2 Phó Chủ tịch UBND, phường loại II chỉ có 1 Phó Chủ tịch. Trong trường hợp đối với phường loại II, khi Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch phường đi học, công tác hoặc bị bệnh đột xuất thì chỉ còn 1 người điều hành sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ nên đề nghị tăng thêm 1 biên chế Phó Chủ tịch...

Ngoài ra, đại diện các quận, huyện, xã, phường cũng kiến nghị với Quốc hội cần tăng thêm biên chế cho các vị trí cấp xã, phường bởi hiện tại nhiều vị trí chỉ được hưởng trợ cấp với mức hỗ trợ rất thấp, không khuyến khích cán bộ hoạt động hết năng suất, trong khi cấp xã phường phải làm rất nhiều công việc.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Ngọc Thiện/TTXVN

Đại diện các quận huyện cũng cho biết, việc thực hiện kiêm nhiệm các chức vụ trong thời gian qua được triển khai tốt nên Quốc hội cần nghiên cứu sâu hơn để tiếp tục triển khai hiệu quả. Các cơ quan chức năng cũng cần xác định rõ vị trí việc làm của các phòng, ban bởi hiện nay có một số phòng như phòng kinh tế cấp quận có quá nhiều cơ quan chủ quản nên khối lượng công việc rất lớn, đồng thời quy định mỗi địa phương như cấp xã, phường có tối đa là bao nhiêu khẩu thì được cấp bao nhiêu biên chế bởi thực tế hiện nay có những phường có tổng số nhân khẩu rất lớn, công việc nhiều mà vẫn được giao biên chế như các xã phường bình thường khác là chưa hợp lý, hoạt động chưa hiệu quả...

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Trưởng đoàn Giám sát của Quốc hội đánh giá cao tinh thần làm việc có trách nhiệm, thẳng thắn của lãnh đạo các địa phương, công tác chuẩn bị báo cáo công phu, nghiêm túc, bám sát vào đề cương.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các quận, huyện, xã, phường, thị trấn đã thực hiện đúng quy định về biên chế được giao. Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tại các địa phương đã triển khai cơ bản là phù hợp, không có sự chồng chéo, trùng lắp.

Tuy nhiên đi vào cụ thể có một số vị trí cần lưu ý thêm, chẳng hạn như phòng kinh tế phải thực hiện rất nhiều nghĩa vụ khác nhau như công thương, xây dựng, nông nghiệp và nhiều sở cấp trên quản lý.

Quan điểm của Trung ương là muốn tổ chức các sở ngành, phòng, ban theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực nên tiếp tục rà soát sao cho gọn, phù hợp hơn, làm sao một việc sẽ do một cơ quan thực hiện nhưng một cơ quan, một người cũng có thể làm được nhiều việc miễn sao đảm bảo được hiệu quả công việc.


Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cũng ghi nhận ý kiến của các địa phương đề nghị tăng thêm biên chế cấp xã, phường, quận, huyện, nhất là biên chế tăng thêm 1 Phó Chủ tịch cấp xã, phường, quận, huyện; đồng thời lưu ý các địa phương rằng tinh thần cải cách là giảm biên chế, giảm cấp trung gian và tăng cường năng lực quản lý điều hành của bộ máy theo hướng áp dụng quy trình 1 cửa 1 dấu, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao trình độ năng lực, điều kiện làm việc, kinh phí chế độ chính sách...

Tuy nhiên, đối với thành phố Cần Thơ là trung tâm hành chính, kinh tế, khoa học kỹ thuật của cả vùng Tây Nam bộ thì việc tổ chức bộ máy hành chính phải khác với các địa phương khác...

Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cũng đề nghị các địa phương cần rà soát lại xem những công việc của cấp nào thực hiện có hiệu quả thì tiếp tục phát huy, chú ý không bố trí nhiều lãnh đạo trong một phòng, ban so với cán bộ nhân viên.

Đặc biệt, Cần Thơ cần lưu ý đẩy mạnh công tác xã hội hóa để giảm biên chế, giảm gánh nặng cho bộ máy nhà nước, nhất là đối với lĩnh vực: y tế, giáo dục, văn hóa xã hội...

Những nơi kinh tế chưa phát triển, chưa đủ điều kiện thu hút được doanh nghiệp vào đầu tư, chưa thể xã hội hóa được thì tiếp tục thực hiện theo hệ thống công lập để đảm bảo công tác an sinh xã hội...

Ngọc Thiện (TTXVN)
Tinh giản biên chế, nhưng phải đảm bảo duy trì nguồn nhân lực chất lượng cao
Tinh giản biên chế, nhưng phải đảm bảo duy trì nguồn nhân lực chất lượng cao

Từ ngày 26 - 29/3, Đoàn giám sát của Quốc hội do ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội làm Trưởng đoàn công tác đã làm việc với các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nội về thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN