Cần thể chế hóa chủ trương xã hội hóa trong khám chữa bệnh

Sáng 21/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long, việc xây dựng dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, dự án luật đã thể chế hóa được quan điểm, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đảm bảo chính sách dân tộc cũng như đã được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới theo quy định.  

Tuy nhiên Chính phủ cần tiếp tục tiến hành đánh giá, tổng kết và bổ sung đánh giá tác động, đặc biệt là về nguồn nhân lực cũng như tài chính, đối với những chính sách có thay đổi về nội dung hoặc phát sinh nội dung mới của dự án Luật; rà soát, đánh giá đầy đủ về thủ tục hành chính đối với từng đối tượng chịu sự tác động; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đảm bảo yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính, cải cách thể chế và thể chế hóa đầy đủ, sâu sắc, cụ thể hơn nữa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng trong lĩnh vực y tế trong dự án luật.

Đáng chú ý, về chức danh phải có giấy phép hành nghề khám chữa bệnh đối với “y sỹ” việc dự thảo luật quy định chỉ tiếp tục cấp  giấy phép hành nghề cho chức danh “y sỹ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân” mà không tiếp tục cấp cho các đối tượng y sỹ khác một mặt sẽ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực y tế của hệ thống y tế cơ sở. Mặt khác, chưa thể hiện sự liên thông giữa nguồn nhân lực dân y và quân y.

Nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng cần tiếp tục cấp giấy phép hành nghề đối với chức danh y sỹ, quy định cụ thể về phạm vi hành nghề đối với nhóm đối tượng này. Bên cạnh đó, Chính phủ và Bộ Y tế phải có định hướng và tiến hành đồng thời các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo đối với lực lượng y sỹ nhằm đáp ứng nguồn nhân lực y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân tại tuyến cơ sở.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, y tế là lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe người dân, cộng đồng nhưng cũng là lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực. Do đó trong luật sửa đổi cần nhấn cái gì kế thừa, cái gì cần sửa đổi bổ sung; đặc biệt báo cáo đánh giá tổng kết thi hành luật cần đánh giá rõ hơn, nhất là những hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng cho rằng, cần bao quát hơn trong cấp giấy phép hành nghề đối với chức danh y sỹ chứ không chỉ cấp cho lực lượng vũ trang. "Nếu chỉ cấp cho lực lượng vũ trang vậy khi họ ra khỏi ngành thì nghỉ à? Như thế có lãng phí không. Như quân nhân chuyên nghiệp cũng chỉ 53 tuổi là nghỉ. Trong khi họ vẫn đủ sức khỏe, trình độ đang độ chín nhưng hết tuổi vậy nếu không cấp nữa thì có đào tạo, chuyển nghề hay không là vấn đề cần nghiên cứu", Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, việc lương y và người có bài thuốc gia truyền sau 5 năm tiếp tục cấp phép lại vậy sau 5 năm sẽ thẩm định lại như thế nào để cấp tiếp?. Vì lương y là y học cổ truyền nên cần đánh giá cấp phép sao cho phù hợp. Nhiều lương y có bài thuốc gia truyền chỉ truyền trong gia đình, hoặc chỉ truyền cho 1 học trò, không truyền rộng ra ngoài. Ngay cả người đi thẩm định còn không biết trình độ của họ như thế nào thì biết gì mà đánh giá.

Chú thích ảnh
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra tại Phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, luật phải khuyến khích việc khám chữa bệnh cao cấp, có trình độ cao. Hàng năm có rất nhiều người ra nước ngoài đi khám chữa bệnh. Nhiều người đi khám chữa bệnh ở nước ngoài về nói trình độ thầy thuốc của ta cũng chả kém ai, thậm chí còn hơn nước ngoài. Do đó luật có làm nổi bật, xây dựng các trung tâm kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh hay không?. Nếu làm tốt vấn đề này chúng ta còn phát triển dịch vụ khám chữa bệnh ở Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cần thể chế hóa chủ trương xã hội hóa trong khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, trong đó phát huy vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong khám chữa bệnh. Vì vậy cần rà soát lại, làm rõ vai trò của các hội chuyên môn nghề nghiệp tham gia vào trong quá trình đào tạo chuyên môn, chứng chỉ hành nghề. Như thực tế có nhiều hội như: Tim mạch, gan, thận, trong khi thực tế Hội đồng y khoa quốc gia chỉ có 1 Chủ tịch là chuyên trách, còn lại là kiêm nghiệm. Vậy tại sao chúng ta không phát huy vai trò của các hiệp hội chuyên môn.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tránh việc lạm dụng áp dụng kỹ thuật cao không cần thiết để đẩy giá dịch vụ lên quá cao so với khả  năng chi trả của nhân dân. Từ đó khiến bệnh nhân dồn hết về tuyến trên, ít coi trọng y tế cơ sở. Đặc biệt cần kiểm soát đối với các đơn vị tự chủ tài chính, tránh xảy ra các sai phạm tiêu cực tại cơ sở khám chữa bệnh trong thời gian qua từ mua sắm vật tư, thuốc men, trang thiết bị y tế. Đảm bảo tính công khai minh bạch trong tự chủ về tài chính. Bảo vệ thầy thuốc trước nguy cơ xâm phạm về y đức, kinh tế thị trường gây tổn thương cho bẹnh nhân trong chăm sóc sức khỏe.

Đáng chú ý, dự án Luật quy định đồng thời các giải pháp nhằm nâng cao kỹ năng hành nghề, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh. Nội dung quy định được nhiều ý kiến đại biểu quan tâm tại phiên họp đó là: người nước ngoài hành nghề hành nghề lâu dài tại Việt Nam và khám bệnh, chữa bệnh cho người Việt Nam phải sử dụng tiếng Việt thành thạo trong khám bệnh, chữa bệnh.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho rằng, nếu quy định như thế này sẽ “tự dựng bức tường” ràng buộc.

“Kỹ thuật cao về khám, chữa bệnh chúng ta rất cần tiếp cận với thế giới. Bệnh viện nào có công nghệ tiên tiến nhất là thu hút người khám bệnh. Có những chuyên gia, bác sỹ người nước ngoài nên chăng không có quy định như trong dự thảo luật mà quản lý chặt chẽ người phiên dịch. Luật này chúng ta phải tiệm cận với khoa học tiên tiến trên thế giới. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ, quan điểm của tôi là ủng hộ chuyên gia, bác sỹ nước ngoài nhưng kiểm soát về phiên dịch, kiểm soát về chuyên môn. Vấn đề này nằm trong khả năng của chúng ta”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho hay.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng: “Sử dụng ngôn ngữ trong hành nghề khám, chữa bệnh. Đây cũng là vấn đề nan giải, vướng mắc từ lâu. Chính phủ hiện nay vẫn kiên trì đề xuất phương án nếu người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư nước ngoài mà muốn đang nghề đăng ký hành nghề khám, chữa bệnh tại Việt Nam thì phải biết tiếng Việt thành thạo. Trừ trường hợp người hành nghề nước ngoài chỉ đăng ký khám bệnh, chữa bệnh cho người có cùng ngôn ngữ mẹ đẻ. Vấn đề này đang còn có ý kiến khác nhau, cho nên cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra thì nên theo từng phương án 1 để trình với Quốc hội xem xét. Ta chưa nên chốt cứng để trí tuệ 500 đại biểu sẽ sáng hơn, nhưng mà phải lập luận từng phương án, kinh nghiệm quốc tế để Quốc hội rộng đường quyết định”.

V.Tôn/Báo Tin tức
Nhiều kết quả nổi bật sau 6 năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
Nhiều kết quả nổi bật sau 6 năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế và tác động tích cực đến quá trình tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm y tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN