Thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp
Trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững được Thủ tướng phê duyệt đã xác định rõ là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố thị trường.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ sự chia sẻ với bà con nông dân cùng doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như việc ùn ứ ở cửa khẩu phía Bắc; vấn đề vật tư phân bón, giá nguyên liệu đầu vào của ngành nông nghiệp đều tăng cao trong bối cảnh thị trường đã bị đứt gãy…
Trả lời chất vấn tại Quốc hội, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, 14 triệu nông dân Việt Nam đã rất năng động, linh hoạt để góp phần làm nên kết quả xuất khẩu nông nghiệp, nông lâm, thủy sản trong năm 2021 đạt mức rất cao trong bối cảnh khó khăn. Về vấn đề giá nguyên liệu đầu vào, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, liên quan tới thị trường, quản lý doanh nghiệp, vật tư đầu vào sản xuất, nhập khẩu và xuất khẩu…
Đứng ở góc độ của Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, khi đứt gãy chuỗi cung ứng trong giai đoạn dịch bệnh và nhất là cao điểm ùn ứ cửa khẩu phía Bắc, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, cùng vào cuộc dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho nông dân.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng, đây là trường hợp bất khả kháng do khác biệt trong quy định chống dịch của hai bên.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ phân bón, thuốc, nguyên liệu để chế biến thức ăn.
“Đây là vấn đề được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ NN&PTNT có giải pháp nhằm nâng cao tính tự chủ của ngành nông nghiệp, để tạo ra cái giá trị gia tăng cao hơn, giảm rủi ro thị trường”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công Thương đã có nhiều phiên họp, làm việc với các hiệp hội, ngành hàng phân bón, các doanh nghiệp… liên quan đến lĩnh vực này để cùng tìm giải pháp. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, trong nền kinh tế thị trường không dễ mà áp đặt một mệnh lệnh hành chính. Trong hoàn cảnh này, các hiệp hội cũng đã có những can thiệp nhất định…
Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, muốn tăng năng suất nông nghiệp cần phải giúp người nông dân nâng cao kỹ năng của mình. Nhiều quốc gia trên thế giới, họ coi nông nghiệp là một nghề được huấn luyện và được đào tạo.
Khẳng định kỹ năng nghề nghiệp sẽ góp phần tăng năng suất lao động, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, vấn đề áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp có nhiều góc độ, có những cấp độ cao phải đào tạo cán bộ ngành, cán bộ chủ chốt.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết đang đẩy mạnh Chương trình khuyến nông quốc gia để tập huấn, đào tạo kỹ năng nhận biết thị trường, nhận biết những điều kiện để canh tác cà phê đúng chuẩn, chiến lược phát triển cho người nông dân…
Phát triển ngành thủy sản bền vững theo hướng giảm khai thác, tăng nuôi trồng
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về việc phát triển ngành thủy sản, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, ngành thủy sản có số lượng ngư dân lớn, nhưng còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Do đó, Bộ NN&PTNT đã xây dựng Chiến lược phát triển thủy sản bền vững với định hướng giảm khai thác, tăng nuôi trồng.
Suy giảm tài nguyên thủy sản là câu chuyện toàn cầu do trữ lượng và ngư trường đang dần thu hẹp, cơ sở hạ tầng nghề cá còn chưa được đầu tư xứng đáng. Bộ NN&PTNT đang quy hoạch lại hệ thống cảng cá theo hướng tích hợp để nâng cao hiệu quả trong việc phát triển ngành này.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trữ lượng và ngư trường đang dần thu hẹp, cơ sở hạ tầng nghề cá còn chưa được đầu tư xứng đáng, Bộ NN&PTNT đang quy hoạch lại hệ thống cảng cá theo hướng tích hợp để nâng cao hiệu quả trong việc phát triển ngành này.
Trả lời ý kiến đại biểu Quốc hội việc thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản và mục tiêu hiện đại hóa tàu cá, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, trong triển khai thực hiện Nghị định này, các cấp, các ngành còn một số bất cập, chưa lường trước được hết các tình huống xảy ra, chưa chú ý tới cách vận hành hệ thống để thực thi chương trình lớn và có ý nghĩa.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần đánh giá nhiều chiều, tổ chức lại ngành hàng, huấn luyện đội tàu, ngư dân, hệ thống quản lý thủy sản ở các địa phương, nâng cao hiệu quả khâu thẩm định bình xét đối tượng ngư dân được tham gia, hưởng lợi ích từ chương trình…