Dự thảo Luật kế thừa quy định về hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như Luật Thanh tra hiện hành, gồm: Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh và Thanh tra huyện.
Thảo luận tại tổ, đa số ý kiến của các đại biểu tán thành với việc tổ chức các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính gồm Thanh tra Chính phủ ở trung ương và Thanh tra tỉnh ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; đồng thời, đề nghị bổ sung quy định việc thành lập cơ quan thanh tra tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được thực hiện theo quy định của Quốc hội khi quyết định thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) nhất trí việc cần thiết phải sửa đổi Luật cho phù hợp với điều kiện hiện nay. Đại biểu cho rằng, việc tiếp tục duy trì mô hình tổ chức Thanh tra huyện như Luật Thanh tra hiện hành là cần thiết, vì tổ chức thanh tra hành chính ở cấp huyện đã có quá trình hình thành và phát triển ổn định, lâu dài. Việc duy trì, củng cố cơ quan thanh tra hành chính ở cấp huyện để tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp quản lý nhà nước về công tác thanh tra là cần thiết. Thanh tra huyện là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thanh tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất tổ chức cơ quan thanh tra ở cấp tỉnh và trung ương sẽ bảo đảm phù hợp, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong nhiều luật hiện hành, như: Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng.
Các ý kiến cũng đồng tình việc giữ lại thanh tra cấp huyện vì cấp xã không tổ chức cơ quan thanh tra, nếu bỏ Thanh tra huyện sẽ có “khoảng vắng” giữa cấp xã, phường và Thanh tra tỉnh. Trong khi đó, công việc ở cơ sở, phường, xã ngày càng nhiều, càng phức tạp, Thanh tra tỉnh khó thể bao quát được hết. Hiện nay, theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, trước khi đối thoại với dân, ban hành quyết định hành chính cũng phải có cơ quan thanh tra.
Phân tích nhũng bất cập trong tổ chức và hoạt động của thanh tra cấp huyện hiện nay (về biên chế, hiệu quả hoạt động…), các đại biểu cho rằng, không phải do thiết chế này không còn phù hợp mà do chưa được quan tâm bố trí đủ nguồn lực về con người, kinh phí, điều kiện bảo đảm hoạt động… để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Do đó, cùng với việc duy trì Thanh tra huyện, đề nghị Chính phủ có giải pháp kiện toàn tổ chức, biên chế, đổi mới phương thức hoạt động, bảo đảm các điều kiện cần thiết để Thanh tra huyện có đủ năng lực hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Đối với thanh tra cấp tỉnh, nhiều ý kiến cho rằng, cần giao việc thành lập cho UBND cấp tỉnh theo đúng quy định của luật chuyên ngành và điều kiện của địa phương. Tuy nhiên, theo các đại biểu, nếu chỉ dừng lại ở đó thì sẽ khó thực hiện mà cần tính đến việc thành lập bộ phận thanh tra ghép các lĩnh vực có tính chất tương đồng.
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, thanh tra cấp huyện có chức năng rất quan trọng. Đây là cấp cơ sở thực hiện giải quyết công dân, khiếu nại tố cáo, nếu ngay từ cơ sở làm tốt thì giảm áp lực cho thanh tra thành phố và trung ương. Thanh tra cấp sở là đơn vị cần thiết, có hai chức năng là thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Đại biểu cho biết, thanh tra chuyên ngành đối với địa bàn lớn như Thành phố Hồ Chí Minh là cần thiết khi có tới 8 lĩnh vực hỗ trợ; có hơn 1.000 tổ chức hành nghề luật sư, thừa phát lại…
Cho ý kiến về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, các nguyên tắc, quan điểm đó đều hướng đến mục tiêu để sau khi Luật được sửa đổi sẽ góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của ngành thanh tra và hoạt động thanh tra; xây dựng ngành thanh tra trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực. Do đó, hoạt động thanh tra phải bảo đảm công khai, minh bạch, đảm bảo các kết luận hay kiến nghị thanh tra được đưa ra trên cơ sở đánh giá khách quan, không ai có thể can thiệp, chi phối hoạt động này, cũng như giảm bớt phiền hà cho đối tượng thanh tra, tránh chồng chéo trùng lặp.
Về hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, không những cần tiếp tục giữ mô hình thanh tra 3 cấp gồm Trung ương, tỉnh và huyện mà còn cần tập trung tăng cường năng lực cho cấp huyện bởi cấp huyện là cấp cơ sở gần dân nhất, nhiều việc nhất.
Về thành lập Thanh tra Cục, Tổng cục thuộc Bộ, Thanh tra Sở, thành lập cơ quan thanh tra để thực hiện thanh tra chuyên ngành tại cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan khác của Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tán thành với đề xuất của Chính phủ. Theo đó, ở các Bộ, ngoài Thanh tra Bộ thì còn có Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ được thành lập theo yêu cầu quản lý, theo quy định của pháp luật chuyên ngành và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Chính phủ quyết định thành lập cơ quan thanh tra tại cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan khác của Nhà nước để thực hiện thanh tra chuyên ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật và yêu cầu quản lý. Thanh tra sở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập trên cơ sở quy định của luật chuyên ngành, yêu cầu quản lý trong từng lĩnh vực và tổ chức, biên chế được giao cho địa phương. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần có thêm quy định về tiêu chí, nguyên tắc thành lập và định hướng lớn để làm cơ sở cho Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương quyết định; đồng thời, rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm không chồng chéo.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, người ra quyết định thanh tra, Trưởng Đoàn thanh tra và thanh tra viên, cần phân định rõ trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan nhà nước với trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra, Trưởng Đoàn thanh tra và từng thành viên trong Đoàn thanh tra viên; đảm bảo từng chủ thể thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Đây là những nội dung luật cần cụ thể hóa, tránh can thiệp, ảnh hưởng đến tính khách quan, chính xác của kết luận thanh tra và phòng ngừa sơ hở, tiêu cực.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội tán thành cao với việc bỏ thanh tra thường xuyên và chỉ rõ, qua tổng kết thực tiễn cho thấy thực chất thanh tra thường xuyên chính là hoạt động kiểm tra. Trong khi đó, hoạt động kiểm tra là hoạt động thường xuyên của các cơ quan chức năng trong bộ máy nhà nước, lãnh đạo quản lý phải có kiểm tra gắn với các nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo thực hiện, nắm tình hình, nếu tiếp tục duy trì hình thức thanh tra thường xuyên sẽ trùng lặp với kiểm tra.