Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình khẳng định, nhân đạo và khoan hồng đối với người phạm tội là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Pháp luật nước ta vừa thể hiện tính nghiêm minh đối với người phạm tội, kiên quyết trừng trị nghiêm khắc các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, ngoan cố chống đối, tái phạm nguy hiểm, nhưng luôn khoan hồng, tha thứ đối với người phạm tội thành khẩn, lập công chuộc tội, ăn năn hối cải và tạo mọi điều kiện thuận lợi để họ sửa chữa sai lầm, trở thành người lương thiện, có ích cho xã hội.
Thực hiện chủ trương, chính sách nêu trên, sau khi Quốc hội ban hành Luật Đặc xá, từ năm 2009 đến nay, Nhà nước ta đã thực hiện 9 đợt đặc xá cho hơn 92.000 trường hợp. Mặc dù, số lượng người được đặc xá lớn nhưng tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội vẫn được bảo đảm, không xảy ra phức tạp do người được đặc xá gây nên.
Phần lớn người được đặc xá đã trở về nơi cư trú, ổn định cuộc sống và làm ăn lương thiện, tỷ lệ người được đặc xá tái phạm tội thấp. Công tác đặc xá đã bảo đảm các yêu cầu chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, đối ngoại, được nhân dân trong nước đồng tình và dư luận quốc tế đánh giá cao.
Nhân dịp Quốc khánh 2/9 và kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10, thực hiện Luật Đặc xá, Chủ tịch nước đã ban hành Quyết định số 758/2024/QĐ-CTN về đặc xá năm 2024 và Quyết định số 759/2024/QĐ-CTN về thành lập Hội đồng tư vấn đặc xá. Thực hiện Quyết định của Chủ tịch nước, Hội đồng tư vấn đặc xá đã ban hành hướng dẫn cụ thể, mặc dù thời gian rất ngắn nhưng các bộ, ngành liên quan, các thành viên Hội đồng, đặc biệt là Bộ Công an - Cơ quan thường trực và Tòa án nhân dân tối cao đã rất cố gắng, khẩn trương chỉ đạo, tích cực triển khai thực hiện, bảo đảm công tác đặc xá được triển khai chặt chẽ, nghiêm túc theo quy định của pháp luật, đúng tiến độ đề ra.
Để việc xét duyệt bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của đợt đặc xá theo chủ trương của Đảng, Quyết định của Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan chức năng tập trung kiểm tra, xem xét, đánh giá công khai, minh bạch; cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng từng trường hợp cụ thể, bám sát điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Luật Đặc xá và quyết định của Chủ tịch nước.
Báo cáo tại cuộc họp, Thiếu tướng Trần Văn Thiện, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (Bộ Công an) cho biết, thực hiện Quyết định số 758/2024/QĐ-CTN và Hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá, thời gian qua, với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm cao, các tổ thẩm định liên ngành của Hội đồng tư vấn đặc xá và các tổ chuyên viên giúp việc cho thành viên hội đồng thuộc các bộ, ban, ngành đã tiến hành kiểm tra, thẩm định hàng nghìn hồ sơ đủ điều kiện đề nghị đặc xá tại các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện thuộc Bộ Công an và các trại giam do Bộ Quốc phòng quản lý.
Có thể khẳng định, việc xét đề nghị đặc xá cho những người đủ điều kiện được tiến hành theo quy trình hết sức chặt chẽ, công khai, dân chủ, khách quan, công bằng, minh bạch, đúng đối tượng, điều kiện theo quy định. Hồ sơ đề nghị đặc xá được kiểm tra, thẩm định qua nhiều cấp với sự tham gia của nhiều cơ quan ban, ngành chức năng và đặc biệt là sự giám sát của các tổ chức xã hội và nhân dân.
Theo Thiếu tướng Trần Văn Thiện, để công tác đặc xá năm 2024 đạt kết quả tốt, các cấp, các ngành, các địa phương cần quan tâm đến công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người được đặc xá trở về địa phương, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và quần chúng nhân dân chung tay giúp người được đặc xá xóa bỏ mặc cảm tội lỗi. Tránh kỳ thị đối với người được đặc xá, đồng thời làm tốt việc theo dõi, giáo dục, giúp đỡ, dạy nghề và tạo việc làm cho người được đặc xá trở về cộng đồng làm ăn lương thiện, hạn chế tái phạm tội và vi phạm pháp luật.
Đối với những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cần vận động các ngành, đoàn thể, tổ chức kinh tế - xã hội quan tâm giúp đỡ họ vay vốn làm ăn, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Từ năm 2009 đến nay, Chủ tịch nước đã 9 lần ký quyết định đặc xá cho hơn 92.000 phạm nhân có quá trình cải tạo, lao động học tập tốt trở về với gia đình, cộng đồng làm công dân có ích cho xã hội. Hầu hết người được đặc xá trở về đã nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, có cuộc sống ổn định và làm ăn lương thiện. Nhiều người trong số họ đã trở thành doanh nhân thành đạt hoặc tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương, tỷ lệ người được đặc xá tái phạm tội là rất thấp (lần đặc xá gần đây nhất năm 2022, tính đến nay mới có 2 người trong tổng số 2.438 người được đặc xá tái phạm tội, chiếm 0,08%).
Những kết quả trong các các đợt đặc xá trước đây đã được nhân dân trong nước đồng tình và dư luận quốc tế đánh giá cao, tiếp tục khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước và pháp luật trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người một cách công bằng, bình đẳng.
Tại cuộc họp, Hội đồng đã xem xét hồ sơ, danh sách phạm nhân đủ điều kiện đề nghị đặc xá và hồ sơ, danh sách phạm nhân không được đặc xá, đồng thời xem xét hồ sơ những người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đủ điều kiện đề nghị đặc xá và không đủ điều kiện đề nghị đặc xá.
Sau cuộc họp hôm nay, Hội đồng tư vấn đặc xá sẽ tổng hợp, trình Chủ tịch nước danh sách phạm nhân đủ điều kiện được đặc xá để xem xét, quyết định.