Sáng 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật Hải quan (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: An Đăng – TTXVN |
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên UBTVQH tán thành với những lý do cần thiết phải sửa đổi Luật Hải quan; đồng thời đóng góp nhiều ý kiến về bố cục của dự thảo cũng như những nội dung cơ bản và sửa đổi của dự án luật. Đã có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh quy định có hay không cho phép lực lượng hải quan thực hiện truy đuổi, điều tra, sử dụng vũ khí trấn áp các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện ủng hộ việc tăng cường các biện pháp nghiệp vụ của hải quan như truy đuổi đối tượng vì đây là hành vi phạm tội quả tang. Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng đồng ý với quan điểm nâng cao thẩm quyền áp dụng các biện pháp nghiệp vụ của hải quan trong việc được phép tiến hành một số hoạt động điều tra hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến xuất nhập khẩu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị ban soạn thảo lưu ý đến trường hợp trách nhiệm của lực lượng hải quan trong trường hợp xảy ra vụ việc có hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc quy định cho phép hải quan truy đuổi trên biển, cho rằng quy định như vậy là không khả thi; đề nghị ban soạn thảo xem xét lại quy định trang bị vũ khí cho lực lượng này trong thực thi nhiệm vụ, quy định rõ thẩm quyền cụ thể của hải quan. Chỉ nên quy định thẩm quyền xử lý, điều tra, trinh sát của hải quan trong địa bàn hải quan, ông Ksor Phước đề xuất.
Quan tâm đến công tác quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ của hải quan, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ việc tiến hành kiểm tra, thanh tra ngẫu nhiên để kịp thời cảnh báo, ngăn chặn những hành vi vi phạm, tiêu cực trong hoạt động nghiệp vụ hải quan.
Đánh giá cao kết quả chuẩn bị tích cực cho Dự án Luật Hải quan sửa đổi, song, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm, cần tiếp cận dự án luật một cách toàn diện hơn không đơn thuần chỉ ở khía cạnh thủ tục hành chính mà còn phải nâng cao hơn nữa vai trò của hải quan trong công tác quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, đồng thời đảm bảo hiệu quả, hiệu lực phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục làm rõ, bổ sung quy định giảm tối đa chi phí hải quan cho doanh nghiệp; minh bạch hóa tối đa thủ tục hành chính về hải quan nhằm đảm bảo hiệu quả quản lý Nhà nước đi đôi với xây dựng hình ảnh tốt đẹp của hải quan trong cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Cân đối dạy chữ và dạy làm người
Chiều 15/8, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, UBTVQH cho ý kiến về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Theo đánh giá của đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”, trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn lực còn hạn hẹp, được sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, với những nỗ lực của đội ngũ nhà giáo và học sinh, giáo dục phổ thông đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thực hiện sứ mệnh nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành tương đối đầy đủ, đã từng bước thể chế hóa các chủ trương, quan điểm lớn của Đảng về giáo dục, tạo hành lang pháp lý cho giáo dục phổ thông phát triển.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng chất lượng giáo dục phổ thông nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu giáo dục cũng như yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và còn thấp so với các nước tiên tiến. Chương trình sách giáo khoa còn thiên về truyền đạt kiến thức, chưa chú trọng đúng mức việc rèn luyện tư duy sáng tạo và năng lực tự học, chưa cân đối dạy chữ với dạy làm người, giáo dục đạo đức, lối sống, lịch sử, văn hóa dân tộc cũng như định hướng nghề nghiệp.
Đa số các thành viên UBTVQH cơ bản tán thành với báo cáo Chính phủ và đoàn giám sát, tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng kết quả giám sát cần được thể hiện rõ hơn, cụ thể hơn trong từng nhận định, đánh giá nhận xét. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, nội dung báo cáo của đoàn giám sát chưa trả lời được các câu hỏi mang tính quyết định: Chất lượng giáo dục tốt hay xấu? Chương trình giáo dục phổ thông nặng hay nhẹ? Sách giáo khoa hiện đại hay lạc hậu? mà mới chỉ liệt kê được các nội dung liên quan đến vấn đề này. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng: Hệ thống giáo dục của Việt Nam hiện nay còn "thiếu hơi thở của thời đại và hơi thở của thực tiễn". Sách giáo khoa còn thiếu hệ thống, nặng về kiến thức bác học, thiếu kiến thức phổ thông, gây lãng phí thời gian cho xã hội, áp lực cho cả học sinh và giáo viên. Trong một thời gian ngắn mà nội dung sách giáo khoa thay đổi, cải cách quá nhiều...
Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý nêu thực tế: Trong 10 năm qua đã có 461 văn bản được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành. Đây là một khối lượng văn bản đồ sộ tuy nhiên báo cáo của đoàn giám sát chưa nêu được tác động, chất lượng quyết định chính sách của 461 văn bản trên như thế nào. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sắp xếp, hệ thống hóa các văn bản này.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị đoàn giám sát tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các thành viên UBTVQH, sớm hoàn chỉnh báo cáo, chuẩn bị dự thảo Nghị quyết giám sát để gửi UBTVQH, các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII. Nội dung của Nghị quyết cần giao nhiệm vụ rõ ràng cho UBTVQH, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết mới về chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau 2015 theo lộ trình . Sau khi hoàn thiện văn bản giám sát, UBTVQH, Chính phủ cần chuẩn bị dự án Luật Nhà giáo trình Quốc hội khóa XIII. Nghị quyết cũng cần nêu rõ giao Chính phủ phối hợp với Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, điều chỉnh các nội dung liên quan đến giáo dục phổ thông, bảo đảm tính thống nhất, có hiệu lực, hiệu quả thực hiện, có chất lượng ổn định.
TTN