Cần làm rõ vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Theo chương trình kỳ họp thứ 10, sáng nay 17/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đây là dự án Luật lần đầu được Quốc hội bàn thảo nhưng đã có những ý kiến phản biện.

Chú thích ảnh
Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum góp ý về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. 

Góp ý vào dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum cho rằng: Thời gian qua, tình hình an ninh trật tự ở địa bàn các xã biên giới, vùng nông thôn, miền núi có nhiều chuyển biến tích cực, nhân dân yên tâm lao động, sản xuất; đặc biệt là ở những địa bàn trọng điểm cấp xã, cấp phường có sự tham gia của các lực lượng.

Mặc dù vậy, thời gian gần đây tình hình an ninh ở cơ sở vẫn còn những diễn biến hết sức phức tạp. Ví dụ ngay ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện tượng cướp giữa ban ngày, hay một số nơi lại xảy ra hiện tượng đâm chém gây mất an ninh trật tự… Đặc biệt tội phạm về ma túy ở vùng biên giới có nơi người tham gia mua bán là người địa phương chiếm 80%… từ đó tạo ra tình hình an ninh rất phức tạp.

Thượng tướng Lê Chiêm cho rằng: “Việc tổ chức lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nếu ta làm tốt thì sẽ góp phần đáng kể để cùng với các lực lượng khác đảm bảo an ninh chính trị trên địa bàn tốt hơn, tạo điều kiện cho an sinh xã hội, kinh tế phát triển”.

.“Tôi nhất trí cao cần có lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, nhưng cần tổ chức thống nhất để phát huy thật mạnh. Thật sự là lực lượng nòng cốt trong vấn đề bảo vệ an ninh chính trị”, Thượng tướng Lê Chiêm nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, hiện nay ở cấp xã, lãnh đạo địa phương đang chỉ huy quá nhiều lượng nhưng không thống nhất, vẫn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Chính quyền xã sử dụng 4 đến 5 lực lượng nhưng vẫn chưa giải quyết được vấn đề an ninh chính trị trên địa bàn.

Đại biểu Phùng Văn Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bày tỏ băn khoăn về cơ sở thực tiễn, sự cần thiết ban hành luật như trong Tờ trình của Chính phủ đã nêu. Đại biểu đề nghị cần giải trình rõ việc ban hành luật phải dựa trên tình hình thực tiễn trật tự trị an ở cơ sở. Nếu ban hành luật chỉ để giải quyết nhu cầu bố trí việc làm cho 126.000 công an xã khi Pháp lệnh Công an xã hết hiệu lực thì chưa đủ sức thuyết phục.

Một số đại biểu lại cho rằng, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng không có chức năng chính danh mà chức năng của lực lượng này là phối hợp.  

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đặt câu hỏi, việc thành lập một lực lượng không có chức năng chính danh thì có cần trụ sở làm việc gây tốn kém, lãng phí hay không. Dự án Luật cần nghiên cứu có thể quy định tận dụng trụ sở khác ở làng bản.

Đối với cụm từ “chính danh”, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị thiết kế lại về kỹ thuật lập pháp, bởi nếu là chính danh thì lực lượng này có thể làm việc độc lập, trường hợp cản trở hoặc chống lại sẽ phạm tội chống người thi hành công vụ theo Bộ Luật hình sự, như vậy là không chính xác.

Bài, ảnh: V.Tôn/Báo Tin tức
Cắt giảm được 150 tỷ đồng/tháng khi thống nhất ba lực lượng an ninh trật tự tại cơ sở 
Cắt giảm được 150 tỷ đồng/tháng khi thống nhất ba lực lượng an ninh trật tự tại cơ sở 

Ngày 11/9, Phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Dự kiến dự án Luật sẽ được trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV tới đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN