Tại phiên họp này Ủy ban sẽ thẩm tra các dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); dự án Luật Lực lượng dự bị động viên, đồng thời thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2018, việc triển khai nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông những tháng đầu năm 2019...
Trong phiên làm việc ngày 6/5, Ủy ban đã thẩm tra dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ tham dự phiên họp.
Minh bạch thủ tục quản lý xuất cảnh, nhập cảnh
Thảo luận về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, các thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh tán thành sự cần thiết ban hành dự án Luật. Các đại biểu nhấn mạnh, việc ban hành Luật này nhằm quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, minh bạch trình tự, thủ tục quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, các trường hợp hạn chế quyền công dân trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng những thành tựu của khoa học, công nghệ trong quản lý xuất nhập cảnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
Các đại biểu đề nghị không hợp nhất dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam với Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam vì cho rằng giữa hai Luật này khác nhau về đối tượng áp dụng, nội dung điều chỉnh, thủ tục hành chính, các loại giấy tờ được cấp và nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước.
Có ý kiến băn khoăn về tính khả thi của các quy định về hộ chiếu có gắn chip điện tử, quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân. Ý kiến này cho rằng những nội dung nói trên khó triển khai, áp dụng đồng bộ để khai thác, sử dụng, xử lý dữ liệu chung kể từ ngày Luật này có hiệu lực (ngày 1/7/2020) và đề nghị bổ sung quy định chuyển tiếp để có lộ trình thực hiện cho phù hợp, đảm bảo tính khả thi.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trần Ngọc Khánh nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử Việt Nam” và giao Bộ Công an đầu tư xây dựng phần mềm ứng dụng phục vụ sản xuất, cấp phát, kiểm soát, quản lý hộ chiếu điện tử; xây dựng, thống nhất quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về hộ chiếu và xuất nhập cảnh để dùng chung cho các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao. Vì thế, Bộ Công an cần sớm hoàn thành các nội dung theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm cho việc sản xuất hộ chiếu có gắn chip điện tử và vận hành, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam có tính đặc thù là nội dung mang tính pháp điển hóa cao, các quy định đa phần kế thừa và nâng lên thành luật từ các quy định dưới luật hiện hành. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định hiện có, xác định các nội dung cần thiết quy định trong luật để bảo đảm tính bao quát, phù hợp, đồng thời bổ sung các quy định mới nhằm ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả quản lý.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý Ban soạn thảo cần quan tâm đến các quy định về quy trình, thủ tục gắn với cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm chặt chẽ trong cấp hộ chiếu cho công dân, không để xảy ra thiếu sót nhưng không được gây phiền hà và đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của công dân.
Ban soạn thảo cũng cần làm rõ tính khả thi trong việc triển khai các quy định liên quan đến việc cấp hộ chiếu gắn chíp điện tử, làm rõ tính liên thông, thống nhất khi sử dụng cùng lúc hai hộ chiếu là hộ chiếu thông thường và hộ chiếu có gắn chíp điện tử; vấn đề đồng bộ, kết nối, dùng chung cơ sở dữ liệu giữa Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao, đặc biệt trong việc sử dụng dịch vụ chữ ký số, tính liên thông giữa Cơ sở dữ liệu xuất cảnh, nhập cảnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về căn cước công dân.
Nâng cao hiệu quả hoạt động lực lượng dân quân tự vệ
Qua thảo luận về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi), các đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật, nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về dân quân tự vệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng này trong tình hình mới.
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng cho biết, một số ý kiến đề nghị ban soạn thảo tiếp tục quán triệt chủ trương, nghị quyết của Đảng về tổ chức, biên chế, cải cách chế độ tiền lương; bảo đảm hài hòa, hợp lý giữa yêu cầu xây dựng dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp”, “chú trọng nâng cao chất lượng ở vùng trọng điểm quốc phòng, an ninh và những địa bàn phức tạp” nhưng cần tinh gọn về tổ chức, biên chế, thiết thực, hiệu quả và tránh dàn trải.
Về tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp (Điều 17), một số ý kiến cho rằng quy định tổ chức tự vệ như trong dự thảo Luật là khó khả thi, vì theo quy định của Hiến pháp, Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan hiện nay ở nước ta có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế nên việc tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khó bảo đảm phù hợp với vị trí, chức năng của lực lượng tự vệ “là lực lượng bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước”. Có ý kiến đề nghị chỉnh lý nội dung này theo hướng quy định cụ thể đối với từng loại hình doanh nghiệp cho phù hợp với đặc thù sản xuất, kinh doanh.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để quy định cụ thể hơn điều này, đảm bảo tính khả thi, khắc phục những vướng mắc của Luật hiện hành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật về quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.