Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi đã báo cáo với Đoàn công tác của Quốc hội về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020; đồng thời nêu những nhiệm vụ và giải pháp thực hiện trong giai đoạn năm 2018 - 2020 để hoàn thành thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết, nền kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định và duy trì tốc độ tăng trưởng, GRDP giai đoạn 2016-2018 tăng bình quân 6,36%/năm, cao hơn giai đoạn 2011-2015. Ước tính đến cuối năm 2018, tỉnh có 15/20 chỉ tiêu nghị quyết đạt trên 50%; trong đó có 3/20 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch cả nhiệm kỳ.
Lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục phát triển, nhất là đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020.
Thủy sản tiếp tục khẳng định vai trò ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, toàn tỉnh có 29/82 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, bình quân 1,5%/năm…
Tuy nhiên, vấn đề quan tâm lớn nhất của Cà Mau là vấn đề tác động của biến đổi khí hậu, tình hình sạt lở bờ biển, đê biển đe dọa đến mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết, thời gian qua, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất bờ sông, bờ biển trên địa bàn diễn biến rất nhanh và ngày càng nghiêm trọng.
Từ năm 2017 đến nay, rừng phòng hộ ven biển đã bị mất đi do sạt lở khoảng 8.870 ha, bình quân mỗi năm rừng phòng hộ mất đi hơn 800 ha. Đặc biệt, nguy cơ gây vỡ đê biển Tây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đe dọa tính mạng và tài sản của hàng trăm ngàn hộ dân trong vùng.
Để ứng phó với tình hình sạt lở, tỉnh đã tranh thủ nguồn vốn của Trung ương đầu tư xây dựng hơn 23,6 km kè bảo vệ bờ biển, với kinh phí khoảng 652 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tỉnh hiện có 38 km bờ biển Đông và bờ biển Tây ở vị trí xung yếu cần phải đầu tư xây dựng kè, với kinh phí dự kiến đầu tư khoảng 700 tỷ đồng. Nếu không kịp thời đầu tư theo cơ chế kè khẩn cấp thì nguy cơ vỡ đê là rất lớn, nhiều diện tích đất và rừng phòng hộ ven biển sẽ tiếp tục mất đi do sạt lở.
Tỉnh Cà Mau đề xuất Trung ương bổ sung và tăng vốn hỗ trợ địa phương đầu tư thực hiện các dự án kè chống sạt lở ven biển, tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ ven biển; các dự án tái bố trí di chuyển, định cư cho những hộ dân ở vùng ven biển, cửa sông có nguy cơ sạt lở cao.
Trước mắt, Trung ương xem xét, bố trí 261 tỷ đồng từ nguồn dự phòng đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để tỉnh tiếp tục thực hiện 2 dự án cấp bách là dự án đầu tư xây dựng kè bảo vệ đê biển Đông khu vực cửa biển Rạch Gốc, cửa biển Vàm Xoáy (huyện Ngọc Hiển) và dự án đầu tư xây dựng kè chống sạt lở khu dân cư thị trấn Năm Căn.
Cùng với đó, Trung ương xem xét, bổ sung vốn cho dự án đầu tư xây dựng nâng cấp đê biển Tây, đoạn từ Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân) đến Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) có chiều dài 25km, với kinh phí khoảng 300 tỷ đồng để tuyến đê biển Tây được đầu tư hoàn chỉnh; đồng thời hỗ trợ kinh phí cho tỉnh đầu tư xây dựng các khu tái định để bố trí, di dời những hộ dân ở vùng có nguy cơ sạt lở cao nhằm đảm bảo an toàn tính mạng của người dân.
Ngoài ra, tỉnh Cà Mau cũng đề nghị Trung ương xem xét có cơ chế, chính sách (về đất đai, về rừng) nhằm huy động vốn của các doanh nghiệp đầu tư xây dựng kè, tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ ven biển, kết hợp đầu tư khai thác phát triển du lịch sinh thái, điện gió, điện năng lượng mặt trời.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao những kết quả đạt được trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Cà Mau là tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt là phát triển kinh tế biển. Do vậy, ngoài việc nâng cao hiệu quả khai thác thủy hải sản trên biển, phát triển du lịch, tỉnh cần chú trọng khai thác, phát triển các dự án điện gió, điện năng lượng mặt trời.
Cập tình hình sạt lở, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Cà Mau là tỉnh chịu nhiều tác động về biến đổi khí hậu, có nguy cơ xâm nhập mặn, sạt lở rất lớn và nặng nề, nên cần làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng các chương trình, giải pháp ứng phó có hiệu quả nhất.
Việc đầu tư vốn xây dựng kè chống sạt lở, kè chắn sóng để bảo vệ bờ biển, xây dựng các khu tái định cư phải thực sự mang tính cấp bách và mang lại hiệu quả lâu dài, không gây lãng phí. Tỉnh cần huy động sức mạnh của người dân, doanh nghiệp theo cơ chế ''Nhà nước và nhân dân cùng làm'' trong xây dựng giao thông nông thôn, bảo vệ bờ sông, bờ biển.
Đoàn công tác của Quốc hội cũng đã ghi nhận và trao đổi làm rõ một số nội dung đề xuất, kiến nghị của tỉnh xoay quanh vấn đề đầu tư vốn xây kè bảo vệ bờ sông, bờ biển và các khu tái định cư; đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống công trình thủy lợi vùng Quảng Lộ - Phụng Hiệp; việc dẫn nước ngọt từ sông Hậu về tỉnh Cà Mau là vấn đề cấp thiết nhằm phục vụ cho vùng Bắc Cà Mau và làm giảm độ mặn phục vụ nuôi trồng thủy sản cho vùng Nam Cà Mau…
Trước đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cùng Đoàn công tác đã đến khảo sát thực tế tình hình sạt lở bờ biển do biến đổi khí hậu, nước biển dâng tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển.