Liên minh Hợp tác xã tỉnh Cà Mau kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh xem xét gia hạn thời gian giải tỏa, di dời cho Hợp tác xã Đầm Thị Tường đến sau Tết Nguyên đán 2019 để hoạt động kinh doanh của Hợp tác xã không bị gián đoạn. Bên cạnh đó, xem xét chuyển đổi công năng xây dựng công trình cơ bản của Hợp tác xã trên đầm Thị Tường làm trạm quan trắc thủy văn và môi trường, triển khai hoạt động của tổ công tác liên ngành cũng như công tác cứu hộ, cứu nạn trên đầm Thị Tường, tránh lãng phí công trình do phải tháo dỡ khi giải tỏa.
Liên minh Hợp tác xã tỉnh Cà Mau yêu cầu, Hợp tác xã Đầm Thị Tường (ấp Thọ Mai, xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân, Cà Mau) tích cực chủ động trong công tác chuẩn bị, bố trí mặt bằng di dời các chòi, quán cho phù hợp với điều kiện quy hoạch tạm thời của đầm Thị Tường theo chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của cơ quan chức năng. Liên minh Hợp tác xã tỉnh phân công Trung tâm dịch vụ hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ tư vấn, hỗ trợ Hợp tác xã Đầm Thị Tường xây dựng đề án chi tiết phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng của xã Phú Mỹ phù hợp với quy hoạch tạm thời của đầm Thị Tường theo chỉ đạo UBND tỉnh.
Mặt khác, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Cà Mau kiến nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, hỗ trợ tập huấn kỹ năng chuyên môn cần thiết trong tổ chức hoạt động dịch vụ du lịch cho thành viên Hợp tác xã. Ngoài ra, Sở tạo điều kiện cho Hợp tác xã tham gia vào các hoạt động du lịch gắn với khai thác di tích Khu căn cứ Tỉnh ủy tại ấp Xẻo Đước nhằm đảm bảo Hợp tác xã hoạt động một cách hiệu quả nhất.
Trước đó, ngày 26/10, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau đã có báo cáo về kết quả làm việc với Hợp tác xã Đầm Thị Tường về phát triển du lịch. Theo đó, Sở đề nghị Hợp tác xã Đầm Thị Tường thực hiện đúng yêu cầu về việc di dời nhà hàng ra khỏi đầm Thị Tường đúng thời gian quy định, vị trí cụ thể do Hợp tác xã quyết định. Bên cạnh đó cho rằng, việc thuê 200 ha mặt nước nuôi thủy sản của Hợp tác xã là không đúng quy định. Việc tổ chức hoạt động du lịch cộng đồng là phù hợp nhưng việc Hợp tác xã yêu cầu nhà nước đầu tư xây dựng 1.000m bờ kè ven đầm là không đúng chủ trương của tỉnh.
Đầm Thị Tường (còn có tên là đầm Bà Tường) là vùng ngập nước quanh năm, được tạo nên do bồi lắng phù sa của sông Mỹ Bình, sông Ông Đốc và hệ thống kênh rạch xung quanh. Đầm rộng khoảng 700ha, chiều dài hơn 10km, rộng khoảng 2km, nơi hẹp nhất khoảng 800m. Đây là đầm nước tự nhiên có diện tích lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nằm giáp ranh giữa 3 huyện của Cà Mau là Phú Tân, Cái Nước và Trần Văn Thời.
Theo thống kê của các địa phương, tại đầm còn khoảng 73 trường hợp bao ví (khoanh nuôi), lấn chiếm mặt nước để nuôi sò huyết, khai thác thủy sản và xây dựng công trình trái phép. Cụ thể, huyện Trần Văn Thời còn 26 trường hợp bao chiếm 129 ha. Huyện Phú Tân còn 47 trường hợp nuôi sò huyết kết hợp khai thác thủy sản. Tình trạng tranh chấp mặt đất, mặt nước để nuôi sò huyết, khai thác thủy sản vẫn còn xảy ra, ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương.
Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo các địa phương thực hiện biện pháp tuyên truyền, giáo dục, yêu cầu cá nhân, tổ chức di dời, tháo dỡ các công trình trước tháng 12/2016, sau đó gia hạn đến tháng 5/2017.
UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành công văn số 4708/UBND–NNTN về việc khẩn trương xử lý dứt điểm các trường hợp lấn chiếm, khai thác trái phép đầm Thị Tường. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, việc di dời hoạt động nuôi thủy sản, tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép trên đầm Thị Tường phải hoàn thành trước ngày 24/8/2018. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng này vẫn chưa được cải thiện, xử lý dứt điểm.
Hợp tác xã Đầm Thị Tường thành lập năm 2011, đăng ký lại theo Luật Hợp tác xã 2012 vào năm 2016, có 40 thành viên tham gia, vốn điều lệ đăng ký 305 triệu đồng, do ông Phan Thế Trắng làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Hợp tác xã xây dựng chòi, quán phục vụ ăn uống, xây dựng 7 phòng nghỉ kiên cố trên đầm Thị Tường (đã chuyển đổi thành nhà hàng), có 3 phương tiện thủy, ngành nghề hoạt động gồm: Du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản nội địa, vận tải hành khách, mua bán thủy sản, dịch vụ ăn uống, nhà nghỉ. Mỗi tháng Hợp tác xã đón khoảng 300 lượt khách, tạo việc làm cho 10 lao động địa phương.