Cần giải pháp căn cơ về đào tạo nghề, hướng nghiệp cho người lao động

Chiều 29/10, tiếp tục kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận về dự thảo kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025). Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang đã có ý kiến kiến nghị một số vấn đề liên quan.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang thảo luận chiều 29/10. Ảnh: TTXVN phát

Đại biểu Nguyễn Việt Thắng kiến nghị nên cân nhắc, xem xét lại chỉ tiêu phấn đấu đạt 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025. Theo đại biểu, chỉ tiêu này quá cao và rất khó thực hiện. Hiện tại chỉ mới có hơn 80 vạn doanh nghiệp, phấn đấu trong 4 năm nữa để đạt đủ con số 1,5 triệu doanh nghiệp là rất khó; chưa kể thời gian qua, trước tác động của dịch COVID-19, rất nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản.

Số liệu của Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho thấy, 7 tháng năm 2021, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường cao hơn doanh nghiệp thành lập mới. Cụ thể, có 79.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, còn doanh nghiệp thành lập mới chỉ có 75.000. Vì thế chỉ tiêu này khó khả thi; phải lấy hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo làm đột phá - đại biểu chỉ rõ.

Theo đại biểu Nguyễn Việt Thắng liên quan đến vấn đề thị trường lao động, thời gian qua do tác động của đại dịch COVID-19 nền kinh tế suy giảm trầm trọng, kinh tế nông nghiệp thể hiện rõ vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế. Tuy nhiên, thời gian qua, nền kinh tế nông nghiệp vẫn còn tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Vấn đề "được mùa mất giá" vẫn thường xuyên xảy ra làm cho sản xuất, đời sống của người dân nông thôn hết sức khó khăn.

Do đó cơ cấu lại ngành nông nghiệp cần quan tâm theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; đẩy mạnh phát triển nông nghệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triến công nghiệp, chế biến nông sản thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

Bên cạnh đó, liên quan đến các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, việc cơ cấu lại nền kinh tế phải đặt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 có thể còn kéo dài và có những yếu tố bất định để đề ra giải pháp phù hợp.
 
Bước vào giai đoạn 2021-2025, nền kinh tế Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, có thể kéo dài và có những yếu tố bất định, tác động trực tiếp tới nền kinh tế; do đó cần thiết phải có  kế hoạch cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi, vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, phát huy tiềm năng tạo đà bức phá cho giai đoạn tới.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang thảo luận chiều 29/10. Ảnh: TTXVN phát

Cũng liên quan đến vấn đề doanh nghiệp, đại biểu Châu Quỳnh Dao nhận định: mặc dù tăng trưởng kinh tế rất cao nhưng động lực tăng trưởng chủ yếu là ở khu vực xuất khẩu hàng hóa, mà khu vực này lại chiếm phần nhiều là các doanh nghiệp có vốn FDI, tức là doanh nghiệp có vốn trực tiếp từ nước ngoài.
 
Đại biểu nhấn mạnh: những doanh nghiệp này chiếm tổng giá trị xuất khẩu đến 70% mặc dù chỉ có 7.000 doanh nghiệp FDI, tức chỉ chiếm 2% trong số các doanh nghiệp xuất khẩu. Vì thế, cần có quyết sách để bớt lệ thuộc vấn đề này, để nền kinh tế phát triển vững mạnh thật sự.
 
Cho ý kiến về nguồn nhân lực, đại biểu Châu Quỳnh Dao nêu rõ: nguồn nhân lực chính là nền tảng và cũng là động lực để phát triển nền kinh tế. Tỷ lệ lao động qua đào tạo ở nước ta hiện chỉ đạt 25%; các chỉ số về lao động chuyên môn, đổi mới sáng tạo cũng đạt rất thấp; vì thế cần có những giải pháp căn cơ về đào tạo nghề, hướng nghiệp cho người lao động…

Lê Sen (TTXVN)
Xây dựng quy hoạch đồng bộ để dẫn dắt nền kinh tế
Xây dựng quy hoạch đồng bộ để dẫn dắt nền kinh tế

Chiều 29/10, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV đã nghe thành viên Chính phủ trình bày tờ trình về dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025 và tờ trình về dự kiến Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025). Tại buổi thảo luận cùng ngày, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến vào những nội dung này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN