Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, Đại học Quốc gia là mô hình hình thành từ chủ trương hết sức đúng đắn với gần 30 năm thực hiện. Với sứ mệnh đặt ra, hai Đại học Quốc gia cần phải tổng kết để có thể đánh giá toàn diện những mặt đã làm được, vấn đề còn đang vướng mắc nhằm thúc đẩy phát triển mô hình này. Trong đó, cần nhìn nhận rõ vấn đề nào cần tư duy mới hơn, phát triển hơn để Đại học Quốc gia phát huy cao nhất dân chủ, trí tuệ, tiên phong dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo, thực hiện mục tiêu sứ mệnh đặt ra.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị, trên cơ sở pháp lý cũng như triển khai thực tiễn, hai Đại học Quốc gia cần có đề án tổng thể, trong đó đề xuất với Nhà nước những vấn đề Nhà nước cần đầu tư, đặt hàng và chiến lược thực hiện của mình trong thời gian tới. Đại học Quốc gia phải xây dựng triết lý phát triển riêng, có nhiệm vụ lớn, đúng tầm, không nên đặt quá nhiều nhiệm vụ hoặc chạy theo đào tạo những ngành nghề “nóng”. Trên cơ sở mục tiêu, chiến lược và những cam kết của Đại học Quốc gia, Nhà nước sẽ có đầu tư thích đáng, bằng nguồn lực, cơ chế chính sách, mô hình vận hành, sự tham gia xã hội hóa.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo hai Đại học Quốc gia đã kiến nghị nhiều vấn đề nhằm tạo cơ chế, chính sách để phát triển xứng tầm, đúng với sứ mệnh, nhiệm vụ đặt ra. Trong đó, hai Đại học Quốc gia kiến nghị, Chính phủ sớm ban hành Nghị định về Đại học Quốc gia, Quyết định ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học Quốc gia và các cơ sở giáo dục đại học thành viên theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Nghị định cần làm rõ quy định “Đại học Quốc gia có quyền tự chủ cao trong các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tài chính, quan hệ quốc tế và tổ chức bộ máy” trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học.
Theo lãnh đạo hai Đại học Quốc gia, để phát triển Đại học Quốc gia ở tầm cỡ quốc tế cần có những có chế chính sách và nguồn lực phù hợp, tương xứng với sứ mệnh đặt ra. Hiện các quyền hạn của Đại học Quốc gia tuân theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học nên các quyền hạn về chuyên môn, tài chính, nguồn lực chưa có tính đặc thù để có thể thúc đẩy đơn vị phát triển đúng tầm. Vì thế, Nghị định này cần hướng đến việc tạo những cơ chế, chính sách phù hợp về sử dụng nguồn lực, con người, tài chính cho Đại học Quốc gia.
Liên quan vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đã hoàn hành dự thảo Nghị định, đang lấy ý kiến các Bộ, ngành trước khi trình Chính phủ. Hai Đại học Quốc gia cũng rất kỳ vọng về những cơ chế mới sẽ được thể hiện trong Nghị định; tuy nhiên, Nghị định này là hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học, vì thế các nội dung không thể vượt quy định của Luật được mà chỉ có thể có một số điểm đặc thù. Chỉ khi có Luật Đại học Quốc gia riêng mới thực sự có cơ sở pháp lý “mở đường” cho Đại học Quốc gia phát triển vượt bậc, có thể giải quyết tận gốc các vấn đề vướng mắc đang gặp phải.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, trong Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết 24 về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thủ tướng Chính phủ đã giao Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì Đề án “Phát triển Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á”.
Nhiệm vụ trọng tâm của Đề án là phát triển các chương trình đào tạo, nghiên cứu và khởi nghiệp trong lĩnh vực Công nghệ bán dẫn, Công nghệ sinh học, Chuyển đổi số và Trí tuệ nhân tạo thuộc nhóm đầu châu Á; phát triển Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, kết nối với các trung tâm của khu vực và thế giới. Đầu tháng 8 vừa qua, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành dự thảo Đề án và đang lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Đây là định hướng quan trọng để Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục sứ mệnh của mình là thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước.
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ giao Đại học Quốc gia Thành phố thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết các dự án thành phần thuộc phạm vi quản lý nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư và giải ngân vốn đầu tư phát triển. Đặc biệt, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép bố trí lại số vốn đã bị hủy dự toán (hơn 420 tỷ đồng) do chưa giải ngân hết trong các năm trước đây đối với dự án bồi thường giải phóng mặt bằng của Đại học Quốc gia Thành phố nhằm kịp thời bổ sung vốn đẩy nhanh và dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng tại Khu đô thị Đại học Quốc gia Thành phố.
Trao đổi tại buổi làm việc, nhiều ý kiến, kiến nghị Chính phủ có chính sách đối với các ngành khoa học cơ bản để có được nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển. Các nhà khoa học cũng kiến nghị các Bộ, ngành liên quan xem xét đơn giản hóa thủ tục hành chính cũng như cơ chế tài chính trong nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai đề tài nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.